Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Tâm điểm ETF

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Tâm điểm ETF

(ĐTCK) Để giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường tuần qua và nắm bắt xu hướng tuần tới, nhà báo Hải Vân của Đầu tư Chứng khoán tiếp tục có cuộc trao đổi bàn tròn với các chuyên gia. Điểm đặc biệt trong tuần này là sự xuất hiện của các chuyên gia nữ và nhận định của các chuyên gia về đợt chốt danh mục của các quỹ ETF trong tuần tới.

Tuần tới, các quỹ ETF sẽ chốt danh mục, các ông/bà đánh giá hoạt động này sẽ ảnh hưởng thế nào tới thị trường?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới khách hàng cá nhân, CTCK VNDirect (VNDS): Đúng là trong tuần tới, thị trường sẽ chú ý nhiều tới câu chuyện chốt danh mục của các quỹ ETF.

Do tỷ trọng hiện tại của quỹ VNM ETF đang vượt quá về tỷ lệ phân bổ cho thị trường chứng khoán Việt Nam, dự báo ETF không thu hút thêm được tiền trong thời gian gần đây và khả năng share out mạnh của VNM ETF để bù đắp khoảng trống này là không cao.

Vì vậy, tâm lý chung sẽ dè dặt hơn, bởi lo ngại ETF sẽ bán nhiều hơn mua và thị trường nhiều khả năng theo chiều hướng sideway up nhẹ trên vùng hỗ trợ hiện tại để nghe ngóng các động thái từ các ETF. Tuy nhiên, các cơ hội với những cổ phiếu được thêm mới hoặc gia tăng tỷ trọng sẽ làm nội tại thị trường sôi động.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco): Tôi cho rằng, nhịp điều chỉnh giảm của thị trường có thể kéo dài 2 - 3 tuần và đến cuối tháng 3 có thể sẽ xuất hiện điểm mua tốt khi các qũy ETF cơ cấu xong danh mục, thông tin kết quả kinh doanh quý I/2014 của các doanh nghiệp niêm yết dần hé mở và mùa ĐHCĐ bắt đầu.

Bà Quách Thùy Linh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Vietcombank (VCBS): Premium (mức chênh lệch dương giữa thị giá và NAV) của cả VNM và FTSE, 2 quỹ ETF lớn nhất và có ảnh hưởng nhiều đến diễn biến của thị trường Việt Nam đang có dấu hiếu giảm dần.

Đây là tín hiệu không thực sự tích cực và chỉ ra rằng, rủi ro dòng vốn đổ vào 2 quỹ này nói riêng, hay động thái mua ròng mạnh của khối ngoại nói chung trên thị trường Việt Nam có thể sẽ chững lại đang ngày một lớn dần.

Thêm vào đó, các thông tin cả từ thế giới và trong nước trong thời gian qua chưa cho thấy sự bứt phá nào rõ rệt, cũng như vượt kỳ vọng trước đó của thị trường.

Như vậy, với một mặt bằng giá tương đối cao (P/E khoảng 14,5) và không đi kèm với thông tin hỗ trợ mạnh nên thị trường trong tuần tới sẽ ghi nhận những nhịp điều chỉnh.

Bà Thiên Châu Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC): Chúng tôi nhận định, thị trường diễn biến tuần tới (3/3 - 7/3) với hoạt động công bố review của các quỹ ETF cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động mua bán của các nhà đầu tư. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index.

Chúng tôi lưu ý các nhà đầu tư chỉ nên chú ý các mã được thêm vào danh mục của hai quỹ ETF trong kỳ cơ cấu danh mục sắp tới.

Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 2, nhiều dự báo rằng, thị trường sẽ điều chỉnh, tuy nhiên, dù có các phiên điều chỉnh, nhưng thị trường vẫn tăng điểm. Theo nhận định của các ông/bà, xu hướng của thị trường tuần tới sẽ như thế nào?

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI): Chúng tôi đã kỳ vọng có sự điều chỉnh giảm trong tuần 24 - 28/2, nhưng dòng tiền tham gia thị trường quá mạnh và sự hưng phấn của nhà đầu tư vẫn ở mức cao, khiến cho điều đó đã không xảy ra. Tuy nhiên, áp lực chốt lời cũng đã tăng cao khi mức lợi nhuận nhà đầu tư có được tương đối lớn ở rất nhiều mã cổ phiếu.

