Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thời điểm sàng lọc cổ phiếu

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Thời điểm sàng lọc cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Việc đầu tư theo tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như những phiên gần đây khiến một số chuyên gia chứng khoán đưa ra cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn từ nhiều nhóm cổ phiếu.

Tuần qua, thị trường biến động theo đúng theo hình sin với biến độ khá lớn. Điểm tích cực là thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao và tiếp tục xác lập kỷ lục mới (hơn 14.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE trong phiên 17/12). Biến động thất thường liệu có tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông/bà?

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường đang ở trong xu hướng tăng rõ nét nên khả năng hấp thụ áp lực phân phối khá tốt và các nhịp điều chỉnh chỉ diễn ra với cường độ yếu.

Trong tuần tới, chỉ số nhiều khả năng vẫn sẽ mở rộng đà tăng nhưng tôi lưu ý đến rủi ro có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh gối đầu sau khi chỉ số thiết lập đỉnh mới, đặc biệt trong bối cảnh VN-Index đã trải qua nhịp tăng nóng kéo dài với 1 số chỉ báo xung lực đã duy trì khá lâu trên vùng quá mua; và không loại trừ có thêm diễn biến mới từ vụ thao túng tiền tệ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Trong ngắn hạn lực thị trường vẫn còn rất mạnh, dòng tiền dồi dào nên việc thị trường có giảm chỉ mang tính điều chỉnh chứ chưa thể làm thay đổi xu hướng đang quá hào hứng hiện nay.

Tuy vậy với mức giá ngày càng cao, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần thì cần nhiều tiền hơn nữa để thị trường có thể lên tiếp. Vì vậy sự giật cục nhất định là có thể với những phiên tăng giảm xen kẽ như chúng ta đã chứng kiến.

Ông Ngô Quốc Hưng – chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường CTCK MBS

Biến động trong tuần vừa qua có cường độ lớn trong suốt 2 tháng gần đây và kết quả là thị trường chỉ điều chỉnh để tăng cao hơn. Với mức biến động khá lớn như vậy cộng với thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao và tiếp tục xác lập kỷ lục mới, cho thấy thị trường ngày càng mạnh bất chấp áp lực chốt lời.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Về xu hướng thị trường: Chỉ số chứng khoán toàn cầu (MSCI ACWI Index) hiện đang ở mức cao nhất mọi thời đại và đang tăng trưởng 13,6% so với thời điểm đầu năm, xu hướng của các thị trường chứng khoán trên thế giới là vượt đỉnh lịch sử và thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Về định giá: Thị trường trong nước hiện đang có có mức hồi phục mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức tăng hơn 11% so với thời điểm đầu năm trong khi thị trường như Thái Lan, Indonesia, Philippine, Singapore… vẫn chưa về thời điểm đầu năm. Tuy vậy, hiện mức P/E forward của thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn so với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á và các thị trường Emerging.

Về dòng tiền: giới đầu tư toàn cầu đang đổ mạnh tiền vào thị trường châu Á nhờ đồng USD yếu, cú huých đến từ vắc xin, đồng thời họ cũng đặt cược rằng đây sẽ là khu vực tăng trưởng mạnh nhất khi thế giới gượng dậy từ đại dịch Covid-19.

Ở thị trường trong nước, tuy khối ngoại vẫn bán ròng cổ phiếu nhưng dòng tiền qua kênh ETF đã chuyển từ bán ròng sang mua ròng, tuần vừa qua các quỹ ETF đã hút ròng được hơn 48 triệu USD qua đó lượng vốn này đã vào ròng hơn 100 triệu USD kể từ đầu năm.

Nhìn chung, thị trường đang trong một bigtrend nhờ dòng tiền liên tiếp lập mức kỷ lục mới và rất khó xác định đâu là đỉnh của dòng tiền

Nhóm ngân hàng hiện vẫn là nhóm ngành thu hút dòng tiền mạnh nhất trên thị trường với tổng giá trị giao dịch mỗi phiên chiếm đến 25% tổng giá trị thị trường và vẫn đóng vai trò dẫn dắt chính có ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng chung. Việc lựa chọn cổ phiếu vẫn được khuyên nên đi theo nhóm blue-chips hoặc nhóm cổ phiếu vẫn có hoạt động kinh doanh ổn định nhưng chưa tăng điểm nhiều. Còn quan điểm của các ông/bà?

