Tách bạch IPO và phát hành thêm
Theo quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành, khái niệm chào bán chứng khoán ra công chúng áp dụng cho các doanh nghiệp, không phân biệt là công ty đại chúng hay công ty chưa đại chúng và trên thực tế, khi nhắc đến khái niệm “chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)", thị trường thường nghĩ tới các doanh nghiệp nhà nước.
Thế nhưng, tại Dự thảo Luật Chứng khoán mới, hoạt động IPO được quy định tách biệt so với các đợt chào bán chứng khoán ra công chúng khác.
Chẳng hạn, với trường hợp doanh nghiệp lần đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng, Dự thảo quy định nhiều điều kiện, đáng chú ý trong đó là ngoài việc nâng tiêu chuẩn về quy mô, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, còn thêm yêu cầu về chất lượng quản trị.
Cụ thể, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về quy mô vốn điều lệ 30 tỷ đồng (quy định hiện hành là 10 tỷ đồng); phải có lãi 2 năm liên tiếp trước khi chào bán và không có lỗ lũy kế (quy định cũ là 1 năm liền trước và không có lỗ lũy kế); có phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Như vậy, so với quy định cũ, quy định mới đã được nâng chuẩn, đòi hỏi doanh nghiệp muốn chào bán chứng khoán ra công chúng lần đầu phải đáp ứng được yêu cầu về quy mô hoạt động lớn hơn và thời gian có lãi liên tục cao hơn.
Về ràng buộc trách nhiệm và yêu cầu nâng cao quản trị công ty, quy định mới yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện cam kết tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành phải được chào bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.
Với trường hợp vốn điều lệ doanh nghiệp từ 100 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ này là tối thiểu 15% vốn điều lệ; trường hợp doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trở lên, mức tối thiểu chào bán ra bên ngoài là 10% vốn điều lệ.
Ảnh Shutterstock
Ngoài yêu cầu về mức đại chúng hóa trong doanh nghiệp, Dự thảo cũng đưa ra yêu cầu về cam kết gắn bó của cổ đông lớn, trong đó cổ đông lớn phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành sau tối thiểu 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Các yêu cầu định tính khác được đưa ra như tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa được xóa án tích; phải có công ty chứng khoán tư vấn, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty chứng khoán; phải có tài khoản phong tỏa…
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một thành viên tổ soạn thảo Dự thảo Luật Chứng khoán cho biết, các yêu cầu về nâng quy mô vốn, điều kiện lợi nhuận… nằm trong thay đổi chung của Luật Chứng khoán lần này.
Với các yêu cầu về tỷ lệ đại chúng hóa của doanh nghiệp cũng như yêu cầu cam kết nắm giữ, Dự thảo Luật mới dựa trên cơ sở khắc phục các nhược điểm trong quá khứ.
Cụ thể, vị này cho hay, thực tế đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện xé lẻ cổ phiếu cho nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư chỉ có một vài cổ phiếu, hoặc một vài chục, một vài trăm cổ phiếu, nên xét theo quy định cũ về quy mô vốn điều lệ và số lượng cổ đông thì doanh nghiệp là công ty đại chúng, nhưng đó chỉ là các trường hợp đại chúng hóa về mặt hình thức.
Về yêu cầu cam kết nắm giữ, theo thành viên này là nhằm tạo thêm cơ chế ràng buộc trách nhiệm cổ đông, tránh tình trạng “mang con bỏ chợ” đã diễn ra ở một số doanh nghiệp.
Lỗ lũy kế vẫn được phát hành thêm
Theo Dự thảo Luật Chứng khoán mới, để được chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, ngoài việc đáp ứng yêu cầu về quy mô vốn điều lệ, có phương án sử dụng vốn, có công ty chứng khoán tư vấn và có tài khoản phong tỏa... như quy định của doanh nghiệp lần đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng, công ty đại chúng còn phải đáp ứng thêm nhiều tiêu chí khác.
