Hai tháng gần đây, làn sóng cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu “rác” tăng giá mạnh như giai đoạn 2007 - 2008 và 2013 - 2014 quay trở lại. Đây là hiệu ứng của các “đội lái” tạo ra, lôi kéo dòng tiền trên thị trường, bởi nhiều người có mong muốn giàu nhanh, bất chấp rủi ro.
Năm 2013 - 2014, tôi cùng nhóm đầu tư đã phải đi đòi nợ cổ tức một số công ty thuộc “họ” Sông Đà. Cổ phiếu SD7 (trước phát hành chia tách) có lúc tăng lên gần 300.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu công ty con là S74 có thời điểm tăng lên 100.000 đồng/cổ phiếu. Trên diễn đàn mạng, các đội lái bấy giờ hô hào mọi người mua cổ phiếu “họ” Sông Đà, với những thông tin hấp dẫn từ phía doanh nghiệp, trong đó có cổ tức.
Chúng tôi mua cổ phiếu, nhưng sau đó không bao giờ nhận được những gì họ “vẽ” ra. Tôi đã phải đại diện cho nhóm đầu tư thực hiện khiếu kiện, kiện để đòi cổ tức công ty S74 và SD7. Cũng vì vụ kiện đó mà Luật Doanh nghiệp bổ sung vào Điều 132 về thời hạn trả cổ tức và các biện pháp xử phạt những doanh nghiệp cố tình chây ì chi trả.
Trên sàn chứng khoán thường xuyên có cổ phiếu “rác”, thậm chí công ty “ma”. Một trường hợp điển hình trước đây là khi thị trường có “sóng” cổ phiếu khoáng sản, nhiều người đua mua cổ phiếu, sau này có một số vụ bị xử lý hình sự. “Đội lái” từng kéo - xả điên cuồng các cổ phiếu “rác”, giá cổ phiếu tăng cả chục lần và giờ nhìn lại thì đa số đã biến mất.
Tôi đã đi đến trụ sở cả trăm công ty niêm yết để tận mắt chứng kiến quy mô doanh nghiệp trước khi “xuống tiền” đầu tư. Có doanh nghiệp tìm mãi mới thấy trụ sở, không tương xứng với vốn điều lệ được công bố là hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.
Có doanh nghiệp thuê văn phòng “ảo”, hoặc thuê một phòng chung cư nhỏ để đặt biển hiệu, chỉ có vài nhân viên ngồi làm việc, hoạt động kinh doanh thực tế èo uột, cố gắng duy trì không lỗ để dễ đẩy giá cổ phiếu khi gặp thời…
Đơn cử, năm 2014, nghe quảng cáo nhiều về cơ hội đầu tư cổ phiếu KSQ của Công ty Khoáng sản Quang Anh, trụ sở tại tòa nhà Mipec Tây Sơn, Hà Nội, nên chúng tôi muốn ghé thăm để xem quy mô ra sao. Điều khiến tôi giật mình là sau nhiều lần bấm chuông thì có một cậu khoảng 25 tuổi ra mở cửa, chúng tôi giới thiệu là cổ đông đến thăm doanh nghiệp, cậu ta quá ngạc nhiên, ấp a ấp úng mãi rồi gọi một người khoảng 30 tuổi xưng là lãnh đạo Công ty ra mời chúng tôi vào.
Thực tế, cả một công ty vốn điều lệ mấy trăm tỷ đồng mà văn phòng chỉ có 3 người với 3 bộ máy vi tính, thuê một căn hộ chung cư khoảng 40 m2 làm trụ sở. Căn hộ gồm 2 phòng, vừa để ở, vừa làm trụ sở doanh nghiệp. Vậy nhưng, cổ phiếu của những doanh nghiệp như vậy vẫn tăng phi mã.
Gần đây, tình trạng trên có dấu hiệu lặp lại, giá một số cổ phiếu tăng 5 - 7 lần, giúp vốn hóa công ty đạt cả nghìn tỷ đồng, trong khi giá trị thực chất doanh nghiệp chỉ là một phần nhỏ. Nguyên nhân là do các “đội lái” quảng cáo rất mạnh, qua đó hưởng lợi từ giá cổ phiếu tăng, hoặc “phong bì” của lãnh đạo doanh nghiệp khi giàu lên nhờ bán ra cổ phiếu.
Tôi muốn nhấn mạnh, lịch sử đang lặp lại, những doanh nghiệp “rác” đang hút tiền đầu cơ, do dòng tiền mang tính “cờ bạc” chảy vào, mong vào đổi đời của nhiều nhà đầu tư mới. Cổ phiếu nhóm này nhiều khả năng cũng sẽ vật vờ, rồi biến mất, những cái “bánh vẽ” chỉ là ảo vọng. Trong vòng vài năm nữa, giá cổ phiếu có thể giảm 95% trước khi rời sàn trong “sự im lặng của bầy cừu”.
Trong khi đó, có những cổ phiếu của công ty làm ăn chân chính lại bị dòng tiền lãng quên vì nhà đầu tư mải mê săn tìm cổ phiếu nóng, “đếm cua trong lỗ” đất dự án, tin vào những kế hoạch hoành tráng, những thông tin đồn thổi… Khi ít người quan tâm tới giá trị doanh nghiệp, cổ phiếu tốt mà giá không tăng có thể sẽ bị lu mờ, bị bán ra.