Góc nhìn kỹ thuật phiên 5/3: Sớm gặp áp lực rung lắc tại vùng kháng cự quanh 1.000 điểm

Góc nhìn kỹ thuật phiên 5/3: Sớm gặp áp lực rung lắc tại vùng kháng cự quanh 1.000 điểm

(ĐTCK) Việc chỉ báo Stochastic Oscillator và một số chỉ báo động lượng khác đang phát ra tín hiệu bán là một dấu hiệu cảnh báo về khả năng chỉ số có thể sẽ sớm gặp áp lực rung lắc tại vùng kháng cự quanh 1.000 điểm.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 5/3. 

CTCP Bảo Việt - BVSC

VN-Index tăng 1,47% lên 993,99 điểm. Thanh khoản đạt 209 triệu cổ phiếu, tăng mạnh so với phiên trước đó và cao hơn khối lượng trung bình của 20 và 50 phiên gần nhất.

Độ rộng thị trường tích cực với 230 mã tăng điểm. Điều này phản ánh tâm lý tích cực của các nhà đầu tư và được kỳ vọng sẽ giúp lực cầu tiếp tục gia tăng trong những phiên tới.

Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp cận lại vùng kháng cự quanh 1.000 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Tuy nhiên, việc chỉ báo Stochastic Oscillator và một số chỉ báo động lượng khác đang phát ra tín hiệu bán là một dấu hiệu cảnh báo về khả năng chỉ số có thể sẽ sớm gặp áp lực rung lắc tại vùng kháng cự.

Mặt khác, chỉ báo MACD trên khung đồ thị tuần vẫn đang duy trì uptrend nhưng khoảng cách với đường tín hiệu đang thu hẹp dần. Chỉ báo Stochastic Oscillator đã phát ra tín hiệu mua lại sau phiên ngày hôm nay.

Những tín hiệu trên khung đồ thị tuần và ngày cho thấy thị trường vẫn còn dư địa tăng điểm với vùng kháng cự 1.016-1.024 điểm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chúng tôi không cũng lưu ý đến khả năng thị trường có thể sẽ xuất hiện các phiên điều chỉnh đan xen trong quá trình tăng điểm. Vùng 954-958 điểm, là vùng hội tụ bởi hai đường SMA20 và SMA200 sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ của VN-Index.

Nếu vượt qua được vùng kháng cự 992-1.000 điểm, chỉ số có thể sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng tới vùng 1.016-.1.024 điểm.

 Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.  

CTCK Phú Hưng - PHS

VN-Index có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch gia tăng trên mức bình quân 10 và 20 phiên hàm ý dòng tiền đang gia nhập thị trường tích cực.

Không những vậy, chỉ số đang duy trì đóng cửa trên MA20, kèm theo đường ADX nằm trên vùng 32 và đường +DI nằm trên –DI cho tín hiệu xu hướng phục hồi của chỉ số đang tiếp diễn.

Thêm vào đó, các chỉ báo kỹ thuật khác như MACD và RSI đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, cho tín hiệu tích cực và động lực phục hồi của chỉ số đang gia tăng, chỉ số có thể có cơ hội tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm.

HNX-Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp vượt kháng cự MA200 và duy trì đóng cửa trên MA20, cho thấy xu hướng phục hồi đang tiếp diễn, ngưỡng kháng cự tiếp theo có thể là vùng 111,1 điểm (Fib 61,8).

Nhìn chung, thị trường đang nằm trong xu hướng phục hồi tích cực. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng thêm một phần nhỏ tỷ trọng danh mục vào các cổ phiếu có cơ bản tốt, có tính dẫn dắt, được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại và có triển vọng kinh doanh năm 2019 khả quan.

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS.  

Tin bài liên quan