Với tốc độ tăng trưởng GDP 2,58%, ông có nghĩ rằng, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã ở điểm đáy?
Quý I/2021, tăng trưởng GDP đạt 4,72% và quý II đạt 6,73%, nhưng quý III giảm tới 6,02%, mức giảm tốc lớn chưa từng thấy và đây là hiện tượng chưa từng xảy ra.
Để thoát đáy, bước sang quý IV/2021, chiến lược chống dịch của nước ta đã thay đổi, chuyển sang giai đoạn “thích ứng”, “sống chung với dịch an toàn”. Những rào cản trong thời gian giãn cách được từng bước gỡ bỏ, các hoạt động kinh tế được phép thực hiện trở lại, những hoạt động có nguy cơ lây lan dịch cao (như hàng không, du lịch) cũng được mở cửa với điều kiện phù hợp, đáp ứng an toàn phòng, chống dịch.
Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) |
Cùng với đó là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; sự thống nhất, hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là sự ủng hộ, đồng tình, chia sẻ, tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế quý IV/2021 đã bật lên, đạt 5,22%.
Nhờ đó, cả năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,58%, tuy còn khiêm tốn, nhưng so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, mức tăng trưởng này không phải là thấp. Tôi cho rằng, nếu tính theo quý, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2021 là điểm đáy, còn tính theo năm, thì năm 2021 là điểm đáy.
Trong điều kiện nhanh chóng kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, bao phủ ít nhất 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 trên cả nước, đảm bảo được an toàn, an sinh xã hội, thích ứng hiệu quả với trạng thái “bình thường mới” và mọi người dân đồng lòng, ủng hộ Chính phủ, nâng cao ý thức cá nhân trong phòng, chống dịch, thì việc kinh tế Việt Nam phục hồi trong thời gian tới là khá khả quan.
Đặc biệt, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ là nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất và an sinh. Nếu được thực hiện hiệu quả, đúng và trúng mục tiêu, đây sẽ là đòn bẩy lớn cho nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Theo ông, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ U, chữ V hay chữ W?
Đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm 2020, trong khi đại đa số các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng âm, thì Việt Nam thuộc số ít quốc gia duy trì được mức tăng trưởng dương (2,91%).
Năm 2021, kinh tế của các quốc gia trên thế giới có xu hướng phục hồi khi đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc-xin, thì kinh tế Việt Nam lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn của đại dịch với biến chủng Delta, nên tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 2,58%.
Hiện nay, với độ bao phủ vắc-xin cao, chiến lược thích ứng, linh hoạt, an toàn với dịch, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2022 và “viết tiếp câu chuyện tăng trưởng” trong những năm tiếp theo. Như vậy, sau 2 năm cùng tăng trưởng dương ở mức thấp, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và được dự báo sẽ tăng trưởng theo mô hình chữ U.
Ông có thể “vẽ” rõ nét hơn “hình chữ U” này?
Năm 2018 và 2019, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tương ứng đạt 7,08% và 7,02%, giống như đang ở trên đỉnh của chữ U, thì đến năm 2020 và 2021 chỉ tăng 2,91% và 2,58%, nằm ở đáy chữ U. Năm 2022 và 2023, dự kiến GDP tăng 6,5% và 7%, kinh tế đi lên ở mức tương ứng với trước đại dịch.
Các giải pháp tài khóa, tiền tệ là sự hỗ trợ kịp thời với mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng để phục hồi và kích thích nền kinh tế tăng trưởng theo hình chữ U sau khi đã xuống đáy trong 2 năm vừa qua; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Thưa ông, đến thời điểm này, Mỹ, Anh, EU... bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ như nâng lãi suất, giảm gói hỗ trợ tài khóa, giảm mua trái phiếu... để kiểm soát lạm phát, còn Việt Nam lại mở rộng. Liệu chúng ta có đi ngược xu hướng?
Năm 2021, Mỹ, Anh, EU đã cơ bản khống chế được sự lây lan của dịch, độ bao phủ tiêm chủng vắc-xin cao, cùng với năng lực nội tại sẵn có, nên kinh tế trên đà phục hồi tốt nhờ các nước này đã đưa ra những gói hỗ trợ “khủng” để phục hồi, phát triển kinh tế và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Cụ thể, EU có Quỹ Phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trị giá 1.800 tỷ euro (tương đương 2.190 tỷ USD). Chính phủ của Tổng thống Joe Biden đã triển khai 2 gói cứu trợ với tổng trị giá gần 3.000 tỷ USD. Các gói hỗ trợ lớn đó đã hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy chi tiêu, nhưng đây là nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Vì vậy, đã đến lúc, nhiều quốc gia áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lạm phát.
Với Việt Nam, nửa sau năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn, đời sống người dân bấp bênh; tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,58%.
Do vậy, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là cấp thiết nhằm vực dậy nền kinh tế. Các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ tác động vào cả phía cung và phía cầu sẽ là cú hích kích thích kinh tế phát triển.
Năm 2021, lạm phát của Việt Nam ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (tăng 1,84%) nên theo tôi, việc mở rộng gói tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội chưa gây ra áp lực lạm phát và cũng không đi ngược với xu hướng thế giới.