Ba công ty chứng khoán bảo lãnh phát hành gồm Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), Bản Việt và Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Số phí chi cho khoản mục này ước khoảng 2% giá trị dự kiến thu được từ đợt phát hành, gần 25 tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, nhưng theo một nguồn tin từ Viglacera, Tổng công ty cần phương án an toàn.
Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Viglacera, không ít cổ đông cả trong và ngoài nước bày tỏ bức xúc về việc tại sao Tổng công ty đưa ra đấu giá cổ phần với giá khởi điểm quá thấp, 12.300 đồng/cổ phần.
Bán giá thấp như vậy mà Viglacera còn sợ ế cổ phần, phải sử dụng bảo lãnh phát hành. Nhưng cổ đông cũng khó có thể trách cứ được Ban lãnh đạo doanh nghiệp vì hơn 2 năm trước, cụ thể là tháng 2/2014, cổ phần VGC “ế chỏng, ế chơ”. Doanh nghiệp chào bán 76.947.600 cổ phần, nhưng chỉ có 19.487.200 cổ phần được đăng ký mua (chiếm 25,3% lượng chào bán), với giá đấu thành công 10.300 đồng/cổ phần.
Kết quả đăng ký tham gia đấu giá và của phiên đấu giá cổ phần Viglacera khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi lâu lắm rồi mới có phiên đấu giá thu hút cả nghìn nhà đầu tư tham dự như vậy.
Thậm chí, trước phiên đấu giá, một nguồn tin từ HSC còn cho biết, có nhà đầu tư nước ngoài đặt mua toàn bộ số cổ phần chào bán. Kết quả, Viglacera bán được toàn bộ số cổ phần với giá trúng thầu bình quân rất cao, 16.175 đồng/cổ phần, thấp hơn chút xíu so với thị giá cổ phiếu trên sàn.
Bán được cổ phần giá cao, nhưng người Viglacera không mấy vui vẻ. Cũng dễ hiểu, bởi họ mất khoản tiền lớn bảo lãnh phát hành, và hầu như người trong Công ty không ai trúng đấu giá.
Không chỉ có Viglacera, thống kê từ HNX cho thấy, phần lớn các đợt đấu giá cổ phần qua Sở giao dịch từ đầu năm đến nay đều thành công. Đấu giá cổ phần hiện nay đã thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm trở lại.
Cổ phần phát hành thêm dành cho cổ đông hiện hữu cũng được nhiều nhà đầu tư đăng ký mua. Kết thúc đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Tập đoàn CEO mới đây, gần như 100% cổ phiếu đã được nộp tiền mua, mặc dù giá phát hành thêm chỉ thấp hơn chút xíu (khoảng 1.000 - 2.000 đồng/cổ phần) so với thị giá. Huy động vốn thành công, CEO có thêm nguồn lực để đầu tư cho dự án Phú Quốc, tạo bàn đạp vững chắc cho các dự án khác trong tương lai.
Với nhiều doanh nghiệp, huy động vốn luôn là bài toán khó, nhưng nếu trở thành cổ phiếu tốt trên thị trường chứng khoán, đó không còn trở thành bài toán quá khó với doanh nghiệp. Rất nhiều Công ty nhờ đòn bẩy từ thị trường đã vươn mình gia tăng sức mạnh và năng lực cạnh tranh trên thương trường. Những câu chuyện như Vingroup, Masan, Vĩnh Hoàn, REE, FLC… đã cho thấy rõ điều đó.
So với vốn vay ngân hàng, vốn huy động từ kênh chứng khoán có nhiều lợi thế, đó là kỳ hạn rất dài (thậm chí nhiều nhà đầu tư còn gọi là không có thời hạn), áp lực trả lãi suất không nặng nề (cổ đông không quá tạo áp lực về cổ tức…), mặc dù ở một vài góc độ nào đó, nếu là các đợt phát hành riêng lẻ, cổ đông lớn hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp phải điều chỉnh lại mình chút ít.
Nhưng cũng có thể do những lợi thế như vậy, mà ở nhiều doanh nghiệp, vốn huy động qua thị trường bị sử dụng sai mục đích, bị lợi dụng cho một nhóm lợi ích nào đó, khiến các nhà đầu tư thua thiệt. Cổ phiếu bị pha loãng, mất giá trị, đồng vốn bị lạm dụng, nhà đầu tư chán nản, quay lưng với thị trường. Có thể kể ra rất nhiều những cái tên “dính chàm” như MTM, STL, Thủy sản Việt Nhật, Thủy sản Việt An…
Những chiêu trò hút tiền từ thị trường chứng khoán, bán giấy lấy tiền cũng ngày một tinh vi hơn. Không chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ, cả những công ty chứng khoán, quỹ đầu tư bài bản cũng trở thành nạn nhân trên thị trường.
Huy động vốn từ TTCK không khó. Song làm gì để đồng vốn ấy sinh lời hiệu quả và gây dựng được niềm tin của các nhà đầu tư, của thị trường, đó mới là bài toán khó với các doanh nghiệp đang và sẽ niêm yết trên TTCK.