Góc nhìn kỹ thuật phiên 25/11: Tiếp tục nhịp giảm

(ĐTCK) Trong trường hợp áp lực bán tăng cường tiếp tục tạo thuận lợi cho kịch bản giảm sâu thì vùng hỗ trợ dưới tạo bởi MA200 và mức Fibo 50.0% tại 575-580 điểm sẽ đóng vai trò như lực đỡ mạnh nhất đối với đà giảm ngắn hạn.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 25/11.

CTCK FPT – FPTS

Đóng cửa ở mốc 593.83 điểm, VN-Index đã vi phạm 02 tín hiệu được cảnh báo trong phiên liền trước, đó là ngưỡng hỗ trợ 595 điểm đã không phát huy được vai trò hỗ trợ và thanh khoản tiếp tục có chiều hướng tăng ngược với xu hướng giá. Đây cũng là phiên thứ 2 liên tiếp VN-Index nằm ngoài khoảng chi phối của kênh tăng hồi quy bắt đầu từ cuối tháng 8/2015 đến nay, nên cũng có thể coi phiên 24/11 là tín hiệu xác nhận cho sự đổ vỡ của kênh hồi quy này.

Ở chiều hỗ trợ, với sự sụt giảm mạnh của điểm số và việc VN-Index chạm mức thấp nhất trong phiên tại 590 điểm, có thể thấy áp lực bán đang rất mạnh và đồng nghĩa với việc ngưỡng hỗ trợ này sẽ còn bị thử thách trong các phiên tới. Sử dụng công cụ đo Fibonacci, khu vực 590 điểm do có sự trùng khớp với MA100 và Fibo 61.8% (hoàn bù cho mức giảm 640-511) nên sẽ được kỳ vọng là điểm dừng gần nhất của diễn biến điều chỉnh.

Trong trường hợp áp lực bán tăng cường tiếp tục tạo thuận lợi cho kịch bản giảm sâu thì vùng hỗ trợ dưới tạo bởi MA200 và mức Fibo 50.0% tại 575-580 điểm sẽ đóng vai trò như lực đỡ mạnh nhất đối với đà giảm ngắn hạn.  

CTCK MB – MBS         

Về mặt kỹ thuật, sau phiên giảm điểm 24/11, VN-Index đã tiệm cận vùng hỗ trợ thấp hơn ở mức 590-595 điểm, các phiên tới chỉ số này sẽ tiếp tục kiểm nghiệm vùng hỗ trợ này. Trong khi đó, HNX-Index vẫn trong vùng dao động 81-82 điểm.

Nhà đầu tư giữ tỷ trọng danh mục ở mức 70% cổ phiếu, 30% tiền mặt, các chiến lược giao dịch ngắn hạn có thể hướng đến các cổ phiếu nhỏ đang thu hút dòng tiền hiện nay, các chiến lược giao dịch trung hạn có thể cân nhắc tăng tỷ trọng ở các các cổ phiếu bluechip có kết quả kinh doanh tốt và đã giảm mạnh trong thời gian vừa qua.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index tiếp tục lùi về khá sâu xuống dưới mốc 600 điểm, test lại mốc 590 điểm trước khi hồi phục về 593 điểm cuối phiên. Thanh khoản tăng so với phiên trước do lực cầu bắt đáy tăng mạnh và áp lực bán thoát hàng diễn ra khá quyết liệt.

Chỉ số này đang được hỗ trợ bởi các đường SMA50 và SMA100. Nếu tiếp tục rơi xuống dưới các đường này, VN-Index sẽ test lại mốc 580 điểm trong vài phiên tới. Các chỉ báo kỹ thuật đều hỗ trợ mạnh cho xu thế giảm điểm trong ngắn hạn.

HNX-Index điều chỉnh giảm nhẹ và hiện vẫn nằm bên trên trendline tăng điểm ngắn hạn. Đường SMA20 cũng đang hỗ trợ khá tốt cho chỉ số này. Tuy nhiên, đường SMA200 phía trên, tương ứng mốc 82.5 điểm đang tỏ ra là ngưỡng kháng cự mạnh khi HNX-Index lần thứ 2 liên tiếp trong 1 tháng test không thành công mốc cản này.

CTCK Bản Việt - VCSC

Hai chỉ số có thể quay lại nhịp tăng, đặc biệt nhóm cổ phiếu Largecaps có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật và áp lực giải chấp ở nhóm cổ phiếu này có thể sẽ suy yếu trong vài phiên tới. Đồng thời, dòng tiền có sự phân hóa rất rõ ràng, cho nên các nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào diễn biến xu hướng ngắn hạn ở từng cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps.

Theo bức tranh tổng thể chung, hai chỉ số đang trong nhịp điều chỉnh của xu hướng tăng trung hạn và lực cầu tập trung mạnh ở vùng hỗ trợ 585-590 của VN-Index và 80.0 của HNX-Index.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 611 với VN-Index và 82.5 với HNX-Index. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục, đặc biệt các nhà đầu tư nên tập trung các cổ phiếu có xu hướng tăng với thanh khoản cao.

CTCK BIDV – BSC

VN-Index tiếp tục nằm trong xu hướng Giảm khi đường MACD đang cắt xuống đường tín hiệu và hội tụ với đường 0. Chỉ báo xung lượng RSI đang giảm nhanh, đồng thời khối lượng giao dịch đang tăng nhanh, cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế và nhịp giảm điểm nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index là 575 điểm, ứng với mức 50% của Fibonacci Retracement 511-640 điểm.

Tin bài liên quan