Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Cơ hội đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng?

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Cơ hội đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các chuyên gia chứng khoán cơ hội đầu tư giai đoạn này sẽ khó khăn hơn nhiều, nhưng nhóm ngành xây dựng và vật liệu vẫn có cơ hội để vượt khó trong những tháng cuối năm.

Những tưởng TTCK sẽ chịu ảnh hưởng lớn do nguy cơ bùng dịch trở lại và số ca nhiễm mới tại Việt Nam liên tiếp được công bố, nhưng tuần qua, chỉ số VN-Index đã lấy lại mốc 840 điểm và bảo toàn phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp của thị trường. Xu hướng tích cực này liệu còn tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Với những nỗ lực quyết liệt và đồng lòng của cả nước, tình hình dịch bệnh về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, không có hiện tượng lan rộng quá nhanh. Nhà đầu tư cũng đã rút những kinh nghiệm từ lần bùng dịch trước, bên cạnh sự “nâng đỡ” chỉ số của nhiều cổ phiếu trụ cột (VNM, SAB..), nên thị trường đã trải qua 1 tuần hồi phục trọn vẹn.

Tuy nhiên, tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” đã tái diễn ở nhiều thời điểm cũng như thanh khoản chưa được cải thiện, cho thấy tâm lý thận trọng đang lớn dần. Do vậy tôi cho rằng xu thế thị trường tuần tới sẽ chứng kiến sự giằng co, phân hóa mạnh, những khó khăn hiện tại không ủng hộ cho việc tăng điểm bền vững của chỉ số.

Ông Lê Đức Khánh, giám đốc phân tích CTCK VPS

TTCK Việt Nam đã có tuần giao dịch hồi phục tốt - VN-Index tăng điểm từ vùng 790 điểm lên sát mốc 845 điểm với thanh khoản ổn định.

Diễn biến giao dịch tuần vừa qua được cho là khá tích cực khi tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, dòng tiền tham gia mạnh ở nhiều cổ phiếu lớn cũng như các cổ phiếu mang tính dẫn sóng. Tuy nhiên, VN-Index đang đối mặt với vùng kháng cự quanh mốc 850 - 865 điểm.

TTCK có thể xuất hiện 2 diễn biến: (i) điều chỉnh ngay vùng 840 845 điểm trước khi ngay trở lại vùng 850 - 855 điểm hay (ii) tăng lên luôn vùng 845 - 850 rồi mới lại điều chỉnh. Dù thế nào đi nữa thì thị trường đang có tín hiệu tích cực hơn là tiêu cực nếu nhìn vào chỉ báo độ rộng của thị trường. 

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

TTCK diễn biến theo kỳ vọng, do đó khi có những dấu hiệu ban đầu về làn sóng Covid thứ 2, thị trường đã có nhịp giảm điểm khá manh. Sự hồi phục bắt đầu khi mà Chính phủ và các địa phương đã và đang đưa ra những biện pháp đối phó phù hợp, giúp nhà đầu tư kỳ vọng tình hình có thể được kiểm soát sớm.

Hiện tại, VN-Index đang chạm vùng cản mạnh tại 840-855 điểm, tôi cho rằng thị trường sẽ giằng co tại đây để quan sát thêm về tình hình dịch bệnh.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Cơ hội đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng? ảnh 1

Ông Vũ Minh Đức

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

 Thị trường sau khi có 2 phiên giảm rất mạnh do thông tin ca lây nhiễm mới đã gần lấy lại mốc điểm trước khi xảy ra sự kiện trên. Thị trường hiện tại đang được dẫn dắt bởi yếu tố đầu cơ và sự luân chuyển của dòng tiền lớn là chủ đạo.

Tuy nhiên chắc chắn việc xuất hiện ca lây nhiễm mới sẽ ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế, xã hội của nước ta, đặc biệt khi các doanh nghiệp vừa trải qua quý II/2020 muôn vàn khó khăn. Do vậy tôi cho rằng thị trường sẽ gặp ngưỡng kháng tâm lý mạnh tại mốc 850 (là mốc trước khi có ca nhiễm ở Đà Nẵng) và không dễ vượt qua được.