Mốc 590 điểm của VN-Index vẫn chưa được chinh phục, do vậy, đầu tuần 3 - 7/3, dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư sẽ tiếp tục được thử thách tại vùng này.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MB (MBS): Kết thúc phiên giao dịch phiên thứ cuối tuần qua, VN-Index đóng cửa bằng một nến có dạng một doji với bấc trên và dưới dài, cho thấy tín hiệu giao dịch có phần cân bằng trở lại sau 2 phiên điều chỉnh giảm trước đó.

Ngắn hạn, tôi cho rằng, VN-Index đang có xu hướng tích lũy đi ngang quanh vùng kháng cự 585+/- với giao dịch giằng co và khả năng sẽ bật tăng qua vùng này khi tích lũy đủ trong một vài phiên tới, hướng lên kháng cự 610+/-.

Thời điểm này, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch trong vùng khối lượng cao, thanh khoản tốt cho thấy, lực cầu của thị trường ngắn hạn đang rất mạnh, khả năng giảm sâu là rất khó.

Về xu hướng thị trường trong tuần tới và trong cả tháng 3, theo tôi, diễn biến thị trường vẫn nghiêng về xu hướng tăng điểm, các đợt điều chỉnh tại các vùng kháng cự kỹ thuật có thể diễn ra dày hơn, nhưng lực cầu tốt với vùng thanh khoản cao sẽ là yếu tố tạo động lực để thị trường tiếp tục đi lên.

Bà Thiên Châu Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới VCSC: Diễn biến thị trường trong tuần từ 24 - 28/2 khá giằng co xung quang ngưỡng 580 - 590 điểm và phiên cuối tuần, thị trường thất bại trong việc chinh phục và vượt qua mốc 590 điểm.

Chỉ số VN-Index cân bằng tại mức 580 cho nên nhiều khả năng, chỉ số này có thể sẽ còn nhịp hồi nhẹ hướng về vùng giá 590 - 600 trong các phiên đầu tuần tới. Tuy nhiên, theo mô hình kỹ thuật, chúng tôi tiếp tục cảnh báo đây là giai đoạn cuối của của nhịp sóng tăng kéo dài từ cuối tháng 12/2013 đến nay, cho nên vị thế mua ở vùng giá hiện tại là có độ rủi ro cao.

Ông Đào Hồng Dương, Phụ trách Khối tư vấn đầu tư, CTCK Dầu khí (PSI): Tôi không muốn phân tích nhiều về yếu tố kỹ thuật trong giai đoạn giao dịch hiện tại, bởi về phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index và HNX-Index đang bị ảnh hưởng sai số tại 2 yếu tố quan trọng nhất là diễn biến tăng/giảm của chỉ số và khối lượng giao dịch.

Về chỉ số, nhóm vốn hóa lớn bao gồm BVH, MSN, VNM, VIC… trong suốt thời gian trước có mức tăng không nhiều và hiện đang có ảnh hưởng đáng kể tới chỉ số VN-Index khi nhóm này bắt đầu vào bước sóng tăng mạnh. Sự hưng phấn của nhóm cổ phiếu ngân hàng (STB, MBB, VCB, ACB, SHB…) cũng có tác động mạnh tới chỉ số 2 sàn.

Về thanh khoản, các cổ phiếu có thị giá thấp với tính đầu cơ cao trên 2 sàn đang khiến diễn biến thanh khoản của chỉ số trở nên khó dự báo.

Mặc dù vậy, nếu được phép nói một cách định tính hơn, tôi cho rằng, thị trường vẫn trong xu thế tăng (bullish market) và giá trị giao dịch 2 sàn vẫn còn duy trì ở mức cao hơn 2.500 tỷ mỗi phiên là những tín hiệu thể hiện trạng thái tích cực trong ngắn hạn.

Chỉ số VN-Index trong xu hướng tuần nhiều khả năng vẫn nghiêng về hướng tăng, nhưng tác nhân chính chủ yếu dựa vào xu thế tăng đang mạnh của nhóm vốn hóa lớn.

