Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Đón sóng báo cáo tài chính quý III

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Đón sóng báo cáo tài chính quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các chuyên gia chứng khoán, với “thông lệ” tin tốt ra sớm, khi bước vào mùa báo cáo tài chính quý III, nhà đầu tư nên chú ý những mã đã từng có kết quả tốt trong quý II, hoặc nếu có kết quả các tháng 7-8 khả quan.

Về tổng thể, tháng 9, dòng tiền tham gia sôi động giúp thị trường tăng trưởng khá tích cực cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản. Nhưng áp lực xả hàng đã xuất hiện ở 2 phiên cuối tuần qua, gây áp lực cho chỉ số VN-Index. Thị trường trong tuần tới sẽ diễn biến theo xu hướng nào, theo các ông/bà?

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Theo số liệu được Tổng cục Hải quan công bố, tinh đến ngày 15/9, Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 14,5 tỷ USD; tăng gần 1 tỷ USD so với số liệu ghi nhận từ cuối tháng 8. Đáng chú ý, số liệu xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm lần lượt 24.9% và 11.6%, tương ứng với giá trị 3,46 và 1,35 tỷ USD so với nửa cuối tháng 8.

Điều này cho thấy quá trình hồi phục kinh tế vẫn cần nhiều thời gian và phụ thuộc vào tình hình khống chế đại dịch tại các thị trường xuất khẩu và quá trình đưa vacxin trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Tuy vậy, vẫn có những yếu tố ủng hộ sự đi lên của thị trường. Đáng chú ý nhất là khả năng NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất, qua đó thu hút thêm dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm. Đây là xu thế tất yếu khi Fed tuyên bố duy trì chính sách lãi suất gần 0 tối thiểu đến năm 2023 trong cuộc họp chính sách mới nhất vào tháng 9.

Ngoài ra, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục ghi nhận dấu hiệu tích cực khi đã giải ngân được 250.500 tỷ đồng (tính đến thời điểm cuối tháng 8), qua đó hoàn thành được 50,7% kế hoạch cả năm đã điều chỉnh.

Những điều trên cho thấy chỉ số VN-Index khó có thể giảm sâu trong thời điểm hiện tại, nhưng khả năng tăng mạnh vẫn là hạn chế. Tôi dự đoán mức độ biến động sẽ trong vùng 900 – 925 điểm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Thị trường vẫn tích cực trong ngắn hạn nhưng đã có dấu hiệu dòng tiền dương yếu đi, thanh khoản đang giảm dần khi giá lên cao cũng là một rủi ro cho thấy thị trường lên không phải do người mua mạnh mà do người bạn tạm ngưng bán ra.

Trong ngắn hạn tuần tới tôi nghiêng về kịch bản thị trường bớt tích cực hơn nghĩa là xu hướng tăng sẽ yếu trở lại kèm vài phiên giảm điểm.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Ông Lê Anh Tùng

Ông Lê Anh Tùng

Tối cho rằng thị trường có thể xuất hiện nhiều hơn những rung lắc mạnh sau khi chỉ số VN-Index đã leo lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 2.

Trạng thái thị trường đang tạm thời vận động trong vùng trung tính và có thể diễn biến giằng co đi ngang trong tuần sau, với lực hỗ trợ có thể đến từ việc TTCK toàn cầu hồi phục trở lại sau chuỗi ngày giảm điểm trong khi rủi ro bao gồm nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá mua cùng với diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục xấu đi trên toàn cầu.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Trong tuần qua, VN-Index dao động khá hẹp, và không hề giảm sâu dù chứng khoán Mỹ có những phiên điều chỉnh mạnh, hay thống kê khối ngoại bán ròng liên tục. Nói cách khác, chứng khoán Việt Nam đang “gồng” nhằm duy trì đà hưng phấn và xu hướng tăng từ cuối tháng 7 đến nay. Đó là điểm tích cực, và vẫn có thể duy trì trong tuần sau.

