Phiên 23/10, tâm lý thị trường khá “hoang mang” khi có đến 22,4 triệu OGC khớp giá sàn và VN-Index giảm hơn 8 điểm. Theo các ông/bà, đâu là nguyên nhân?
Ông Hoàng Thạch Lân
Theo thông tin tôi có được thì giá OGC rớt mạnh liên quan đến 1 tin đồn về lãnh đạo tập đoàn. Còn việc chỉ số VN-Index giảm thì tôi nghĩ không liên quan gì mấy đến vụ OGC, mà chủ yếu là nỗi lo sợ về việc các ETF ngoại tiếp tục bán bluechips, nỗi lo margin cũng như khuyến cáo giảm tỷ trọng cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán.
Về nỗi lo margin, gần đây chính ĐTCK đã có bài viết rằng số tiền margin hiện nay thực sự không lớn nếu so với giao dịch hàng ngày (chỉ khoảng 13.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, quý vị cần lưu ý rằng, một khi NĐT đã cắt lỗ margin, không loại trừ khả năng họ đặt bán hết danh mục, đồng thời tạm thoát vị thế ra khỏi TTCK, khi đó khối lượng và giá trị ở phía bên bán trên sổ lệnh có thểlớn hơn nhiều so với số tiền margin nói trên.
Ngoài ra, cũng cần phải nói đến khuyến nghị trên bản tin của nhiều CTCK, mà theo tôi là chủ yếu theo phân tích kỹ thuật. Đối với dạng khách hàng lướt sóng hay đang sử dụng đòn bẩy cao, khuyến nghị đó thực sự rất cần thiết. Tuy nhiên, liệu cả thị trường mình đang lướt sóng? Hơn nữa, việc ETF bán ròng ở nhiều bluechips trong kỳ công bố BCTC quý 3 này lại đang mang lại cơ hội đầu tư giá rẻ hơn, nhiều bluechips đang có P/E trailing (cập nhật đến Q3) <10, thậm chí nếu dự phóng theoforward (của 1 số CTCK lớn) thì còn thấp hơn nữa. Nếu bình tĩnh quan sát giao dịch của khối ngoại, quý vị cũng có thể thấy nhiều mã đang được các quỹ (không phải ETF) mua vào, vậychính những khuyến nghị nói trên có phải đang giúp khối ngoại hay không?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng
Thông tin một số CTCK giảm hoặc cắt margin của OGC, đồng thời việc giải chấp trên diện rộng đã làm lực bán ra rất mạnh dù người mua cũng hào hứng không kém đã giúp OGC có 1 phiên giao dịch có khối lượng cao nhất trong lịch sử của mình.
Ngoài ra, chiều muộn ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố thông tin về việc phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương. Có thể một số nhà đầu tư “nhạy tin” đã đánh hơi thấy nên đẩy mạnh bán ra OGC cũng là một nguyên nhân khiến mã này giảm mạnh với khối lượng khớp kỷ lục.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Chuyên viên phân tích cao cấp, CTCK BIDV (BSC)
Khi thị trường bước vào chu kỳ giảm điểm, những thông tin xấu thường bị khuyếch đại và ảnh hưởng mạnh đến cổ phiếu riêng biệt và thị trường nói chung. Xuất phát từ tin đồn 1 lãnh đạo cao cấp của OGC bị triệu tập phục vụ điều tra, hoạt động bán xảy ra mạnh ở cổ phiếu OGC. Lực bán tháo từ một cổ phiếu lớn với tin đồn chưa được xác nhận đã kích thích lực cầu vào bắt đáy và đã tạo ra phiên giao dịch kỷ lục từ trước đến nay của OGC.
Thông tin này đã được chính thức xác nhận vào chiều 24/10, theo đó ông Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương đã bị khởi tố với tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Do vậy, có thể khẳng định, chính việc ông Thắm bị khởi tố đã là nguyên nhân gây ra hoạt động bán tháo đối với cổ phiếu OGC.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)
Diễn biến trong phiên này bị chi phối bởi những tin đồn liên quan tới ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OGC, tuy nhiên thị trường cũng không phản ứng quá tiêu cực đối với những tin đồn trên.