Bà Quách Thùy Linh, Trưởng phòng Phân tích VCBS: Tính từ đầu năm đến này, thị trường chứng khoán đã ghi nhận mức tăng khá ấn tượng, VN-Index tăng khoảng 16%, trong khi con số này của HNX-Index là hơn 22%. Với mức tăng như vậy nhưng thị trường cũng chưa thực sự trải qua một giai đoạn điều chỉnh nào để xây dựng và củng cố mặt bằng giá mới.

Tuy nhiên, các số liệu gần đây cho thấy một số tín hiệu không tích cực của dòng tiền. Phiên 27/02, ghi nhận thanh khoản cả 2 sàn tăng mạnh so với các phiên liền trước đạt trên 4.500 tỷ đồng, nhưng thị trường lại giảm khá cho thấy dòng tiền hiện tại không đủ lớn để hỗ trợ cho đà tăng của thị trường, đồng thời cũng báo hiệu sự xuất hiện của áp lực chốt lời và tâm lý thoái lui dần của các nhà đầu tư.

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Maybank KimEng (MBKE): Xu hướng thị trường trong tuần tới (3/3-7/3) với dòng tiền dồn dập vẫn tiếp tục ủng hộ cho xu hướng tăng. Nhưng theo tôi, mức tăng sẽ giảm bớt khi ngưỡng kháng cự tâm lý 600 điểm đã gần kề và đỉnh của 5 năm qua là mức 630 cũng đã quá gần sẽ khiến nhiều nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư lớn sẽ buộc phải thận trọng.

Khi Index chạm vào những mốc đó, nhiều khả năng, việc điều chỉnh có thể xảy ra, thậm chí là khá mạnh.

Tôi dự báo điều này vì theo một số nguồn tin không chính thức từ các tổ chức tài chính, nhà đầu tư cầm tiền lớn, các quỹ đầu tư, thì việc sử dụng margin của các nhà đầu tư (từ sự hỗ trợ của các CTCK, ngân hàng...) và vay mượn bên ngoài đang ở mức cao, thậm chí đang ở mức cao nhất trong lịch sử của TTCK Việt Nam. Việc một lúc nào đó sự chốt lời mạnh mẽ từ những nhà đầu tư lớn nhất xuất hiện sẽ kéo thị trường đi xuống.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới khách hàng cá nhân VNDS: Tuần giao dịch vừa qua chúng ta chứng kiến sự biến động tâm lý và luồng tiền khá mạnh khi tuần trước đó, thị trường bị chốt lời kỷ lục phiên 20/02, nhưng ngay tuần vừa qua, thị trường bất ngờ vượt lại đỉnh và có những phiên điều chỉnh ở mặt bằng giá mới.

Thị trường liên tục xuất hiện các nhóm cổ phiếu thay nhau dẫn dắt để giữ nhịp, cũng như níu kéo dòng tiền quay lại. Hiện hỗ trợ tốt của VN-Index nằm ở vùng quanh 580 điểm và xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị thoái lui khi vẫn giữ được vùng hỗ trợ này.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới và dịch vụ Agriseco: Trong tuần qua, thị trường đã tăng vượt đỉnh sau phiên giảm điểm mạnh vào tuần trước. Dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào thị trường và niềm tin lạc quan của các nhà đầu tư chính là động lực lớn cho thị trường tiếp tục bứt phá và đi lên. Tuy nhiên, thị trường đang phụ thuộc nhiều vào dòng tiền đầu cơ, nên mức rủi ro đã bắt đầu ở mức báo động. Hiện nay, chỉ số VN-Index đang hình thành mô hình cái nêm hướng lên (rising wedge), đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật đã xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh.

Vì vậy, trong tuần tới (3/3 - 7/3) nếu không xuất hiện các thông tin vĩ mô tích cực thì tôi cho rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn. VN-Index khả năng sẽ giảm về ngưỡng 575-580 và HNX-Index giảm quanh vùng 80 điểm.  Tuy nhiên, chúng tôi tin dòng tiền có thể vẫn tiếp tục được duy trì tốt như trong tuần vừa qua. 

