Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Góc nhìn kỹ thuật phiên 25/8: Có thể điều chỉnh

(ĐTCK) Chỉ số đi lên đóng cửa trên MA5, kèm theo đường RSI có xu hướng phục hồi trở lại vùng 47 cho thấy động phục hồi của chỉ số có phần gia tăng. Tuy nhiên, chỉ số vẫn đang đóng cửa dưới MA 20, đồng thời, chỉ báo ADX vẫn nằm trên vùng 17, trong khi –DI nằm trên +DI cho thấy xu hướng điều chỉnh ngắn hạn có thể là vẫn còn, đợt phục hồi vừa qua có thể chỉ mang tính kỹ thuật.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 25/8.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Vn-Index đóng cửa tăng điểm và tiến sát vùng kháng cự gần 770-775 điểm. Áp lực bán dự báo sẽ gia tăng đáng kể trong phiên kế tiếp nếu chỉ số tiến vào vùng cản này.

Thanh khoản tăng mạnh so với những phiên trước đó và duy trì ở mức cao hơn so với khối lượng bình quân 21 phiên. Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng điểm tuy nhiên sự chênh lệch là không đáng kể.

Mặc dù diễn biến tăng điểm của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp thị trường tăng điểm nhưng sức lan tỏa là chưa nhiều. Nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng và có phần hoài nghi về khả năng hồi phục bền vững của thị trường. Đặc biệt là khi khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư vẫn còn khá ít.

Chỉ số nhiều khả năng sẽ quay lại thử thách vùng kháng cự 770-775 điểm trong phiên cuối tuần. Dù vậy, áp lực cung tại vùng cản này vẫn được đánh giá là khá mạnh ở thời điểm hiện tại.

Do đó, việc chỉ số quay đầu giảm điểm tại vùng cản trên vẫn được để ngỏ.

Mặt khác, việc dải BB đang có dấu hiệu mở rộng kèm theo áp lực từ nhóm MA ngắn hạn đang hướng xuống, khiến chúng tôi để ngỏ kịch bản chỉ số có thể quay lại kiểm tra vùng hỗ trợ 757-762 điểm một lần nữa trong ngắn hạn.

Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 770- 775 điểm và 783-785 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại quanh 760 điểm và 750-755 điểm.

CTCK FPT - FPTS

Kịch bản chỉ số phục hồi về đường EMA 20 ngày đã được kích hoạt trong phiên ngày hôm nay với lực đẩy đến từ nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, phần lớn thanh khoản lại được đóng góp bởi các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa tầm trung, dẫn đầu bởi FLC, FIT và HAI.

Do đó, mặc dù tổng khối lượng khớp lệnh ngày hôm nay tăng vượt giá trị bình quân 5 ngày nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi chiều giảm điểm.

Hay nói cách khác, trong ngắn hạn, xu hướng giảm điểm vẫn đang nắm phần chủ đạo. Để xem xét khả năng tiếp diễn của kịch bản hồi phục kĩ thuật về đường EMA 20 ngày, chúng tôi sử dụng dữ liệu trên đồ thị Intraday H1.

Nhịp hồi phục kĩ thuật của ngày hôm nay gặp phải lực cản khi chỉ số tăng đến ngưỡng 770, được thể hiện dưới dạng mẫu hình nến Bearish Pin Bar khối lượng lớn tại ngưỡng kháng cự 770 vào thời điểm 13h.

Mặc dù xuất hiện nguồn cung khá mạnh tại ngưỡng 770 nhưng diễn biến của các chỉ báo xung lượng lại có nhiều nét khá tích cực: đường MACD cắt đường tín hiệu từ dưới lên; Stochastic đi vào vùng quá mua lần đầu tiên và đường RSI thoát khỏi vùng đi ngang 30 – 49 và chạm biên trên của dải Bollinger Band.

Bằng phương pháp Backtest trên khung đồ thị Intraday H1 từ tháng 4/2017 đến nay, khả năng tiếp tục tăng điểm của VN-Index khi cả 3 yếu tố trên đồng thời thỏa mãn có xác suất xảy ra rất cao.

Do đó, chúng tôi nghiêng về khả năng chỉ số tiếp tục tăng điểm với mục tiêu 772, tương ứng với đường EMA 20 ngày.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 25/8: Có thể điều chỉnh ảnh 1

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS 

CTCK Phú Hưng - PHS

Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch gia tăng mạnh mẽ vượt bình quân 10 và 20 phiên hàm ý dòng tiền đang gia nhập trở lại thị trường.

Chỉ số đi lên đóng cửa trên MA5, kèm theo đường RSI có xu hướng phục hồi trở lại vùng 47 cho thấy động phục hồi của chỉ số có phần gia tăng.

Tuy nhiên, chỉ số vẫn đang đóng cửa dưới MA 20, đồng thời, chỉ báo ADX vẫn nằm trên vùng 17, trong khi –DI nằm trên +DI cho thấy xu hướng điều chỉnh ngắn hạn có thể là vẫn còn, đợt phục hồi vừa qua có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Ngưỡng kháng cự gần nhất của chỉ số có thể là vùng 776 điểm (MA 20). 

Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có diễn biến tương tự nhưng có phần tích cực hơn. Chỉ số đi lên và duy trì đóng cửa trên MA 20, kèm khối lượng giao dịch gia tăng cho thấy xu hướng phục hồi có thể là đang tiếp diễn.

Ngưỡng kháng cự gần có thể là vùng 103 điểm (đỉnh cũ). 

Nhìn chung, phiên phục hồi ngày 24/8 cho thấy động lực phục hồi có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, xu hướng chính trong ngắn hạn có thể vẫn là điều chỉnh. Do đó, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý và có thể chưa nên mở các vị thế mua mới.

CTCK KIS Việt Nam – KIS

Thị trường tăng điểm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp, chỉ số VN-Index bứt phá vùng 760-765 điểm và hướng về vùng giá 780, còn chỉ số HNX-Index bứt phá vùng đi ngang ngắn hạn cho thấy nhịp điều chỉnh ở chỉ số này đã có dấu hiệu kết thúc.

Điểm tích cực nhất là khối lượng giao dịch đã tăng trở lại và tiệm cận mức trung bình 20 phiên, đặc biệt là dòng tiền có xu hướng đổ vào nhóm cổ phiếu largecap và midcap.

Trong đó, FLC tăng trần và chiếm hơn 30% KLGD của toàn thị trường cho thấy dòng tiền lớn đang quay trở lại thị trường. Chỉ báo độ rộng thị trường vượt đường MA20 cho thấy tâm lý đã cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, dải Bollinger Bands trên VN-Index đã hướng xuống và thu hẹp, cùng với chỉ báo ADX(14) vẫn duy trì ở mức thấp dưới 15 điểm cho thấy chỉ số này sẽ theo chiều hướng tích lũy.

Trong những phiên kế tiếp chúng tôi cho rằng VN-Index có thể biến động quanh mức 770 và xu hướng ngắn hạn lấy dần lại trạng thái tích cực và mô hình giảm ngắn hạn có thể bị phá vỡ.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp (đã loại trừ KLGD của FLC) (tức là dưới mức trung bình 190 triệu cổ phiếu/phiên) và các chỉ báo trạng thái xu hướng có chiều hướng đi ngang và thu hẹp cho nên thị trường có thể tích lũy trong những phiên sắp tới.

Do đó, kịch bản tích cực nhất trong những phiên tới là chỉ số VN-Index tích lũy trong vùng giá 760-780 điểm.

Tin bài liên quan