Cụ thể, doanh nghiệp phải đảm bảo 2 năm liên tục năm liền trước đăng ký chào bán có lãi. Như vậy, so với quy định hiện hành, Dự thảo điều chỉnh theo hướng nâng cao yêu cầu về thời gian hoạt động có lãi liên tục (2 năm liên tục thay vì 1 năm), nhưng bỏ quy định không có lỗ lũy kế.
Như vậy, nếu bỏ quy định này, các trường hợp như Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) hay Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) sẽ có cơ hội được tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng - điều mà ở quy định hiện hành, cả 2 doanh nghiệp trên sẽ rất khó để tìm kiếm cơ hội do bị lỗ lũy kế lớn.
Ngoài quy định về kết quả kinh doanh, Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định như:
Các lần chào bán thêm phải cách nhau tối thiểu 1 năm; giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn lớn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành cam kết chắc chắn.
Ảnh Shutterstock
Điều này sẽ dẫn tới tình trạng, doanh nghiệp sẽ không thể tăng vốn nhiều hơn 100% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trong 1 năm, trừ khi có cam kết chắc chắn.
Đồng thời, với trường hợp doanh nghiệp chào bán chứng khoán để thực hiện dự án, theo Dự thảo, đợt phát hành chỉ thành công nếu phát hành thành công được tối thiểu 70% số cổ phần dự kiến chào bán. Doanh nghiệp cũng phải nêu phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
Không chỉ có các quy định "cứng" về hiệu quả, tại Dự thảo lần này, Luật yêu cầu các trường hợp không được chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng bao gồm:
Doanh nghiệp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc chưa được xóa án tích; bị xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán sai quy định, báo cáo, công bố thông tin sai lệch trong thời hạn 1 năm liền trước ngày nộp hồ sơ chào bán.
Như vậy, trừ yếu tố lỗ lũy kế được bỏ với trường hợp phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng, Luật Chứng khoán đang thay đổi theo hướng siết chặt hơn các điều kiện chào bán, cả về quy mô, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, cũng như tốc độ tăng vốn, chất lượng quản trị. Những doanh nghiệp có lịch sử vi phạm liên quan đến yếu tố quản trị cũng có thể sẽ bị “chặn” cửa phát hành trong 1 năm kể từ khi bị phát hiện và xử lý vi phạm.
Quy định mới sẽ hạn chế tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp?
Theo giới quan sát, ưu điểm lớn nhất của Luật Chứng khoán sửa đổi là việc bỏ quy định không có lỗ lũy kế khi phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng.
Với quy định này, một khi áp trụng trên thực tiễn, các doanh nghiệp từng gặp khó khăn trong quá khứ sẽ có cơ hội được thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng để phát triển hoạt động kinh doanh của mình, nhất là khi hoạt động mới có lãi trở lại.
Tuy nhiên, việc ràng buộc quy định về khoảng cách các đợt phát hành trong 1 năm hay áp trần khối lượng phát hành… sẽ khiến doanh nghiệp chịu ràng buộc trong thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhân sự phụ trách mảng ngân hàng đầu tư một công ty chứng khoán bày tỏ băn khoăn, quy định về việc chào bán chứng khoán ra công chúng như tại Dự thảo có áp dụng cho các trường hợp doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để hoán đổi với công ty khác hay không?
“Nếu doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng để hoán đổi cổ phiếu/vốn sở hữu với công ty khác thì có bị hạn chế quy định tổng giá trị? Và trong trường hợp doanh nghiệp muốn sau hoán đổi cổ phiếu mới chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thì có bị giới hạn quy định một năm hay không?”, vị này thắc mắc.
Đồng thời, quy định về điều kiện 2 năm liên tiếp có lãi cũng sẽ gây khó cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh những doanh nghiệp sau tái cấu trúc gặp nhiều khó khăn về tài chính, dù có dự án khả thi.
Một số ý kiến cho rằng, với việc chào bán thêm ra công chúng, việc siết các quy định về quản trị là cần thiết và góp phần tăng minh bạch, hiệu quả trên thị trường, nhưng việc yêu cầu 2 năm liên tiếp có lãi có thể sẽ là một rào cản, nên cần được cân nhắc lại theo hướng tăng các tiêu chí minh bạch.