Tuy nhiên, tôi nghĩ thị trường đang chờ tin mới, tức là có thể sẽ chuyển hướng, 1 tăng mạnh hơn, 2 điều chỉnh. Tôi không rõ nó có xảy ra trong tuần sau hay không, nhưng tháng 10 thì rõ ràng hơn.

Điểm nhấn giao dịch trong tuần qua là STB. Trong khi các cổ phiếu cùng ngành ngân hàng đều quay đầu mất điểm thì lực cầu tăng vọt đã giúp STB hồi phục và có phiên giao dịch tích cực, thậm chí phiên cuối tuần, STB còn đạt khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE với 22,74 triệu đơn vị. Có gì giải mã về cổ phiếu này, theo các ông/bà?

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Cổ phiếu STB tăng một phần đến từ thông tin được truyền tai nhau trên các diễn đàn chứng khoán và mạng xã hội về việc Thaco dự định mua cổ phần ngân hàng này từ các ngân hàng đang sở hữu số lượng lớn cổ phiếu STB như Kienlongbank, LienvietPostbank với mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu.

Dù đại diện các bên đều lên tiếng bác bỏ điều này, dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào mã STB, với kỳ vọng sẽ có một tổ chức thứ ba đứng ra mua số cổ phần này trước khi chuyển nhượng lại cho Thaco tại mức giá trên.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Có khá nhiều cổ phiếu có sự đột biến, STB không phải duy nhất, như OGC mức đột biến còn mạnh hơn với khối lượng giao dịch lớn nhất lịch sử tuần qua.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

STB dù là cổ phiếu ngân hàng nhưng mức độ tác động vào thị trường không lớn nên mức độ tác động tích cực hay tiêu cực với tình hình chung là không lớn, thậm chí việc giao dịch tích cực của STB cuối tuần qua cũng không giúp thị trường tránh khỏi pha giảm điểm. Vì thế STB chỉ có giá trị nhiều cho nhà đầu tư đầu tư vào mã này chứ không nhiều tác động tới cổ phiếu ngành ngân hàng và TTCK.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Bước nhảy vọt về giá và thanh khoản của cổ phiếu STB trong tuần qua có thể được lý giải bởi những đồn đoán xung quanh việc một số tổ chức thể hiện sự quan tâm, muốn mua lượng lớn cổ phiếu STB mà KienLongBank và Eximbank muốn bán để thu hồi nợ xấu.

Dù thông tin này đã được phủ nhận bởi các bên liên quan, nhưng không ít nhà đầu tư vẫn đặt kì vọng vào việc STB sẽ sớm có sự hiện diện của môt bên tổ chức lớn với vai trò làm đối tác chiến lược hoặc nắm quyền điều hành, qua đó sẽ giúp ngân hàng này có những bước thay đổi mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, nhịp tăng của cổ phiếu STB cũng phần nào phản ánh kì vọng vào hoạt động kinh doanh khả quan của ngân hàng này, tiêu biểu như lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.400 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch trong 9 tháng đầu năm theo phát biểu của ban lãnh đạo công ty.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi cũng đang chờ xem có thêm thông tin chính thức nào về STB hay không, sau thông tin Thaco phủ nhận việc mua cổ phiếu này. Còn về lượng khớp kỷ lục, tôi thấy tương đương với 1 số phiên giữa tháng 6.

Tuần qua, STB tăng giá 14,2%, mạnh nhất nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng cũng có kết quả tích cực, với 12 mã tăng giá so với chỉ 4 mã giảm giá.

Ông Hoàng Thạch Lân

Ông Hoàng Thạch Lân

Một số cổ phiếu khác tăng khá là SHB và VIB tăng trên 6%, HDB và MBB tăng gần 5%. Nếu nhìn riêng phiên thứ Sáu, thì có LPB cũng tăng gần 5% với thông tin chuyển sàn. Đặc biệt về tiêu chí xu hướng, cá nhân tôi thấy trừ số ít quay đầu giảm như TPB hay VPB, nhóm này vẫn có xu hướng tích cực.