Sau khi thị trường đóng cửa ngày 24/10 thì các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)
Trên thị trường tuần qua xuất hiện một số thông tin không chính thống liên quan đến cổ phiếu OGC đã khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang và thực hiện bán ra mạnh đổi với cổ phiếu này. Diễn biến này đã có tín hiệu diễn ra từ phiên 22/10 và tới phiên 23/10 hiệu ứng bán tháo OGC lan rộng ra và ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường chung. Bản thân OGC là một cổ phiếu Bluechips trong VN30, do đó việc bán tháo về giá sàn mà không rõ nguyên nhân khiến nhà đầu tư khá hoang mang trong đó VN-Index cũng đã giảm hơn 8 điểm gần như phản ánh phần nào diễn biến này.
Tiếp sau đó, việc nhiều công ty chứng khoán thông báo cắt giao dịch ký quỹ (margin) cổ phiếu OGC của Ocean Group như SSI, HSC cũng là một trong những nguyên nhân khiến lực cung gia tăng do khi thay đổi tỷ lệ margin khiến nhiều khách hàng phải bán ra để bổ xung vào tài sản đảm bảo.
Thông tin cuối tuần qua, NHNN phát đi thông báo phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank). Trong đó, NHNN cũng đã đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị Ocean Bank đối với ông Hà Văn Thắm.
Đánh giá tác động của thông tin này, tôi cho rằng, việc ra tin về cuối tuần là đã có tính toán của cơ quan quản lý nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến diễn biến của thị trường chung. Tuần tới, thị trường có thể tiếp tục có những ảnh hưởng dư âm từ sự kiện này, nhưng tôi cho rằng mức độ sẽ không lớn như sự kiện Bầu Kiên.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới và dịch vụ CTCK Agriseco
Phiên 23/10, với hơn 22 triệu cổ phiếu khớp lệnh, OGC đã thành tâm điểm của thị trường khi các lệnh bán được tung ra liên tục. Chốt phiên, OGC vẫn dư bán sàn với số lượng lớn.
Mặc dù báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gần nhất của OGC vẫn tốt và gần đây nhiều thông tin tốt được hỗ trợ như việc OGC công bố bán 100% cổ phần tại CTCP bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương khiến giá cổ phiếu OGC trong tháng 10 đã có lúc vượt 13.000 đồng/CP. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Chúng tôi đã tìm hiểu và xác định việc giảm giá mạnh cũng như bán tháo phiên vừa qua hoàn toàn do tác động tâm lý từ những tin đồn. Khi tin đồn lan ra thị trường làm cho các nhà đầu tư hoảng loạn đặt bán để thu tiền về bằng mọi giá. Tuy nhiên, mặc dù phiên ngày 24/10, nhà đầu tư vẫn dè dặt, chốt phiên OGC vẫn chốt ở giá đỏ nhưng việc bán tháo đã không còn diễn ra và lực bắt đáy khá tốt.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Biến động của cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương trong phiên ngày 23/10 đúng là đã có tác động tới tâm lý nhà đầu tư và tạo ra ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều mã cổ phiếu lớn khác.
Chiều ngày 24/10, thông cáo chính thức từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương đã miễn nhiệm chức danh của Chủ tịch HĐQT đối với ông Hà Văn Thắm. Do vậy, có thể biến động giá của mã cổ phiếu OGC như đã chứng kiến có liên quan tới sự kiện này.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect (VNDS)
Thị trường chung vẫn đang trong xu hướng giảm khá rõ rệt và OGC lại là cổ phiếu có dấu hiệu yếu bất thường từ phiên giao dịch 22/10, nên ngày hôm sau sự lan tỏa của các đồn đoán và hiệu ứng từ thị trường chung càng làm cổ phiếu này giảm mạnh với thanh khoản lớn hơn.
