Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Mua trading ở các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Mua trading ở các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu

(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều bất định và tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư nên chọn lựa kỹ cổ phiểu để giải ngân và chỉ thực hiện mua trading ở các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu trong các phiên thị trường điều chỉnh liệu có là chiến lược hợp lý? Cùng Báo Đầu tư chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Nỗ lực giữ mốc 980 điểm của thị trường trong tuần qua càng trở nên khó khăn khi VN-Index lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần để sát về mốc 970 điểm. Trong tuần tới, thị trường có tiếp tục phải đối diện với áp lực điều chỉnh không, theo các ông/bà?

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Chịu ảnh hưởng từ diễn biến điều chỉnh của TTCK toàn cầu, cũng như mức giảm sâu của giá dầu thế giới, TTCK Việt Nam có phiên cuối tuần điều chỉnh mạnh, khiến chỉ số VN-Index xóa đi toàn bộ mức tăng đạt được trong các phiên đầu tuần.

Mặc dù vậy, so sánh tương quan với TTCK toàn cầu, TTCK Việt Nam nhìn chung vẫn có diễn biến tương đối tích cực hơn nhờ tâm lý ổn định và có phần lạc quan của nhà đầu tư trong nước, trong bối cảnh áp lực bán của khối ngoại là tương đối lớn trong các phiên gần đây (loại trừ các giao dịch thỏa thuận).

Ở một diễn biến khác, tôi cũng nhận thấy những thông tin tiêu cực về chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã phản ánh tương đối đầy đủ vào đợt điều chỉnh trước của thị trường, và các thông tin mới xuất hiện nhìn chung tác động đến chỉ số VN-Index là không đáng kể.

Trong khi đó, thị trường cũng đang kỳ vọng vào việc một số thông tin tích cực có thể sớm suất hiện, liên quan đến Luật Chứng khoán sửa đổi giúp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường, cũng như các vấn đề liên quan đến nới room cho nhà đầu tư nước ngoài...

Bởi vậy, trong trung hạn, tôi vẫn đang đánh giá cao kịch bản VN-Index sẽ tiếp tục hướng tới mốc 1.000 điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhịp rung lắc sẽ xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng lớn do tính bất định cao của TTCK ở giai đoạn hiện tại.

Ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco

Phiên cuối tuần vừa qua có thể nói là một dấu hiệu khá xấu nhất là sau diễn biến hồi phục tích cực từ vùng hỗ trợ 880 điểm vào hôm thứ 5. Tôi nghĩ với tâm lý và xu hướng thị trường như thế này thì khả năng cao là thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh đầu tuần sau.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Mua trading ở các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu ảnh 1

Ông Phạm Đức Hoàng 

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng trong thời gian gần đây, mặc dù đối diện với nhiều thông tin không thuận lợi từ chiến tranh thương mại, chứng khoán thế giới có những phiên điều chỉnh liên tục, nhiều đồng tiền của các nước bị rơi vào tình trạng mất giá và tỷ giá USD/VND đang có áp lực ngắn hạn nhưng thị trường của chúng ta biến động khá tích cực và cũng chỉ điều chỉnh nhẹ.

Tôi cho rằng, dòng tiền vào thị trường hiện nay khá tốt nên trong tuần tới, tôi nghĩ sẽ có điểm cân bằng, đó có thể là khu vực 950-960 điểm, tuy nhiên tôi chưa cho rằng xu hướng tăng có thể trở lại ngay sau đó.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ còn áp lực điều chỉnh trong tuần giao dịch tới, kịch bản lạc quan là chỉ số VN-Index có thể tích lũy quanh vùng giá 970 điểm. Đồng thời, mức độ phân hóa có thể sẽ diễn ra trong tuần giao dịch tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Áp lực điều chỉnh vẫn còn mạnh khi dòng tiền thị trường yếu, khối ngoại duy trì bán ròng liên tiếp, tin tức vĩ mô thế giới tiêu cực và TTCK thế giới cũng không có nhiều biểu hiện tích cực.

Nếu những thông tin vĩ mô thế giới không được cải thiện bên cạnh thông tin hỗ trợ trong nước không đủ mạnh và trầm lắng như hiện nay, đặc biệt dòng tiền vẫn duy trì ở trạng thái âm trung hạn thì xu hướng tích cực tạm thời chưa quay trở lại.

Chỉ số VN30 đang yếu đi rõ rệt so với VN-INDEX cho thấy, cổ phiếu vốn hóa lớn không phải đối tượng mua của dòng tiền khi điều chỉnh. Thay vào đó, tiền đang tìm cơ hội ở những cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ có câu chuyện riêng. Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội đối với nhóm cổ phiếu midcap ở thời điểm này?

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Ông Trần Đức Anh 

Trong các nhịp tăng mạnh của thị trường 2 năm trở lại đây, dòng tiền thường tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn do đây là nhóm có tốc độ tăng trưởng trong kết quả kinh doanh cao vượt trội so với các nhóm còn lại, đồng thời nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng phù hợp hơn với tiêu chí đầu tư của dòng tiền ngoại nhờ các lợi thế về thanh khoản, tính minh bạch, hoạt động công bố thông tin... Điều này cũng kéo theo mức P/E bình quân ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cao vượt trội so với nhóm cổ phiếu midcap.

Mặc dù vậy, tôi cũng nhận thấy các lợi thế này ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang dần mất đi, khi mà thống kê trong kết quả kinh doanh quý I cho thấy tăng trưởng lợi nhuận ở nhóm này đã không còn vượt trội so với thị trường chung.

Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại cũng đang giao dịch tương đối thận trọng ở nhóm cổ phiếu này trong bối cảnh các yếu tổ rủi ro toàn cầu gia tăng và đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn hiện đang giao dịch ở mức P/E cao.

Ở chiều ngược lại, với việc hiện đang được định giá thấp, các cổ phiếu midcap có câu chuyện riêng đang trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư và có nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn trong trung hạn.

Ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco

Một hiện tượng chúng ta quan sát rất rõ thời gian qua là nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận, khối ngoại đang bán ròng nhiều mã cổ phiếu lớn (bao gồm cả VN30), tôi nghĩ điều này phù hợp với xu hướng chung khi nhà đầu tư ngoại năm ngoái cũng bán ròng tại các thị trường châu Á mỗi khi lo ngại về chiến tranh thương mại leo thang và các đồng tiền của khu vực đồng loạt bước vào xu hướng mất giá.

Nhóm cổ phiếu VN30 vốn chịu nhiều ảnh hưởng của các giao dịch ETF nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung cho nên trong nhịp này, tôi nghĩ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình là chiến lược hợp lý.

Tìm kiếm các cổ phiếu midcap có tăng trưởng tốt về lợi nhuận cốt lõi trong quý I/2019 nhưng chưa tăng giá hoặc tăng ít trong thời gian qua theo tôi là một gợi ý không tồi.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Thị trường trong tuần tới sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu Midcaps có thể sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền với các catalyst hỗ trợ ngắn hạn hiện tại.

Chiến tranh thương mại, các hiệp định thương mại EVFTA sẽ hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu xuất khẩu như thủy sản, dệt may, bất động sản (đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp), logistic, điện cho nên tôi đánh giá các nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong ngắn hạn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Cổ phiếu Midcap và Penny cũng khó có nhiều cơ hội lúc này khi thị trường đi xuống, các ngưỡng hỗ trợ quan trọng không giữ được và vùng kháng cự mạnh như mốc 1.000 tâm lý vững vàng nhiều tháng qua cũng gây tâm lý lo lại cho các nhà đầu tư.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Mua trading ở các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu ảnh 3

Ông Phan Dũng Khánh 

Bên cạnh đó, trên thị trường tài chính quốc tế, dòng tiền liên tục đổ vào các kênh an toàn như Trái phiếu, vàng, tiền số, Yên Nhật, Franc Thụy Sỹ cũng khiến tâm lý chung e ngại nên xu hướng phòng thủ nhiều hơn.

Việc lướt sóng các mã là có thể nhưng rủi ro cao hơn vì số lượng các mã ngắn hạn lướt được là không nhiều và sóng cũng nhỏ đòi hỏi tâm lý vững vàng và nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm mới làm được.

Thị trường vẫn đang cho thấy sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Ở thời điểm này, việc chọn lựa kỹ cổ phiểu để giải ngân và chỉ thực hiện mua trading ở các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu trong các phiên thị trường điều chỉnh liệu có là chiến lược hợp lý?

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mua, và gia tăng một phần tỷ trọng trading trong các phiên thị trường điều chỉnh sâu đối với các cổ phiếu mục tiêu giảm về vùng hỗ trợ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều bất định và tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư nên có sẵn các phương án phòng ngừa rủi ro trong trường hợp các sự kiện mang tính tiêu cực nằm ngoài dự đoán bất ngờ xuất hiện khiến tâm lý thị trường chung đảo chiều đột ngột.

Ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco

Nhà đầu tư nếu đã hạ tỷ trọng trong thời gian vừa rồi sẽ là những người rất có lợi thế trong thời gian tới.

Tôi nghĩ rằng việc điều chỉnh của thị trường sẽ không diễn ra nhanh về mặt thời gian nhưng về mặt biên độ thì sẽ không lớn, vì vậy việc giải ngân tại các vùng hỗ trợ của thị trường mà trước mặt là vùng 950-960 điểm và kiên nhẫn tiếp tục chờ đợi là một chiến lược phù hợp.

Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao, trong bối cảnh hiện tại tôi nghĩ vẫn nên giảm tỷ trọng cổ phiếu.

Nhìn chung, đối với cả 2 trường hợp trên, tôi cho rằng nhà đầu tư chỉ nên giữ tỷ trọng cổ phiếu tối đa ở mức 50%-60% danh mục là phù hợp, ưu tiên mua trading các cổ phiếu đang có sẵn nhưng theo hướng giảm vị thế đối với nhóm nhà đầu tư có tỷ lệ cổ phiếu cao.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Mua trading ở các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu ảnh 4

Ông Nguyễn Thế Minh 

Thị trường đang trong giai đoạn tích lũy sau chuỗi phục hồi từ mức 950 điểm. Tôi đánh giá thị trường sẽ có phân hóa cho nên chiến lược ngắn hạn lúc này là nên cơ cấu lại danh mục theo câu chuyện hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại và các hiệp định thương mại.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư trung hạn xem xét tích lũy thêm cổ phiếu vẫn duy trì tăng trưởng cao trong năm 2019.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Chiến lược này hợp lý trong ngắn hạn - lướt sóng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần đánh giá chính xác kháng cự và hỗ trợ, đồng thời tính toán được dòng tiền đang thu hút vào những cổ phiếu nào để có thể xuống tiền cho phù hợp.

Đồng thời, cần lưu ý chiến lược phải thực hiện nhanh với một tâm lý vững vàng vì sóng cổ phiếu hiện nay khá ngắn nên nếu tính sai hoặc cắt lỗ chậm có thể trả giá rất nhiều. 

Tin bài liên quan