Tuần qua, thị trường tiếp tục chứng kiến những phiên giao dịch giằng co với sự phân hóa mạnh trong các nhóm ngành cũng như nhóm cổ phiếu. Các ông/bà nhận định thế nào về xu hướng biến động của thị trường trong tuần tới?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK VNDIRECT
Tôi cho rằng các thị trường đã có một quý hồi phục tích cực như kỳ vọng của cá nhân tôi từ cuối quý IV/2018 với đà tăng cộng hưởng trên toàn cầu và thị trường Việt Nam cũng nằm trong xu thế này.
Mức độ liên thông giữa các thị trường ngày càng lớn và diễn biến thị trường Việt Nam trong thời gian tới sẽ lệ thuộc vào tình hình chung. Tuy nhiên, điểm kém tích cực là số lượng cổ phiếu có vị thế ngắn hạn suy yếu tăng lên nhanh chóng trong vài tuần gần đây và dòng tiền chốt lời đang tạm rút ra để quan sát.
Do đó, khi dòng tiền chưa quay trở lại với thanh khoản toàn thị trường không bao gồm giao dịch thỏa thuận ở mức 4.500 tỷ đồng trở lên. thì xu hướng sideway vẫn là chủ đạo
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Trước khi chia sẻ về góc nhìn thị trường về tuần kế tiếp, tôi muốn chia sẻ góc nhìn tổng quan thị trường trung hạn hiện nay, vì chỉ có vậy nhà đầu tư mới hình dung rõ hơn về bức tranh toàn cảnh hơn là chia sẻ lắt nhắt thị trường từng tuần một.
Trong trung hạn, ngay từ đầu tháng 1, trong MBS's Talk 16, chúng tôi đã xác định VN-Index từ 900, sẽ lên 1000 +/- 10 và tạo đỉnh trung hạn tại đây. Thực tế, VN-Index đã chạm 1.014 điểm vào 19/3, vì vậy chúng tôi xác định nhiều khả năng mức 1.014 điểm đã là đỉnh trung hạn của thị trường trong cả 6 tháng đầu năm 2019 và bản chất sóng tăng từ 861 đến 1.014 là 1 sóng hồi trung hạn trong 1 downtrend lớn kéo dài từ 10/4/2018 đến nay.
Ông Dương Văn Chung
Do xác định đỉnh trung hạn 6 tháng đầu năm đã được thiết lập tại 1.014 điểm, nên tôi dự báo xu thế trong 3 - 4 tháng tới sẽ là xuống. Sẽ có những phiên tăng giảm đan xen, sẽ có những nhịp hồi T+ 5 đến T+7. nhưng xu thế chung trong 3 tháng tới sẽ là xuống để chuẩn bị cho 1 uptrend lớn nhất năm 2019 diễn ra từ tháng 7 trở đi.
Việc dự báo ngắn hạn là rất khó và mọi dự báo ngắn hạn chỉ mang tính chất tham khảo tương đối thì tôi đưa ra quan điểm cho tuần tới như sau: Phiên cuối tuần vừa qua diễn ra khá tiêu cực khi bị bán tháo vào những phút cuối trong bối cảnh thị trường quốc tế đều rất tích cực. Đđiều này sẽ ảnh hường một chút đến phiên giao dịch đầu tuần. nhưng sau đó thị trường sẽ cố gắng rướn lên một cách yếu ớt với thanh khoản rất thấp để kiểm định lại vùng 991 +/- 1.5 vào tuần sau.
Chúng tôi nhận thấy sẽ có sự nâng đỡ thị trường tuần sau từ các mã vốn hóa lớn như VCB (đầu tuần), VIC, VRE nhưng sẽ bị kéo lại bởi VNM, HPG, VHM, GAS (cuối tuần).