Điều này cũng giống như giai đoạn dịch đợt trước mặc dù dòng tiền từ nhiều kênh đầu tư khác nhau đổ mạnh vào thị trường, nhưng tới mốc 900 điểm là ngưỡng tâm lý lớn thì quay đầu vòng xuống, và lần này theo tôi cũng vậy.

Trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn đang lùng sục tìm kiếm cơ hội, điều này thể hiện qua diễn biến giá một số cổ phiếu trên thị trường sau ba bốn phiên tăng điểm chỉ điều chỉnh rất nhẹ nhàng và tiếp tục tăng lên hoặc tích lũy ở ngưỡng giá mới. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng dòng tiền trong tuần mới?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Tôi không cho rằng như vậy, bên cạnh một số trường hợp như vậy cũng có không ít cổ phiếu nhanh chóng thể hiện sự suy yếu chỉ sau 2 phiên giao dịch đầu tuần. Tôi quan sát thấy sự thận trọng đang đè nặng lên tâm lý của nhiều nhà đầu tư, áp lực chốt lời gia tăng khá mạnh sau 2-3 phiên tăng điểm là minh chứng rõ nét cho điều này.

Số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản trong tháng 7 sụt giảm so với 4 tháng liền trước cũng cho thấy sẽ không còn hiện tượng “dòng tiền F0” như nhịp hồi phục trước. Vậy nên, không dễ để trông chờ vào sự cải thiện rõ nét của dòng tiền trong ngắn hạn khi mà sự thận trọng đang dần quay trở lại.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích CTCK VPS

Theo thống kê các cổ phiếu đang có diễn biến giá tốt như BFC, VGC, HPG, C32, TCM và nhiều cổ phiếu nữa vẫn đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư. Cơ hội còn khá nhiều ngay cả đối với các nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn.

Trong tuần tới, dòng tiền vẫn sẽ còn phân hóa - các cổ phiếu triển vọng, cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan sẽ tiếp tục hút khách. Một số cổ phiếu lớn sẽ vẫn được lực cầu mua lên tốt với thanh khoản tăng mạnh.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Như đã nói ở trên, trong tuần tới dòng tiền sẽ thận trọng hơn, dẫn đến sự phân hóa rộng trên thị trường. Nếu VN-Index có thể vượt qua vùng 840-855 điểm thì tôi cho rằng dòng tiền sẽ đổ vào mạnh hơn.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Ông Nguyễn Anh Khoa

Sau khi 2 phiên giảm điểm mạnh phản ánh rủi ro hệ thống, dòng tiền đang tiếp tục "thích nghi" và phân hóa.

Tôi cho rằng giai đoạn hiện tại nhà đầu tư sẽ tham chiếu đợt giảm điểm giai đoạn trước để lựa chọn cổ phiếu giải ngân khi thị trường gặp áp lực điều chỉnh.

Có thể thấy điều này khi nhiều cổ phiếu thậm chí vượt cả đỉnh ngắn hạn cũ trước đợt đại địch đầu năm.

Trong tuần tới, các cổ phiếu thuộc các ngành hưởng lợi bởi đại dịch như khu công nghiệp, câu chuyện đầu tư công, hoặc nhóm ngành cơ bản như điện, nước theo tôi tiếp tục thu hút dòng tiền.

