Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mời: Nhóm cổ phiếu nào sẽ hút tiền?

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mời: Nhóm cổ phiếu nào sẽ hút tiền?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các chuyên gia, thị trường nhiều khả năng vẫn giữ vững được xu hướng phục hồi trong tháng 9 và dòng tiền sẽ dịch chuyển linh hoạt giữa các nhóm cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán đã có một tuần giao dịch khá thành công cả về điểm số lẫn thanh khoản. Dù vậy, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng ở phiên cuối tuần, cùng đà bán rộng của khối ngoại khiến chỉ số VN-Index gặp trở ngại với ngưỡng 880 điểm. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về diễn biến thị trường trong tuần tới, cũng như xu hướng tổng quan của thị trường trong tháng 9?

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng trong tuần giao dịch tới, nhưng nhịp điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện trong các phiên giao dịch đầu tuần.

Điểm tích cực tôi cho rằng mức độ phân hóa không còn diễn ra cho nên khả năng xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn.

Ngoài ra, xu hướng trung hạn đã có triển vọng tích cực hơn cho nên tôi dự báo thị trường có thể duy trì đà tăng trong tháng 9.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Quan điểm kỹ thuật, với việc tăng điểm và vượt đỉnh tháng 7, VN-Index, VN30 thể hiện dấu hiệu vượt qua kháng cự MA200 tại 871 điểm và 807 điểm một cách rõ ràng hơn để củng cố tín hiệu trung hạn Tích cực. Trong khi đó, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn vẫn đang ở mức Tích cực tại tất cả các chỉ số.

Dự báo trong những phiên tới, sự giằng co ở vùng giá cao tại chỉ số VN-Index có thể sẽ thúc đẩy lực bán ra. Theo đó, chỉ số sàn HOSE có thể có nhịp giảm để kiểm định lại hỗ trợ MA5, cũng là gap tăng điểm tại 875 điểm. Sau đó, chúng tôi kỳ vọng lực cầu sẽ được thúc đẩy giúp thị trường có sự hồi phục.

Ở kịch bản này, VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà tăng để kiểm định kháng cự đỉnh tháng 6 quanh mốc 900 điểm. Ngược lại, nếu VN-Index giảm mạnh trong phiên tới, phá vỡ vùng hỗ trợ MA5, MA200 tại 870-875 điểm, đà tăng ngắn hạn của thị trường có thể sẽ bị đảo chiều.

Hiện tại, nhà đầu tư hạn chế mua mới, đặc biệt là mua đuổi giá, nắm giữ danh mục hiện tại để theo dõi diễn biến thị trường.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Chúng tôi cho rằng, chỉ số nhiều khả năng vẫn giữ vững được xu hướng phục hồi trong tháng 9 nhờ điều kiện thị trường tương đối thuận lợi, bao gồm:

Tín hiệu ôn hòa của các ngân hàng trung ương thế giới cho thấy chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian dài, qua đó tạo lực đỡ vững chắc cho thị trường chứng khoán toàn cầu.

Diễn biến bệnh dịch ở Việt Nam đang dần được kiểm soát cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện được “nhiệm vụ kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Ông Lê Anh Tùng

Ông Lê Anh Tùng

Kỳ vọng vào gói cứu trợ kinh tế lần thứ 2 của chính phủ sẽ hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi làn sóng Covid-19.

Dù vậy, trong nỗ lực thử thách quay lại các vùng đỉnh cũ, tôi cho rằng chỉ số sẽ đối mặt với nhiều rung lắc hơn so với thời gian trước.

Tháng 8, nếu như dòng tiền của các tổ chức trong nước lại ghi nhận mua ròng tổng cộng hơn 2.100 tỷ đồng so với mức bán ròng 440 tỷ trong tháng 7, dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam qua các quỹ ETF trong tháng 8 cũng ghi nhận khá tích cực, nhưng tính chung, khối ngoại vẫn ghi nhận bán ròng mạnh, đặc biệt phiên cuối tuần, khối ngoại bán ròng tới hơn 1.240 tỷ đồng và tập trung xả mạnh bluechip. Có thể lý giải về sự ngược dòng này như thế nào, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Nhìn chung, khối ngoại đã gia tăng bán ròng trong tháng 8 với giá trị hơn 3123 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 5 lần so với giá trị bán ròng trong tháng 7. Trong khi đó, khối ngoại lại có xu hướng mua ròng vào các quỹ ETF nội, điều này cho thấy khối ngoại vẫn đang tỏ ra bi quan với TTCK Việt Nam.