Nếu trong 3 phiên giao dịch đầu tuần VN-Index không vượt được 990 thì nhiều khả năng VN-Index sẽ giảm ngược trở lại vùng 965 +/- 1. Và nếu ngưỡng 965 không trụ vững được, thì VN-Index sẽ tụt dốc về ngưỡng tiếp theo là 940 và 920, còn nếu trụ vững trên 965, thì VN-Index cũng chỉ có thể sideway trong biên độ 30 điểm 965 - 995 điểm.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Thị trường trong tuần qua bị ảnh hưởng nhất định bởi chứng khoán thế giới do hiện tượng đường cong lãi suất trái phiếu của Mỹ bị đảo ngược.
Ông Vũ Minh Đức
Tâm lý thận trọng quay trở lại thể hiện qua những phiên hồi phục thanh khoản thấp và sắc đỏ trong phiên ATC ngày thứ Sáu. Do đó, tôi cho rằng, trong tuần tới xu hướng giảm sẽ chiếm ưu thế hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Thị trường đã có tuần hồi phục nhẹ và chỉ số VN-Index tiến về vùng giá 980 điểm với khối lượng giao dịch ở mức thấp, nên tôi đánh giá thị trường đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật và vẫn duy trì xu hướng giảm trong ngắn hạn.
Tôi đánh giá thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy quanh mức 980 điểm của chỉ số VN-Index trong tuần giao dịch tới và thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Nếu chỉ số VN-Index vượt được mức 997 điểm, thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ được xác lập trở lại.
Bước sang tháng 4 là thời điểm các doanh nghiệp công bố thông tin về kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức trong kỳ họp ĐHCĐ, mùa công bố báo cáo tài chính quý I/2019… Điều này được dự báo sẽ tạo sự phân hóa nhẹ giữa các cổ phiếu trong thời gian qua tại các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt. Nhìn một cách tổng quan, ông/bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội của thị trường trong tháng 4?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK VNDIRECT
Bối cảnh vĩ mô toàn cầu năm nay vẫn tồn tại khá nhiều bất ổn và đà tăng trưởng chậm lại. Do đó, theo tôi, phần lớn các doanh nghiệp sẽ đặt kế hoạch ở mức thận trọng và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn tự tin vào kế hoạch tăng trưởng sau giai đoạn tái cơ cấu hoặc hưởng lợi từ chính sách nên đây sẽ là nơi dòng tiền có kỳ vọng để thúc đẩy giá tăng.
Thông thường, tháng 4,5 sẽ là vùng trũng của thị trường, nên tôi cho rằng cơ hội tăng giá diện rộng đã qua đi và chỉ còn lại số ít cơ hội có câu chuyện riêng nổi bật để phân hoá đi lên
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Tôi theo trường phái Trend trading, tức là toàn thị trường sẽ có xu thế vận động chung theo chu kỳ, nên khi thị trường đã bước vào downtrend thì chỉ có rất ít cổ phiếu có khả năng tăng trưởng và thông thường là không quá 10% số mã tăng điểm trong downtrend.
Những cổ phiếu ra kết quả tốt trong 1 downtrend thì phản ứng tích cực sẽ là không quá mạnh và không đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền lớn vào mà chỉ có thể thu hút được một ít dòng tiền đầu tư theo trường phái giá trị tham gia. Dòng tiền đổ vào đây sẽ khá bền nhưng sẽ không đủ mạnh để bứt phá.
Hiện nay đã là tháng 4, thời điểm công bố thông tin của các doanh nghiệp về việc họp ĐHCĐ, chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh…, nên chúng ta cần một con số thống kê về thời điểm này.
Nếu tính 2012 là chân của uptrend dài hạn, thì từ 2012 đến nay có tổng cộng 7 tháng 4, trong đó tới 5 tháng 4 là giảm điểm và chỉ có 2 tháng 4 là tăng điểm. Vì vậy, xác suất tăng trong tháng 4/2019 sẽ bị rơi vào cửa hẹp.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Hiện đang có những quan ngại nhất định về sự tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong quý I, do đó, nhà đầu tư có thể có tâm lý chờ đợi những bluechip công bố kết quả kinh doanh để đối chiếu lại với mức định giá hiện tại của thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng trung hạn, tức là xu hướng trong 1 - 3 tháng tới vẫn là xu hướng tăng, nên thị trường vẫn sẽ duy trì xu hướng tăng trong tháng 4/2019.