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK Maritime Bank (MSBS)

Thị trường vẫn đang trong xu thế tăng điểm và dòng tiền dường như vẫn quanh quẩn đợi thị trường điều chỉnh để chảy vào những mã cổ phiếu tốt, những cổ phiếu có tin cơ bản hỗ trợ và các mã cổ phiếu đầu cơ.

Ngưỡng kháng cự quan trọng 600 điểm đang trước mặt và trước sau gì cứ điểm này cũng sẽ bị chinh phục nếu chúng ta phân tích diễn biến thanh khoản trong 1 - 2 tuần gần đây. Tuần tới (3/3 - 7/3), tôi cho rằng, thị trường sẽ tăng điểm trở lại ở các phiên đầu tuần cụ thể là 2 phiên đầu tiên tăng điểm và điều chỉnh ở các phiên cuối tuần. Chỉ số VN-Index sẽ co giật quay trở lại chạm ngưỡng 595 điểm, thậm chí 600 điểm sau đó điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ 590 điểm.

Diễn biến vĩ mô đang hỗ trợ xu hướng tăng điểm của thị trường (lạm phát, dự trữ ngoại hối..) và chỉ số VN-Index có khả năng vượt ngưỡng 600 điểm khi lực cầu mạnh mẽ hơn.

Liệu dòng tiền có bị rút ra khỏi thị trường và chiến lược đầu tư hợp lý trong tuần tới là gì, nhóm cổ phiếu nào đáng quan tâm?

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư TVSI: Trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn chưa cho thấy dấu hiệu bị rút ra khỏi thị trường. Do vậy, cá nhân tôi cho rằng, dòng tiền sẽ vẫn tiếp tục vận động trong thị trường và dịch chuyển từ mã này sang mã khác.

Các mã tăng mạnh gần đây sẽ chịu áp lực chốt lời rất cao. Các mã chưa tăng hoặc có thời gian tích lũy đủ sẽ đón nhận dòng tiền chốt lời từ các mã đã tăng nhiều.

Ông Đào Hồng Dương, Phụ trách Khối tư vấn đầu tư PSI: Trên thực tế, ngay ở tuần cuối tháng 2, sự điều chỉnh đã diễn ra cục bộ từng nhóm cổ phiếu. Sự phân hóa có thể còn diễn ra mạnh với áp lực điều chỉnh chính (thậm chí nếu có xuất hiện áp lực bán do nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà) nhiều khả năng sẽ rơi vào nhóm cổ phiếu đầu cơ (đa phần có thị giá dưới mệnh giá).

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu midcaps có triển vọng hoặc được kỳ vọng trong mùa ĐHCĐ rất có thể sẽ có sự tăng trưởng mạnh. Cá nhân tôi xin đưa ra một vài ví dụ nhỏ những doanh nghiệp đã bắt đầu được chú ý tới như PXS, REE, SHB, PVX, SHB, VCG

Kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu thứ hai có thể kể đến là nhóm doanh nghiệp chứng minh được sự tăng trưởng bền vững, chiến lược kinh doanh vẫn đang đi đúng hướng và triển vọng tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Nhóm này thường có mặt bằng giá không còn thấp, nhưng về căn bản vẫn sẽ thu hút được dòng tiền đầu tư bởi các yếu tố như cổ tức cao và ổn định, tăng trưởng tài sản ổn định, lợi nhuận kì vọng lớn, uy tín của ban lãnh đạo, giá cổ phiếu ổn định và có sự tăng trưởng đều… Một vài ví dụ có thể kể tới như bất động sản và xây dựng (HLD, FCN, FCM), nhóm khí (PGS, PGD, CNG), nhóm hàng tiêu dùng (VNM)…

Nhóm thứ ba, tôi cho rằng, có thể cũng sẽ gây được sự chú ý của dòng tiền ngắn hạn, nhưng về độ bền vững thì còn cần phải xem xét thêm nhiều yếu tố - đó là nhóm cổ phiếu tiềm ẩn lợi nhuận đột biến nhờ các khoản đầu tư tài chính hoặc nhờ bán tài sản, thoái vốn…

Bà Quách Thùy Linh, Trưởng phòng Phân tích VCBS: Với điều kiện thị trường hiện nay, nhà đầu tư có thể quan tâm đến một số nhóm cổ phiếu được hỗ trợ từ thông tin về chính sách. Cụ thể là nhóm cổ phiếu ngành dệt may, bất động sản, xây dựng và công nghiệp phụ trợ, ngân hàng sẽ là những nhóm ngành đáng chú ý trên thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích MBKE: Theo kinh nghiệm 14 năm trên TTCK Việt Nam của tôi, thì thường những lúc nhà đầu tư hào hứng nhất, tràn trề tin tưởng nhất, thì lúc đó những người cầm hàng lớn mới có thể bán được dễ dàng nhất với khối lượng khủng nhất, đúng như câu nói của Sir John Templeton” “Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn”.