Tâm điểm đáng chú ý ở phiên cuối tuần là cổ phiếu VGC khi cổ phiếu này ghi nhận tăng kịch trần với giao dịch sôi động ở phiên chiều. Sự hưng phấn của VGC ít nhiều lan sang nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, song phần lớn vẫn cổ phiếu nhóm ngành này vẫn giao dịch khá cầm chừng. Ở thời điểm này, ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng nói chung?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Viêc VGC tăng mạnh thời gian qua chủ yếu liên quan đến “game riêng” của cổ phiếu này (Gelex chào mua công khai 95 triệu cp) chứ không hoàn toàn do kết quả kinh doanh hay triển vọng ngành vật liệu xây dựng. Do đó viêc VGC tăng mạnh nhưng phần lớn doanh nghiệp khác cùng ngành giao dịch cầm chừng là điều dễ hiểu.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Cơ hội đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng? ảnh 3

Ông Dương Hoàng Linh

Dù vậy, cơ hội đối với cổ phiếu ngành này không phải không có khi hoạt động đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới để khôi phục nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh. Hãy nhìn sang Trung Quốc, lần đầu nhập siêu thép sau 11 năm để phục vụ các dự án hạ tầng sẽ đem lại kỳ vọng tương tự với các doanh nghiệp ngành này trong nước.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích CTCK VPS

Nhóm cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu, nhóm tài nguyên cơ bản cũng có những kết quả kinh doanh trái chiều. Nếu nhóm doanh nghiệp tài nguyên cơ bản có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 25,6% năm 2020 trong khi nhóm xây dựng và vật liệu giảm 154,8% (số liệu FiinPro).

Vẫn có nhiều cổ phiếu có tình hình hoạt động kinh doanh tốt hoặc liên quan đến những hoạt động mua bán, sát nhập doanh nghiệp. Không chỉ câu chuyện VGC, GEX mà còn nhiều doanh nghiệp như HPG, HSG đã và đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Tất nhiên vẫn có những nhóm ngành khác có hoạt động kinh doanh tạm ổn như Công nghệ thông tin hay Hóa chất, Ô tô và phụ tùng...

Tại thời điểm này đánh giá qua thực trạng cũng nhưng số liệu kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng thì tôi tương đối bi quan về triển vọng của các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm. Tất nhiên vẫn có những ngoại lệ ở một số doanh nghiệp điển hình.

Chúng ta vẫn có thể kỳ vọng vào việc đẩy mạnh ở các hoạt động đầu tư công, giải ngân từ kho bạc nhà nước để triển khai các dự án, công trình trọng điểm, dự án giao thông lớn..., nhóm ngành xây dựng và vật liệu vẫn có cơ hội để vượt khó trong những tháng 6 của năm 2020.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Biến động tích cực của VGC theo tôi không phải đại diện xu hướng hồi phục của nhóm cổ phiếu xây lắp nói chung. Nhóm này không có nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong ngắn hạn khi mà thị trường Bất động sản đã có xu hướng chững lại từ năm 2019 và tiến độ thi công các dự án cũng chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Nhóm ngành vật liệu xây dựng nói chung đã tăng tương đối tốt giai đoạn vừa rồi, nhờ sự kỳ vọng vào quá trình hồi phục của nên kinh tế cũng như giải ngân mạnh đầu tư công.

Bên cạnh đó việc lũ lụt lịch sử ở Trung Quốc cũng có thể giúp một số doanh nghiệp sắt thép Việt Nam được hưởng lợi.

Nhìn chung trong view các tháng tới tôi vẫn đánh giá tích cực ngành này, vì khi thị trường đang ở trong giai đoạn tiền rẻ (easy money) thì việc thu hút dòng tiền vào các ngành có câu chuyện đầu tư là tương đối dễ dàng.

Thị trường đã không còn ở giai đoạn tăng điểm đồng loạt như giai đoạn tháng 4 (sau khi tạo đáy ở đợt bùng dịch thứ nhất) và cơ hội đầu tư giai đoạn này sẽ khó khăn hơn. Việc tham gia thị trường giai đoạn hiện tại có thể hàm chứa nhiều rủi ro nếu không chọn đúng nhóm phù hợp. Vậy nhà đầu tư nên chọn chiến lược nào để hạn chế rủi ro, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)

Thị trường không còn dư địa tăng mạnh đồng loạt mà đã bước vào giai đoạn phân hóa mạnh. Hiệu quả lướt sóng là không cao nếu như nhà đầu tư không có sự lựa chọn danh mục hợp lý, cũng như thời điểm mua bán đúng đắn, phù hợp với diễn biến hiện nay.