Ông Nguyễn Thế Minh
Tuy nhiên, thị trường sẽ có xu hướng đi ngang và biến động trong vun giá 960 - 980 điểm của chỉ số VN-Index trong hai tuần đầu cua tháng 4/2019. Đồng thời, cơ hội cũng sẽ xuất hiện ở từng cổ phiếu khi đón nhận kết quả kinh doanh quý I/2019 và kế hoạch cả năm 2019.
Nếu nhìn vào xu hướng dịch chuyển của dòng tiền cũng như trạng thái của nhiều cổ phiếu thì xác suất tiêu cực vẫn có phần lấn át. Đặc biệt, khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm tạo ra áp lực về điểm số như VHM, VIC, VCB, GAS... trong khi nhóm midcap và penny chưa thu hút được sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư. Với trạng thái này, nhà đầu tư nên chọn chiến lược giao dịch như thế nào để hạn chế rủi ro, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK VNDIRECT
Tôi đồng ý với quan điểm nên thiên về hướng phòng thủ trong giai đoạn này với mục tiêu bảo vệ thành quả tốt của quý I vừa qua khi phần các cổ phiếu có mức tăng từ 20 - 50% và định giá cũng không còn nhiều hấp dẫn.
Trong khi đó, các rủi ro từ các thị trường quốc tế vẫn rất lớn và chỉ một cú đảo chiều nhẹ cũng khiến thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực gây ra thua lỗ cho nhà đầu tư như trong năm 2018.
Ông Nguyễn Trung Du
Các cơ hội giai đoạn này là khá chọn lọc ở những doanh nghiệp được M&A; chuyển sàn; thoái vốn hay tăng trưởng theo câu chuyện riêng rẽ. Do đó, tỷ trọng cổ phiếu nên ở mức thấp và tập trung vào nhóm cổ phiếu chọn lọc thay vì nhóm tăng giảm theo xu hướng chung của thị trường.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Do nhận định như trên nên tôi cho rằng, giai đoạn này chỉ phù hợp với 2 lớp nhà đầu tư:
Một là những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị thực sự. Tôi phải nhấn mạnh là "nhà đầu tư giá trị thực sự" là vì chỉ có những nhà đầu tư thực sự am hiểu về giá trị một doanh nghiệp nào đó và doanh nghiệp đó đang bị định giá quá thấp so với thị giá, nhà đầu tư có vốn dài hạn và không đòn bẩy thì mới tham gia được thị trường cơ sở ở giai đoạn này và cũng là cơ hội tốt để họ chọn lựa hàng giá rẻ cho 5 tháng cuối năm, vì tôi dự báo thị trường sẽ không có bứt phá nào trong 3 tháng tới nên nhà đầu tư cần phải xác định trước điều này.
Hai là những nhà đầu cơ thực sự nhanh nhẹn, tâm lý vững và biết xác định xu thế thị trường thì nên tích cực tham gia thị trường phái sinh, vì khi thị trường cơ sở hiếm cơ hội thì thị trường phái sinh sẽ là mảnh đất màu mỡ để nhà đầu cơ và những người thích lướt sóng tham gia.
Những nhà đầu tư không thuộc 2 lớp trên thì tốt nhất nên đứng ngoài thị trường hoàn toàn (đứng ngoài cả cơ sở và phái sinh để tránh mất tiền).
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Ở giai đoạn hiện tại, tôi cho rằng nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp để theo dõi những chuyển động tiếp theo của thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Hiện tại, các nhà đầu tư ngắn hạn nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp theo tỷ lệ an toàn 30% cổ phiếu/70% tiền và quan sát thị trường. Đồng thời, việc giải ngân mới cần nên hạn chế trong giai đoạn ngắn hạn khi xu hướng tăng vẫn chưa xác lập trở lại.
Đối với chiến lươc trung hạn, các nhà đầu tư có thể tiếp tục tích lũy cổ phiếu với các nhóm ngành chú ý như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí và bán lẻ.