Bởi thế sự thận trọng khi thị trường đang dần bước qua vùng 600 và chạm đến đỉnh cao nhất của 5 năm với dòng tiền tăng mạnh nhưng mức độ tăng đang bị sụt giảm thì sự thận trọng không hề dư thừa. Quan điểm của tôi thị trường trong dài hạn còn tiếp tục tăng cả năm nay lẫn các năm tới sau nhiều năm giảm giá. Tuy nhiên việc thị trường có lúc nghỉ ngơi (điều chỉnh) là vô cùng cần thiết để tiếp tục đạt được đến tầm cao mới.

Những ngành tôi dự báo thu hút được dòng tiền trong thời gian tới là mía đường, bất động sản, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, nguyên vật liệu, năng lượng. Ngoài ra, các mã bluechips có thị giá thấp ở mức dưới 20.000 đồng/CP và chưa tăng nhiều trong thời gian qua sẽ được dòng tiền ưu tiên hơn cả.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ Agriseco: Theo tôi, những nhóm cổ phiếu đươc kỳ vọng trong mùa cổ đông này là những nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh trong năm 2013 tốt và kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục giữ được mức ổn đinh như nhóm cổ phiếu ngành cao su, ngành viễn thông, ngành thép...

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư, CTCK Maritime Bank (MSBS)

Nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền là các cổ phiếu bluechips đầu ngành, các cổ phiếu midcap cơ bản và một số cổ phiếu penny triển vọng thuộc các ngành nghề như bảo hiểm, xây dựng hạ tầng, điện, dầu khí, chứng khoán, tiêu dùng cụ thể là các mã cổ phiếu. Cụ thể là BVH, BMI, CII, FCN, SSI, HCM, PVD, AAA, TCM, PPC, VCB.

Bà Thiên Châu Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới VCSC: Với những phân tích và đánh giá ở trên, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư không nên mở thêm vị thế mua mới và các nhà đầu tư có thể lướt trên cổ phiếu có sẵn trong danh mục, tức là mua thấp và bán cao để hạ tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên đầu tuần, ưu tiên hạ tỷ lệ margin để tránh rủi ro cao. 

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược đầu tư, CTCK MBS: Trước mùa ĐHCD năm nay, nhà đầu tư đang chờ đợi những thông tin về triển vọng kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch kinh doanh của những doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực như khí gas, hàng tiêu dùng, săm lốp, thép, tài chính, bất động sản... Đây vẫn là nhóm cổ phiếu dẫn đầu về lợi nhuận và xu hướng dòng tiền năm nay.

Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, những nhóm cổ phiếu có tỷ suất cổ tức D/P cao khả năng sẽ thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư, nhất là khi giá của những cổ phiếu này ở mức thấp. Chúng tôi đã lọc ra được những cổ phiếu có thông tin về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2013 và dự kiến trả trong thời gian tới như: KKC (15%), NHS (13%), EID (11%), SD6 (10%), SGD (10%), SEC (10%)…

Nói đến mùa ĐHCĐ, hiện các đang bước vào mùa ĐHCĐ. Theo các ông/bà, nhà đầu tư nên quan tâm gì tới mùa ĐHCĐ năm nay?

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư TVSI: Trước thềm ĐHCĐ, nhà đầu tư thường quan tâm tới các thông tin về mức cổ tức năm 2013, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận và cổ tức năm 2014 để quyết định tiếp tục nắm giữ, đầu tư thêm, hay giảm bớt số lượng cổ phiếu đang sở hữu.