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Thị trường xác nhận đỉnh mới cũng đồng nghĩa với áp lực chốt lời và rủi ro đảo chiều cũng gia tăng tương ứng. Tại thời điểm này, tôi cho rằng, nhà đầu tư nên thực hiện cơ cấu lại danh mục, sàng lọc nắm giữ những cổ phiếu vốn hóa lớn, có nền tảng cơ bản tốt, hoạt động kinh doanh ổn định để bảo vệ danh mục tốt hơn thay vì chỉ tập trung tìm kiếm lợi nhuận ở những cổ phiếu vừa và nhỏ nhưng đi kèm với rủi ro cao.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Với những cổ phiếu đã tăng điểm mạnh, tính bằng lần thậm chí nhiều cổ phiếu đang ở mức cao nhất lịch sử thì nhà đầu tư nên hạn chế nắm giữ lâu dài mà chỉ nên giữ thêm một thời gian ngắn nữa và thời điểm này nên tìm kiếm những nhóm tiềm năng sau hậu dịch khi mà các vaccine lần lượt được đưa ra. Những nhóm này chưa tăng nhiều thậm chí giảm (như vận tải, năng lượng, du lịch...) là lúc cần quan sát để cân nhắc thời điểm xuống tiền.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Ngô Quốc Hưng – chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường CTCK MBS

Nhìn về định giá, thị trường hiện tại không còn rẻ, tuy vậy cổ phiếu tiếp tục tăng nhờ sức mạnh của dòng tiền. Trên bình diện thế giới, môi trường tiền tệ nới lỏng một lần nữa được củng cố sau khi các NHTW lớn trên thế giới như Fed, NHTW Anh, Thụy Sỹ, Nhật Bản đều quyết định giữ nguyên chính sách hiện tại đồng thời nhấn mạnh lập trường chính sách nới lỏng của họ nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế qua cuộc khủng hoảng.

Trên cơ sở đó, những tiến triển vắc-xin cũng như kỳ vọng về gói hỗ trợ tài khóa Mỹ đã giúp các thị trường cổ phiếu toàn cầu hồi phục trong tuần vừa qua, với chỉ số MSCI All country World index một lần nữa quay lại vùng đỉnh kỷ lục cao nhất trong lịch sử.

Ở thị trường trong nước, nhà đầu tư vẫn lựa chọn nhóm cổ phiếu có thanh khoản cao, nơi dòng tiền có sự tập trung với tỷ trọng lớn như nhóm cổ phiếu ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng, bất động sản, chứng khoán… Nhìn chung, yếu tố thanh khoản hoặc dòng tiền đang được giới đầu tư chú trọng lựa chọn hơn là các yếu tố cơ bản.

Trong một diễn biến khác. Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán đã bắt đầu “chạy” từ tháng 11, nhưng chỉ tập trung vào các mã lớn như HCM, SSI… Dù vậy, đà tăng đã lan tỏa đến các mã chứng khoán nhỏ như SBS, HBS… dù hoạt động kinh doanh tại các CTCK chưa thực sự được cải thiện. Việc đầu tư theo tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như những phiên gần đây liệu có tiềm ẩn nhiều rủi ro?

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tốt cùng với việc thanh khoản duy trì ở mức cao gần đây đã thu hút dòng tiền mạnh mẽ vào nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán. Tuy vậy, tôi cho rằng chỉ có một số công ty chứng khoán có ưu thế lớn về thị phần, khách hàng cá nhân, mới có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận rõ nét trong khi phần còn lại có thể không có nhiều khác biệt.

