Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 16/4: Áp lực bán có thể sẽ mạnh hơn đẩy chỉ số tiếp tục lùi sâu

(ĐTCK) Độ cao của các cột khối lượng biểu thị áp lực bán cũng vượt trội so với khối lượng tại những thời điểm chỉ số phục hồi kỹ thuật. Sự liên hệ giữa giá và thanh khoản trong trường hợp này mang ý nghĩa khá bi quan đối với xu hướng.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 16/4.

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index giảm 1,35% xuống 1.157,14 điểm, qua đó chấm dứt chuỗi 8 tuần tăng điểm liên tiếp. Đà giảm diễn ra trên diện rộng và tăng mạnh về cuối phiên.

Điều này có thể khiến thị trường tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong những phiên đầu tuần tới.

Cây nến đỏ đặc dài xuất hiện trên đồ thị tuần đang tạo ra nguy cơ hình thành mẫu hình nến đảo chiều “bearish engulfing”.

Mặc dù cần có tín hiệu xác nhận mẫu hình trong tuần tới nhưng nếu mẫu hình đảo chiều này được hoàn thành thì nhiều khả năng thị trường có thể sẽ bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn.

Chỉ số được dự báo sẽ giảm về đường SMA20 (tương ứng 1.090-1.120 điểm).

Trên khung thời gian ngày, sau khi tiến đến kiểm định lại vùng kháng cự 1.175-1.190 điểm, đường giá đã nhanh chóng suy giảm và nhiều khả năng sẽ lùi về vùng hỗ trợ 1.135-1.145 điểm trong tuần kế tiếp.

Phản ứng hồi phục được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại đây. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng lưu ý rằng, phản ứng hồi phục trong một vài phiên tới của chỉ số (nếu có) được để ngỏ chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật.

Kịch bản thị trường giảm về vùng hỗ trợ sâu hơn cần được tính đến trong ngắn hạn.

Vùng kháng cự gần của chỉ số nằm tại 1175-1190 điểm và 1.200-1.225 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại 1.155-1.163 điểm và 1.135-1.145 điểm. 

CTCK FPT - FPTS

Sàn HSX đảo chiều giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần. Chốt phiên, VN-Index lùi về 1.157,14 điểm với mức giảm 1,35%.

Với diễn biến này, chỉ số đã cho phản ứng khá tiêu cực với đường SMA 20 trong khu vực 1.175-1.180 điểm và rủi ro giảm giá đang được kích hoạt trở lại.

Dấu hiệu xu hướng trong phiên hôm nay tập trung ở biến động giá cuối phiên và khối lượng giao dịch.

Trên Intraday M5, VN-Index sụt giảm khá mạnh ngay tại thời điểm bắt đầu phiên buổi chiều và duy trì xu hướng đi xuống trong suốt thời gian còn lại.

Độ cao của các cột khối lượng biểu thị áp lực bán cũng vượt trội so với khối lượng tại những thời điểm chỉ số phục hồi kỹ thuật. Sự liên hệ giữa giá và thanh khoản trong trường hợp này mang ý nghĩa khá bi quan đối với xu hướng.

Độ rộng thị trường cũng nghiêng mạnh về phía các mã giảm giá trong khi mức đóng cửa của VN-Index đã xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực tăng giá trong phiên liền trước

Qua đó, vai trò của lực cầu bên dưới ngưỡng 1.160 điểm cũng không được thể hiện. 

Trong phiên đầu tuần tới, áp lực bán có thể sẽ mạnh hơn đưa chỉ số tiếp tục lùi sâu về các mốc hỗ trợ thấp hơn.

Trong điều kiện các chỉ báo tin cậy như MACD, RSI vẫn đang có những biểu hiệu đồng thuận với chiều giảm giá thì chúng tôi cũng lưu ý mục tiêu cân bằng xu hướng có thể sẽ là khu vực 1.120-1.130 điểm.

Góc nhìn kỹ thuật phiên 16/4: Áp lực bán có thể sẽ mạnh hơn đẩy chỉ số tiếp tục lùi sâu ảnh 1

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS.

CTCK Phú Hưng - PHS

VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch suy yếu và ở mức dưới bình quân 10 và 20 phiên hàm ý dòng tiền gia nhập thị trường khá thận trọng.

Không những vậy, xu hướng ngắn hạn của chỉ số có phần tiêu cực, khi chỉ số tiếp tục đóng cửa dưới MA 20, kèm theo kèm theo đường MA 5 có xu hướng giao cắt xuống MA 20 cho thấy xu hướng điều chỉnh ngắn hạn đang dần được xác nhận.

Thêm vào đó, các chỉ báo kỹ thuật khác như MACD và RSI đang đi xuống tiêu cực cho thấy chỉ số có thể sẽ suy giảm về thử thách ngưỡng hỗ trợ 1.110-1.128 điểm (MA50 và Fib 100) trong những phiên tới.

Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tương tự. Chỉ số cũng có phiên giảm điểm trở lại và cắt xuống MA 20 cho thấy xu hướng điều chỉnh ngắn hạn đang có dấu hiệu quay trở lại, ngưỡng hỗ trợ gần nhất có thể là vùng 130 điểm (Fib 78,6). 

Nhìn chung, phiên giảm điểm 13/4 cho thấy áp lực điều chỉnh ngắn hạn của thị trường đang gia tăng, thị trường có thể suy giảm về các vùng hỗ trợ thấp hơn.

Do đó, nhà đầu tư cân nhắc đưa tỷ trọng danh mục về mức an toàn nhằm hạn chế rủi ro tại thời điểm hiện tại. 

Tin bài liên quan