Ngoài ra, hiện một số công ty chứng khoán quan ngại về mức độ giảm bất thường của OGC nên cũng hạ tỷ lệ cho vay nên áp lực bán của OGC gia tăng trong những phiên giao dịch vừa qua.
Vĩ mô đang khá tích cực thể hiện ở chỉ số CPI 10 tháng ở mức thấp, giá xăng liên tục giảm, lãi suất cũng đang có xu hương giảm…Trong ngắn hạn, rõ ràng đây là những thông tin có lợi cho TTCK, các ông/bà nhận định như thế nào về diễn biến của thị trường trong tuần cuối của tháng 10?
Ông Hoàng Thạch Lân
Cho đến giờ, tôi không còn quan tâm mấy đến CPI hàng tháng. Trong suy nghĩ của tôi, CPI năm nay chắc chắn thấp rồi. Còn những thông tin vĩ mô khác, thì quý vị có thể thấy trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, đa số là tích cực. Điều này theo tôi sẽ tác động tích cực lên TTCK trong thời gian tới, sau khi nỗi lo sợ ETF thoái vốn qua đi.
Tôi tin rằng, TTCK tháng 11 sẽ tích cực hơn khi các Bộ sẽ công bố kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ tiêu vĩ mô của ngành mình. Tất nhiên, sẽ có những ý kiến đánh giá khả năng thực hiện chỉ tiêu của các bộ đó, bởi thực sự thì kinh tế Việt Nam còn những vấn đề như cầu yếu, đầu tư kém hiệu quả, nợ công cao, nợ xấu vẫn tăng, lãi suất cho vay cao..., nhưng đó là câu chuyện của năm sau.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng
Theo tôi, lãi suất hạ là tin tốt, còn CPI thấp chưa hẳn là tin tốt, mà trong thời điểm này CPI thấp lại là tin xấu nhiều hơn. CPI ở Việt Nam vốn có “truyền thống” tăng nhiều hơn giảm. Tuy nhiên, CPI thấp vừa phải có ý nghĩa kích khích kinh tế khi giá cả tăng nhẹ kích thích người bán, nhà sản xuất kinh doanh và rõ ràng là sức mua tốt do thu nhập từ người dân tăng thì giá mới tăng được.
Nhưng CPI quá thấp thậm chí có nhiều tháng bị âm rõ ràng là người mua thắt chặt chi tiêu, người bán không bán được hàng thì phải khuyến mại nhiều, không dám tăng giá trong khi nhà sản xuất không dám mạnh tay đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, tín dụng khó tăng và có thể thấy rõ điều này là dù lãi suất hạ thấp, nhưng số liệu cho thấy tiền gửi trong hệ thống ngân hàng lại tăng lên chứ không giảm đi nghĩa là người dân lo giữ tiền nhiều hơn là mạnh dạn chi tiêu.
Như vậy lãi suất giảm doanh nghiệp tiếp cận được vốn tốt hơn, nhưng cũng không dám mạnh tay vay mượn mở rộng kinh doanh vì hàng hóa sản xuất ra khó bán do nhu cầu thấp, trong khi gánh nặng nợ xấu vẫn còn như thế tăng trưởng kinh tế sẽ bị phần nào ngăn cản và mức tăng sẽ bị hạn chế như những số liệu báo cáo qua các quý mới đây.