Theo tính toán của tôi, nhóm các quỹ tại thị trường cận biên tiếp tục bị rút ròng trong thời gian gần đây và có xu hướng dịch chuyển vào nhóm thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu – những thị trường tăng mạnh thời gian qua. Điều này cho thấy sự hấp dẫn từ đà tăng của thị trường chứng khoán phát triển được xem là nguyên nhân chính từ đợt bán ròng Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 vừa qua.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Với việc tăng tích cực trong tháng 8, đặc biệt có một số bluechips mức tăng vượt trên kỳ vọng nhà đầu tư, cá biệt một số cổ phiếu đã có mức hồi về bằng với giá đỉnh tháng 6, khi thị trường xoay quanh mức 900 điểm nên nhà đầu tư bán ra.

Đồng thời, nó cũng thể hiện quan điểm nhà đầu tư nước ngoài còn thận trọng, họ chưa khẳng định được xu thế VN-Index có thể vượt qua được 900 điểm trong tháng 9.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư nước ngoài khác mới bước vào thị trường Việt Nam, họ sợ mất cơ hội mua cổ phiếu giá tốt nên giải ngân mạnh thông qua quỹ ETF nội để có thể mua được các cp hết room. Do vậy, ta có thể thấy khối tổ chức trong nước mua ròng là vì vậy.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Dòng tiền khớp lệnh khối ngoại ở Thị trường chứng khoán Việt Nam thường bị chi phối lớn bởi xu hướng dòng tiền toàn cầu. Tại thời điểm hiện tại, tôi nhận thấy dòng tiền toàn cầu đang có phần rút bớt khỏi thị trường cận biên, bao gồm Việt Nam để tập trung vào các nước phát triển, tiêu biểu là khối EU, khi mà những nước này trở nên hấp dẫn hơn với những gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn chưa từng có.

Dù vậy, một tín hiệu tích cực là kênh ETF đang dần thu hút ròng trở lại, với việc nhiều cổ phiếu kín “room” ngoại ở mức định giá hấp dẫn hậu Covid-19. Nếu nhìn vào những cú shock ngoại biên trong quá khứ ở Thị trường chứng khoán Việt Nam, áp lực bán ròng của khối ngoại chỉ mạnh nhất trong 6 tháng đầu và bắt đầu quay trở lại sau đó.

Bởi vậy, xét về mặt thời gian, tôi kì vọng dòng tiền khối ngoại có thể bắt đầu bước sang giai đoạn hồi phục trong những tháng cuối năm.

Dòng tiền luôn luân chuyển linh hoạt trên thị trường để tìm đến cổ phiếu phù hợp ở từng giai đoạn. Nhóm cổ phiếu nào sẽ điểm hút tiền trong thời gian này, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi vẫn cho rằng nhóm cổ phiếu nào duy trì được đà tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 vẫn sẽ là những nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền trong thời gian tới, phải kể đến như nhóm bất động sản khu công nghiệp, nhóm xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có thể chú ý đến nhóm dịch vụ dầu khí.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Khi mà ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, nhà đầu tư vẫn cần dành tỷ trọng lớn nắm giữ những cổ phiếu vốn hóa lớn có kết quả kinh doanh tốt, nền tảng tài chính lành mạnh, và nhận được những thông tin hỗ trợ tốt như ngành ngân hàng, nguyên vật liệu…

Ngoài ra, tôi cho rằng một số ngành, cổ phiếu chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19 như ngành tiêu dùng, dầu khí… cũng sẽ bắt đầu thu hút dòng tiền trở lại nhờ định giá ở mức hấp dẫn cũng như kì vọng vào sự phục hồi của những hoạt động tiêu dùng, dịch vụ, thương mại của Việt Nam và toàn cầu trong thời gian tới.

Tin bài liên quan