TTCK cũng sắp bước sang tháng 10, thời điểm các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính nên những nhịp điều chỉnh, rung lắc và phân hóa cũng sớm được dự báo sẽ diễn ra trong giai đoạn này. Ở mặc tích cực, dòng cổ phiếu ngân hàng được nhìn nhận tiếp tục là động lực dẫn dắt thị trường trong một vài tuần tới. Quan điểm của các ông/bà (cụ thể là những mã cổ phiếu nào)?

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Về diễn biến chung, ngành ngân hàng bắt đầu cảm nhận rõ hơn những khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid-19. Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 4%, cách khá xa mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

Nguyên nhân do nhiều danh nghiệp phải tiến hành thu hẹp phạm vi hoạt động và tiến hành cắt giảm chi phí, khiến nhu cầu vay vốn giảm mạnh so với cùng kỳ.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong vấn đề xử lý nợ xấu và bán phát mãi tài sản, khiến khả năng hoàn thành mục tiêu kiểm soát nợ xấu gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, việc lãi suất cho vay liên tục giảm khiến chỉ số NIM tại nhiều ngân hàng sụt giảm, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Vẫn có một vài cổ phiếu đơn lẻ trong ngành ngân hàng đáng chú ý ở thời điểm hiện tại với các câu chuyện riêng. Cổ phiếu STB là ví dụ điển hình. Ngoài ra, cổ phiếu LPB cũng đáng chú ý khi là tổ chức có liên quan đến câu chuyện thoái vốn tại STB đồng thời có kế hoạch niêm yết lên sàn HOSE.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Theo tôi nhóm ngân hàng vốn chỉ được chú ý gần đây, dù thị trường đã tăng từ tháng 4. Dĩ nhiên nhóm ngân hàng vẫn tăng theo nhưng không vượt trội quá như các nhóm cổ phiếu khác trong cùng thời gian nên ít nhận được chú ý.

Còn hiện nay nhóm ngân hàng yếu hơn thị trường chung, như tháng 8 chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới thì nhóm ngân hàng không hề nổi bật, do đó hiện nay nhóm này dù được chú ý hơn nhưng do các nhóm khác yếu hơn nên cũng không đủ giúp thị trường vượt trội khi Index vượt quá 900 điểm.

Theo tôi với tình huống hiện nay thì các cổ phiếu Mid-Cap, penny vẫn được hưởng lợi nhiều hơn là các cổ phiếu thuộc nhóm cụ thể như ngân hàng. Tuy vậy, việc nhóm ngân hàng và các bluechip hiện chưa kéo thị trường lên được thì động lực chung sẽ yếu hơn, dễ dẫn đến thị trường tiêu cực hơn. Bởi thế phải có thêm các nhóm khác hỗ trợ thì thị trường mới có thể duy trì lại mức độ tăng trưởng ổn định.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Tôi cho rằng các cổ phiếu ngân hàng có thể vẫn sẽ tiếp diễn xu hướng tăng trong một vài tuần tới nhờ một số yếu tố tích cực bao gồm:

1) mặt bằng giá cổ phiếu ở mức hợp lý và vẫn còn thấp so với giai đoạn trước dịch Covid-19 xuất hiện;

2) triển vọng kinh tế vĩ mô hồi phục tích cực cùng với chính sách tiền tệ vẫn được duy trì ở trạng thái nới lỏng giúp hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng;

3) một số ngân hàng sẽ có những “câu chuyện riêng” như niêm yết mới, chuyển sàn, tăng vốn, đối tác chiến lược hay bancassurance.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Ngân hàng dĩ nhiên vẫn là nhóm tôi nghĩ có kết quả tích cực trong quý 3, nhưng không hẳn những cổ phiếu nhóm này sẽ là động lực dẫn dắt thị trường trong 1 vài tuần tới. Bởi lẽ, nhiều mã dù đang duy trì đà tăng, nhưng khá yếu. Một số mã tăng vì thông tin “định tính”, yếu tố này không bền. Nhóm này không có mã giảm để từ đó hồi mạnh.