Về phía TTCK luôn phản ứng trước nền kinh tế, tuy nhiên ta có thể thấy rất rõ, thị trường giai đoạn này phân hóa rất mạnh, không phải cứ thấy thị trường lên là có ăn. Như sóng dầu khí giai đoạn vừa qua, dù có tăng, nhưng những ngành khác lại không tăng hoặc giảm làm nhiều NĐT thua lỗ. Hay những NĐT vào dầu khí trong khoảng 1 tháng gần đây cũng bị thua lỗ rất nặng. Bởi thế, theo tôi, dòng tiền lớn sẽ chuyển đổi sang những ngành tiềm năng hơn và tháng 10 này trong giai đoạn chuyển đổi thì thị trường sẽ khó đạt được xu hướng tăng mà có thể đi ngang tích lũy hoặc giảm nhẹ trước khi bước vào các con sóng mới.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Chuyên viên phân tích cao cấp, CTCK BIDV (BSC)
Kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm ổn định và có chuyển biến tốt, xu hướng này dự báo còn tiếp tục theo chiều hướng tích cực đến hết năm 2014. Tôi cho rằng, xu hướng của TTCK dựa trên thông số quan trọng của kinh tế vĩ mô như lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, lãi suất suất và chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế như hiện tại là xu hướng điểm tăng kéo dài và bền vững.
Tuy nhiên, các chỉ số hiện tại vẫn nằm trong một chu kỳ điều chỉnh ngắn hạn sau 1 đợt tăng kéo dài hơn 3 tháng. Quá trình điều chỉnh này cũng đã diễn ra trong gần 6 tuần và sẽ sớm chấm dứt theo tính chu kỳ. Do vậy, thị trường có thể lập đáy vào cuối tháng 10 nếu không có những biến cố bất thường đột ngột diễn ra.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC)
Lạm phát tháng 10 tăng nhẹ 0,11% so với tháng 9, thấp hơn so với mức tăng 0,4% trong tháng trước do giá xăng giảm mạnh. Mặc dù chúng tôi cho rằng, lạm phát sẽ tăng lên trong 2 tháng cuối năm do hiệu ứng mùa cao điểm tiêu dùng, tốc độ lạm phát tăng chậm như hiện nay khiến chúng tôi quyết định giảm mức dự báo lạm phát năm 2014 xuống dưới 4%.
Trong khi đó, giải ngân vốn FDI tháng 10 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 25% so với tháng 9. Vốn FDI đăng ký tháng 10 tổng cộng đạt 2,5 tỷ USD (so với 968 triệu USD hồi tháng 9). Lũy kế từ đầu năm đến nay, giải ngân FDI tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 10,15 tỷ USD, phù hợp với dự báo cả năm của chúng tôi là 12,5 tỷ USD.
Về quan điểm kỹ thuật, tôi cho rằng, 2 chỉ số có thể hồi phục trong các phiên đầu tuần tới và kiểm định các mức kháng cự 600 của chỉ số VN-Index và 88,5 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn và chỉ báo tâm lý xuất hiện trạng thái phân kỳ tăng giá với đồ thị giá của chỉ số HNX-Index trong vùng quá bán cho thấy áp lực giảm giá đã có dấu hiệu suy yếu và chúng tôi kỳ vọng lực cầu bắt đáy có thể sẽ gia tăng trong vài phiên tới.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi thông tin liên quan đến ông Hà Văn Thắm sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường, tuy không quá tiêu cực (do tin đồn đã râm ran và thị trường đã suy giảm trong 1 vài phiên cuối tuần vừa qua).
Ngoài ra, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức GIẢM xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và mức kháng cự của hệ thống chỉ báo xu hướng đưa ra là mức 605 của chỉ số VN-Index và 89,2 của chỉ số HNX-Index.
Do đó, trên quan điểm thận trọng, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài cho đến khi điểm mua an toàn được xác nhận. Và trên quan điểm rủi ro, nếu nhà đầu tư có tỷ lệ tiền mặt cao thì có thể cân nhắc giải ngân từng phần tại các vùng hỗ trợ cũ.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)
Nền kinh tế vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực và có tín hiệu cải thiện đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2014 với tỷ lệ tăng trưởng GDP 9 tháng tăng 5,56% (cao hơn mức 5.14% cùng kỳ) và tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong vòng 11 năm.
Lãi suất huy động 1 năm giảm xuống mức quanh 7%/năm. Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định với lãi suất cho vay giảm, tỷ giá ổn định và xuất siêu nhẹ. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi dần mặc dù vẫn ở mức thấp. Chỉ số PMI sản xuất liên tục nẳm trên mức 50 (mức tăng trưởng trong 11 tháng liên tiếp).
