Gói cứu trợ của Hy Lạp đang đến rất gần

Gói cứu trợ của Hy Lạp đang đến rất gần

(ĐTCK) Chính phủ các nước Khu vực đồng euro sắp sửa tung ra gói viện trợ tài chính trị giá 130 tỷ euro (171 tỷ USD) cho Hy Lạp, nhằm tìm cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ đầu tiên của khu vực này.

Đức, quốc gia đóng góp lớn nhất trong gói cứu trợ của Khu vực, đã báo hiệu rằng, các bộ trưởng tài chính có thể đã sẵn sàng trở lại Brussels vào ngày 20/2 sắp tới để quyết định về gói cứu trợ thứ 2 (trong vòng 2 năm) dành cho Hy Lạp.

Sau 1 tuần tranh cãi giữa các quan chức trong khu vực, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cho biết, việc này nhằm tránh sự phân chia khoản cứu trợ và thực hiện thỏa thuận về hoán đổi nợ (trị giá 100 tỷ euro) với các chủ nợ tư nhân.

Hy Lạp quyết tâm đi đến thỏa thuận về hoán đổi nợ để được giải ngân phần cứu trợ tiếp theo từ gói cứu trợ thứ nhất phối hợp giữa EU và IMF muộn nhất vào ngày 20 tháng sau, thời điểm Athen phải thanh toán khoản nợ trái phiếu đáo hạn trị giá 14,5 tỷ euro trong điều kiện cháy túi, mà nếu không trả được, sẽ trở thành vụ vỡ nợ quốc gia đầu tiên trong lịch sử 13 năm của Khu vực đồng euro.

"Chuyện này, một lần nữa, là lời nhắc nhở cho chính phủ các nước về các vấn đề ở châu Âu và tiềm năng của một cuộc khủng hoảng nợ gây rối loạn tình hình kinh tế”, ông Michael Gapen, một nhà kinh tế của Barclays Capital tại New York cho biết.

Nước Đức đã đặt áp lực lên Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos, buộc nước này phải thi hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng, trong sự hối thúc của các nước miền Nam châu Âu và các chủ nợ phương Bắc. Nền kinh tế của Hy Lạp, bị mắc kẹt trong 5 năm suy thoái kinh tế, vừa giảm 7% so với một năm trước đó, kèm theo tỷ lệ thất nghiệp 20,9% trong tháng 11 năm ngoái.

Trung tâm chú ý bây giờ đang là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bởi ngân hàng này sẽ tổ chức cuộc đàm phán với Hy Lạp về việc loại bỏ trái phiếu Hy Lạp trong danh mục đầu tư của các ngân hàng trung ương khỏi việc tái cơ cấu nợ, 2 quan chức của Khu vực đồng euro cho biết.

Các nhà đầu tư cho rằng, kết quả của những nỗ lực trong vòng 7 tháng để hoàn thành gói cứu trợ thứ 2 cho Hy Lạp là đẩy giá chứng khoán Khu vực đồng euro và toàn cầu tăng cao trong tuần trước. Đồng euro tăng 0,2% lên 1,3150 USD tại Berlin ngày thứ Sáu tuần trước, sau khi đã tăng khoảng 0,5% trước đó.

Merkel, Papademos và Thủ tướng Ý Mario Monti đã thảo luận kế hoạch cho gói cứu trợ thứ 2 cho Hy Lạp trong một hội nghị cuối tuần trước và tin tưởng rằng, các bộ trưởng tài chính sẽ "tìm thấy một giải pháp cho những câu hỏi mở" khi họ gặp lại nhau tại Brussels, Steffen Seibert, phát ngôn viên của bà Merkel, cho biết trong một tuyên bố.

Trong khi các nhà lập pháp Hy Lạp trong tháng này đã thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng được yêu cầu, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro đã nghe được thông tin rằng, Hy Lạp sẽ bỏ lỡ mục tiêu giảm nợ mà không còn biện pháp nào hơn nữa.

Nợ của Hy Lạp sẽ giảm xuống đến 129% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, một nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết và từ chối được nêu tên là vì họ vẫn còn đang trong tiến trình đàm phán. Năm ngoái, mức nợ của Hy Lạp là khoảng 160%.

Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã báo hiệu về sự linh hoạt của mục tiêu đó: "120%, cũng có thể là 122% hoặc 123%, nhưng sẽ không phải là 130%".

ECB vẫn đang quan sát về những giao dịch hoán đổi trái phiếu. Ngân hàng này đang trao đổi trái phiếu Hy Lạp với những trái phiếu khác để đảm bảo rằng nó sẽ không phải chịu mất mát gì trong bất kỳ trường hợp tái cấu trúc nợ nào, 3 quan chức Khu vực đồng euro cho biết.

Việc đó có thể mở đường cho quá trình trao đổi trái phiếu của khu vực tư nhân nhằm mục đích để cắt giảm khoảng 100 tỷ euro nợ của Hy Lạp, cùng với gói cứu trợ thứ hai. Gây tranh cãi nhiều hơn là một đề nghị đối với các ngân hàng trung ương quốc gia tham gia vào việc trao đổi với khu vực tư nhân với việc chấp nhận tổn thất về trái phiếu Hy Lạp trong danh mục đầu tư của họ.

"Các thị trường có thể chờ đón một kết quả tích cực với sự tình nguyện tham gia của khu vực tư nhân và có thể từ cả ECB", Silvio Peruzzo, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Hoàng gia Scotland tại London, cho biết. Mặc dù vậy, "Hy Lạp có thể sẽ vẫn là một nguy cơ lớn cho Khu vực đồng euro”.