Bởi vậy, nhà đầu tư nên tránh mua đuổi ở những cổ phiếu công ty chứng khoán quy mô nhỏ đã tăng “nóng” thời gian vừa qua bởi rủi ro tiềm ẩn đánh giá lại những cổ phiếu này theo kết quả kinh doanh thời gian tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Điều này cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ nét hơn và có thể sắp tới sẽ chuyển sang diện rộng khi mà giá cổ phiếu và thị trường ngày càng lên cao sẽ làm nhiều dòng tiền hụt hơi nếu đầu tư quá dàn trải mà sẽ phải tập trung vào từng nhóm nhỏ hơn, những mã tiềm năng hơn.

Nghĩa là có khả năng không chỉ riêng ngành chứng khoán mà các ngành khác cũng sẽ có những dấu hiệu này sắp tới và đến lúc thị trường cũng như thế. Đây sẽ là rủi ro trong tương lai có thể không quá xa khi mà nhiều cổ phiếu ở mức đình của đỉnh, tiềm năng tăng giá trở nên kém hơn thì đây là một dấu hiệu cho thấy khả năng như thế sắp tới.

Ông Ngô Quốc Hưng – chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường CTCK MBS

Khi cổ phiếu tăng trên diện rộng hoặc một nhóm cổ phiếu đồng loạt tăng giá, khả năng kiếm lời như nhau ở các mã khác nhau thì yếu tố rủi ro trở nên bị xem nhẹ. Tuy vậy, cũng nên phân biệt cổ phiếu “chạy” từ yếu tố nào (cơ bản, dòng tiền hay “game”). Trong đầu tư, yếu tố rủi ro là không tránh khỏi nhưng cũng cần phân loại rủi ro đến từ đâu để có kịch bản ứng phó.

Trong tình trạng nhà đầu tư trên thị trường vẫn tiếp tục bị chia rẽ bởi quan điểm dự đoán xu hướng thị trường khi mỗi bên đều có những lý lẽ khá thuyết phục để đưa đến quyết định tiếp tục giải ngân hay bán và chờ cơ hội mới. Đâu là chiến lược phù hợp, theo quan điểm của ông/bà?

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Ông Lê Anh Tùng

Ông Lê Anh Tùng

Tôi cho rằng xu hướng tăng của thị trường vẫn tiếp tục được duy trì và chưa có quá nhiều dấu hiệu cảnh báo đáng chú ý. Bởi vậy, nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục trung hạn và có thể mở các vị thế ngắn hạn khi thị trường xuất hiện những nhịp điều chỉnh ngắn.

Tuy nhiên, trong kịch bản thị trường diễn biến tăng nhanh và hướng đến mốc 1.200 trong thời gian tới, tôi cho rằng nhà đầu tư cần thực hiện chốt lời dần danh mục và giảm tỷ trọng nắm giữ về mức trung bình.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Chiến lược phù hợp là cả 2 quan điểm trên, với ngắn hạn nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục đầu tư dàn trải vẫn có thể kiếm lợi nhuận tốt. Nhưng về trung dài hạn cần cơ cấu các cổ phiếu, những khoản đầu tư chiến lược, tập trung hơn vào những nhóm cổ phiếu tiềm năng lâu dài (ngược lại với ngắn hạn lúc này) cũng như thận trọng tránh sự hưng phấn quá đà.

Những bài học trong quá khứ về điều này chưa bao giờ sai giống nhưng một câu nói: "Người ta thường quên mất những ngày đau khổ khi đang tận hưởng sự sung sướng". Khi đó dù thị trường có xấu, quay đầu thì việc kiểm soát tốt rủi ro, tâm lý đầu tư, đã tái cơ cấu lại danh mục đầu tư thì bất kỳ tình huống nào nhà đầu tư cũng có thể xử lý tốt được.

Ông Ngô Quốc Hưng – chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường CTCK MBS

Thời điểm hiện tại nên áp dụng chiến lược “cứ kệ cho lợi nhuận chạy” (Let Profit Run) sẽ hiệu quả với phương pháp Trend Following. Các nhịp điều chỉnh có thể cơ cấu danh mục đối với các cổ phiếu có điểm rơi lợi nhuận trong quý 4 hoặc còn tiềm năng tăng trưởng như: Bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, vật liệu xây dựng….

Tin bài liên quan