Tăng trưởng tín dụng cải thiện mắc dù ở mức thấp (trên 7% trong 9 tháng đầu năm). Khu vực nhà tư nhân phục hồi nhẹ với tỷ lệ tăng đầu tư khoảng 12% cao hơn các khu vực nhà nước và FDI. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chạp mặc dù khu vực ngân hàng đã có dấu hiệu ổn định song nợ xấu còn cao. Tóm lại, môi trường kinh tế vĩ mô vẫn đang có dấu hiệu khởi sắc mặc dù chậm chạp. Đây là yếu tố cơ bản hỗ trợ thị trường chứng khoán trong các tháng còn lại của năm 2014.
Lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục cải thiện khả quan nhờ tiêu thụ sản phẩm tốt hơn và mặt bằng lãi suất hạ mạnh so với năm 2013. Tổng hợp sơ bộ, lợi nhuận 9 tháng của các doanh nghiệp niêm yết tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi đánh giá xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và đây là tiền đề cho sự tăng trưởng dài hạn của thị trường.
Với mức PE trung bình của sàn HSX ở mức 14.68 và sàn HNX ở mức 14.95 thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của TTCK trong khu vực. Do đó, thị trường dưới 600 điểm và ở mức PE hiện tại chúng tôi cho rằng thị trường đang ở mức định giá hợp lý để đầu tư.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới và dịch vụ CTCK Agriseco
Chúng ta đều nhận thấy, tình hình vĩ mô vẫn tốt khi lãi suất giảm, các chỉ tiêu kinh tế đề ra trong năm đều chuẩn bị hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch, lạm phát ổn định, giá xăng trong nước giảm liên tục với những mức giảm tương đối nhiều.
So với những tuần đầu tháng 10, thì áp lực bán của khối ngoại đã có vẻ giảm nhiều. Các chỉ số kỹ thuật đã cho vào vùng quá bán. Vì vậy, tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư có thể xem xét mua cổ phiếu đầu tư TRUNG và DÀI HẠN.
Tuy nhiều, thông tin tốt, nhưng với những diễn biến của những tuần vừa qua, cộng với khả năng rút vốn của khối ngoài vẫn hiện hữu nên nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ cẩn trọng trong quyết định mua bán nên khả năng tăng điểm mạnh là khó, thị trường có thể sẽ đi ngang trong tuần cuối của tháng 10.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Các yếu tố vĩ mô này nhìn chung chưa có sự cải thiện mang tính đột biến. Lạm phát tiếp tục giữ ở mức thấp ngoài yếu tố liên quan tới việc giá xăng liên tục điều chỉnh giảm thời gian qua, còn phản ánh việc tổng cầu vẫn chưa có sự cải thiện để tạo sức bật cho nền kinh tế.
Tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp nội địa ngoài khu vực FDI cũng chưa cho nhiều tín hiệu khả quan.
Số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm cho thấy, có tới hơn 48.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn và vừa cũng chịu sức ép giải thể.
Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu thế điều chỉnh và chỉ số VN-Index sẽ kiểm định lại mốc 580 điểm trong tuần tới. Nếu giảm qua mốc này thì vùng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số này sẽ là quanh 560 điểm.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect (VNDS)
Theo tôi thì với CPI hiện vẫn thấp là tín hiệu không tích cực lúc này. Hiện tại, mặt bằng lãi suất thấp thuận lợi cho việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng nhu cầu vay và đầu tư vẫn rất yếu ớt.
Tổng cầu của nền kinh tế cải thiện không nhiều điều này cho thấy nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều sức ì bên trong và vẫn hồi phục một cách chậm chạp. TTCK do phản ánh hơi quá đà trước đó về kỳ vọng hồi phục nhanh nên có sự trùng xuống để tương xứng với những diễn biến chậm của vĩ mô trong giai đoạn này là khá hợp lý.