Không chỉ có vậy, nhà đầu tư dài hạn còn quan tâm tới tầm nhìn và khả năng của lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện ở năng lực đặt kế hoạch, mức độ tham vọng của kế hoạch, mức độ khả thi của phương án triển khai, cũng như mức độ hoàn thành kế hoạch.

Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch quá thấp hoặc quá cao so với khả năng thực tế. Nhà đầu tư dài hạn sẽ cảnh giác với những doanh nghiệp này, vì kế hoạch thiếu tham vọng hay quá “nổ” cũng đều thể hiện tầm nhìn và khả năng hạn chế của lãnh đạo doanh nghiệp.

Mặc dù tình hình kinh tế đã bớt khó khăn, nhưng cá nhân tôi cho rằng, các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh năm 2014 đủ mức tham vọng và khả thi hầu hết sẽ vẫn là các doanh nghiệp đầu ngành, những doanh nghiệp đã khẳng định được sức mạnh của mình trong năm 2013.

 -----------------------------------------------------------

“Trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn chưa cho thấy dấu hiệu bị rút ra khỏi thị trường, mà dịch chuyển từ mã này sang mã khác. Các mã tăng mạnh gần đây sẽ chịu áp lực chốt lời rất cao. Các mã chưa tăng hoặc có thời gian tích lũy đủ sẽ đón nhận dòng tiền chốt lời từ các mã đã tăng nhiều” - Ông Lê Đắc An.

------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Tâm điểm ETF ảnh 2  
“Nhịp điều chỉnh giảm của thị trường có thể kéo dài 2 - 3 tuần và đến cuối tháng 3 có thể sẽ xuất hiện điểm mua tốt khi các qũy ETF cơ cấu xong danh mục” - Bà Nguyễn Ngọc Lan

 --------------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Tâm điểm ETF ảnh 3
“Theo kinh nghiệm 14 năm trên TTCK Việt Nam của tôi, thì thường những lúc nhà đầu tư hào hứng nhất, tràn trề tin tưởng nhất, thì lúc đó những người cầm hàng lớn mới có thể bán được dễ dàng nhất với khối lượng khủng nhất” - Ông Phan Dũng Khánh

 -------------------------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Tâm điểm ETF ảnh 4  

“Các nhà đầu tư không nên mở thêm vị thế mua mới, mà có thể lướt trên cổ phiếu có sẵn trong danh mục, tức là mua thấp và bán cao để hạ tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên đầu tuần, ưu tiên hạ tỷ lệ margin để tránh rủi ro cao” - Bà Thiên Châu Trúc Quỳnh.

---------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Tâm điểm ETF ảnh 5
“Thị trường vẫn đang trong xu thế tăng điểm và dòng tiền dường như vẫn quanh quẩn đợi thị trường điều chỉnh để chảy vào những mã cổ phiếu tốt, những cổ phiếu có tin cơ bản hỗ trợ và các mã cổ phiếu đầu cơ” - Ông Lê Đức Khánh.

 --------------------------------------------------

 
Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Tâm điểm ETF ảnh 6 
“Thị trường nhiều khả năng theo chiều hướng sideway up nhẹ trên vùng hỗ trợ hiện tại để nghengóng các động thái từ các ETF” -
Ông Nguyễn Trung Du .

------------------------------------------------------

“Thị trường vẫn nghiêng về xu hướng tăng điểm, các đợt điều chỉnh tại các vùng kháng cự kỹ thuật có thể diễn ra dày hơn, nhưng lực cầu tốt với vùng thanh khoản cao sẽ là yếu tố tạo động lực để thị trường tiếp tục đi lên” - Ông Trần Hoàng Sơn.

--------------------------------------------------
Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Tâm điểm ETF ảnh 8 
“Chỉ số VN-Index trong xu hướng tuần nhiều khả năng vẫn nghiêng về hướng tăng, nhưng tác nhân chính chủ yếu dựa vào xu thế tăng đang mạnh của nhóm vốn hóa lớn” -
Ông Đào Hồng Dương.

------------------------------------------------

“Dòng tiền hiện tại không đủ lớn để hỗ trợ cho đà tăng của thị trường, đồng thời cũng báo hiệu sự xuất hiện của áp lực chốt lời và tâm lý thoái lui dần của các nhà đầu tư” - Bà Quách Thùy Linh.

Tin bài liên quan