Với mục tiêu quản trị rủi ro tốt, nhà đầu tư có thể lướt sóng trên nền danh mục cổ phiếu có sẵn để giữ lợi thế T+, không mua đuổi tại các mã tăng nóng, nên chọn các nhịp điều chỉnh chung của chỉ số hoặc nhịp điều chỉnh tại các cổ phiếu theo dõi để mua vào.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích CTCK VPS

Tôi vẫn khuyến nghị các nhà đầu tư nên theo đuổi trường phái đầu tư giá trị với view từ 3 - 6 tháng cho đến vài năm để nhìn ra cơ hội đầu tư ở các doanh nghiệp xuất sắc. Xác định timing thị trường là khó khăn chưa để đến những thử thách trong hoạt động phân tích cổ phiếu phổ thông, các tiêu chí đánh giá khắt khe cần phải tuân thủ. 

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Cơ hội đối với nhóm ngành vật liệu xây dựng? ảnh 4

Ông Lê Đức Khánh

Nhìn chung đầu tư với quan điểm dài hơi dễ thực hiện hơn và ít rủi ro hơn đối với các nhà đầu tư không chuyên. Tất nhiên giao dịch ngắn hạn vẫn có thể được thực hiện trong ngắn hạn đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay nhưng kinh nghiệm và trình độ của nhà đầu tư như thế nào mới tận dụng được điều đó.

Sẽ không dễ tận dụng được các cơ hội trôi qua hàng ngày nếu đó không phải là những nhà đầu tư từng trải nhiều năm trên thị trường.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Nhìn trung hạn, nhiều báo cáo đánh giá uy tín kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ hồi phục mạnh trong năm 2021. Do đó, chúng tôi đang kỳ vọng là thị trường sẽ hình thành vùng đáy thứ 2 trong nhịp này để tạo nền cho một chu kỳ hồi phục dài hơn.

Tuy nhiên trước mắt, khi VN-Index chưa vượt qua vùng cản 840-855 điểm, tôi cho rằng nhà đầu tư nên mở các vị thế mua thăm dò với tỷ trọng thấp để chờ đợi thêm các tín hiệu mới.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Trong 3 tháng tới thị trường thực tế vẫn còn catalyst để đầu tư.

Thứ nhất là quá trình nghiên cứu vaccine, hiện tại hầu hết các dự án đều đã đi tới phase 4 (trong 5 phase), chuyển sang giai đoạn sử dụng trong quá trình khẩn cấp (Emergency use) trước khi được phê duyệt sản xuất thương mại chính thức.

Với tiến độ như này thì tôi kỳ vọng tới cuối năm thế giới sẽ chính thức có vaccine và làm điểm tựa tâm lý lớn cho thị trường. Hiện tại Nga cũng đã tuyên bố chuẩn bị có vaccine nhưng bản thân tôi không có chuyên môn để đánh giá điều này.

Thứ hai là tại Việt Nam, theo dự báo của Bộ Y tế thì có lẽ trong 2 tuần tới sẽ tới đỉnh dịch, và tôi có niềm tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh và nhanh chóng ổn định lại tình hình. Thực tế từ giờ tới lúc đỉnh dịch xảy ra tôi nghiêng về kịch bản giảm điểm hơn, tuy nhiên khi vượt qua đỉnh dịch thì ngưỡng tâm lý được gỡ bỏ và tiếp tục tạo đồng lực tăng trưởng cho thị trường.

Chiến lược giai đoạn hiện tại là nương theo dòng tiền, vì nền tảng cơ bản hiện tại rất khó đánh giá và theo view chủ quan của tôi thì đã ở mặt bằng định giá đắt đỏ. Nhà đầu tư nên phân bổ tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hợp lý, có thể ở mức 30/70; nắm giữ các cổ phiếu đầu ngành tại những ngành không bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như sắt thép, khu công nghiệp, điện nước, dược...

Tin bài liên quan