Tôi nghĩ một số cổ phiếu largecap khác trong nhóm VN30 (nhưng không tụ vào ngành nào), mới là động lực dẫn dắt thị trường trong tháng 10.

Ở góc độ nhà đầu tư, nên chọn chiến lược nào phù hợp khi mà hiện tại, nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đã duy trì ở trạng thái quá mua?

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank

Nhà đầu tư lướt sóng được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt phù hợp ở mức 60/40. Đối với nhà đầu tư trung dài hạn, đây là thời điểm phù hợp để tiếp tục tăng cường mua vào cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt với kỳ vọng quá trình hồi phục kinh tế tiếp tục diễn biến tích cực.

Ông Đào Tuấn Trung

Ông Đào Tuấn Trung

Các nhóm ngành đáng chú ý ở giai đoạn hiện tại bao gồm xây dựng và vật liệu xây dựng (HPG, HSG, KSB, PLC, C32…) với kỳ vọng vào quá trình đầu tư công. Ngoài ra, nhóm các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là ngành tôm (VHC, MPC, CMX, FMC) cũng có nhiều triển vọng khi hàng hóa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ nhờ khống chế dịch tốt và cú hích từ hiệp định EVFTA.

Bên cạnh đó, việc chỉ số VN-Index tiếp tục đà tăng trưởng từ quý III, kết hợp với khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên luôn duy trì ở mức cao cũng tạo nhiều kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý III của cổ phiếu nhóm chứng khoán (SSI, HCM, VCI….).

Cuối cùng, một số cổ phiếu riêng lẻ có kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý III đột biến cũng là một điểm đến tiềm năng của dòng tiền (HTN, PDR, DPM…)

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Những cổ phiếu quá mua nhưng dòng tiền vẫn duy trì, chưa có dấu hiệu bị rút ra thì nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ thậm chí mua thêm. Ngược lại đây là lúc chốt lời chuyển sáng nhóm khác.

Bên cạnh đó, những nhóm còn ở mức tiềm năng, có dấu hiệu hút dòng tiền có thể là con sống tiếp theo thì nhà đầu tư có thể tập trung đón đầu.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Khi mùa báo cáo quý tới sắp đến, các cổ phiếu sẽ bắt đầu phân hóa dần theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Khi đó, tôi cho rằng nhà đầu tư có thể tập trung vào những cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt trong nửa đầu năm nhờ những lợi thế riêng, với kì vọng những doanh nghiệp này tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi từ EVFTA, đặc biệt là thủy sản; doanh nghiệp vật liệu xây dựng hưởng lợi từ đầu tư công; và các công ty chứng khoán khi TTCK đã diễn biến phục hồi tốt thời gian vừa qua; và nhóm ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể chọn lọc những cổ phiếu chịu ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19 thời gian vừa qua nhưng có triển vọng phục hồi tốt theo diễn biến phục hồi của nền kinh tế, tiêu biểu như nhóm ngành tiêu dùng.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Lướt sóng vẫn là chiến thuật chính, bởi lẽ chứng khoán thế giới vẫn chưa hết rủi ro điều chỉnh. Hơn nữa, chứng khoán Việt Nam đã tăng ngay cả trong giai đoạn “dịch Covid-19 lần 2”, trong khi khó khăn tác động lên doanh nghiệp niêm yết vẫn còn thể hiên trong quý III, thậm chí quý IV tới.

Như vậy, sẽ có thể đến thời điểm trong tháng 10 này, nhà đầu tư cùng nhận ra giá cổ phiếu chưa phản ánh kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp, khi đó lực bán sẽ tăng mạnh hơn.

Tuy nhiên, với “thông lệ” tin tốt ra sớm, khi bước vào mùa báo cáo tài chính quý III, nhà đầu tư nên chú ý những mã đã từng có kết quả tốt trong quý II, hoặc nếu có kết quả các tháng 7-8 thì càng hay. Phiên thứ Sáu vừa rồi tôi nghĩ đã có 1 vài mã bị rò rỉ tin tốt quý III, và điểm chung là những công ty đó quý II cũng có kết quả rất tốt.

Tin bài liên quan