Do đó, trong tuần giao dịch tới tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đi xuống để tìm đáy trung hạn nhưng là cơ hội tốt cho việc chọn lọc các cổ phiếu cho kỳ vọng tăng giá vào các tháng cuối năm bởi triển vọng trong dài hạn vẫn khả quan.
Thị trường hiện không có xu hướng rõ rệt tại thời điểm kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra. Theo các ông/bà, nhà đầu tư đang chờ đợi gì ở kỳ họp lần này?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng
Kỳ vọng sẽ có những chính sách khả thi để giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng như nợ xấu, nợ công, tăng trưởng kinh tế ổn định, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu kinh tế.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Chuyên viên phân tích cao cấp, CTCK BIDV (BSC)
Thị trường thông thường không có xu hướng rõ rệt tại thời điểm họp Quốc hội. Đây là thời điểm thị trường có xu hướng nghỉ ngơi, chờ đợi và đánh giá các định hướng và chính sách.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIII sẽ xem xét và thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật. Trong đó, nhà đầu tư kỳ vọng vào điểm đổi mới trong Luật Nhà ở sửa đổi, cho phép đối tượng nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Nhà đầu tư đang kỳ vọng đây sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản, cũng như các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên 2 sàn.
Ngoài ra, ý kiến của Quốc hội về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách năm 2015 sẽ cung cấp tầm nhìn cho nhà đầu tư những tháng cuối năm 2014 và 2015.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)
Thông thường, vào các kỳ họp Quốc hội, thị trường chứng khoán thường diễn biến thận trọng hoặc trong trạng thái lình xình đi ngang chờ đợi các thông tin quan trọng được đưa ra thảo luận. Trong đó, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ tiếp tục đưa ra các vấn đề mang tính bản lề và quan trọng đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những năm sau như mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP), vấn đề nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu và các chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản…
Do đó, những thông tin này sẽ phản ánh hướng đi và sức khỏe của kinh tế vĩ mô trong năm tới và qua đó sẽ tác động đến TTCK cũng như các doanh nghiệp niêm yết.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới và dịch vụ CTCK Agriseco
Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ tập trung đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và kế hoạch 2015, xem xét quá trình tái cơ cấu và những vấn đề quan trọng của đất nước . Ngoài ra, Quốc hội còn có khả năng thông qua một số luật, luật sửa đổi như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...
Như vậy, chúng ta hy vọng những đánh giá khả quan cũng như việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế ổn định làm tiền đề cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, tăng cả về điểm số, chất lượng hàng hóa cũng như tăng vè số lượng, giá trị giao dịch.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Theo các dữ liệu quá khứ, tại thời điểm diễn ra các phiên họp Quốc hội, thông thường tâm lý nhà đầu tư rất thận trọng khiến thanh khoản bị giảm sút khá mạnh. Điều này liên quan tới việc nhà đầu tư muốn theo dõi, đánh giá thông tin liên quan tới các cơ chế chính sách được đưa ra xem xét trong các nội dung họp.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, ngoài nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong năm 2015 một số thông tin cũng được thị trường quan tâm bao gồm tình hình nợ công, dự thảo sửa đổi các Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect (VNDS)
Hiện tại, thị trường trong xu hướng giảm và các tin tức mới đủ mạnh để nâng đỡ thị trường đang thiếu vắng. Trong các tháng cuối năm các thông tin liên quan tới Hiệp định TPP hay việc sửa đổi Luật đầu tư để sớm nới room cho khối ngoại sẽ là những thông tin có sức tác động lớn tới xu hướng.
Ngược lại, những thông tin liên quan tới nợ công, nợ xấu ngân hàng hay khả năng tăng giá điện là những thông tin sẽ có những tác động tiêu cực. Trong đợt họp Quốc hội lần này nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều tới thông tin về các vấn đề lớn như tôi đề cập ở trên.
Trong những tuần trước, một số chuyên gia có đưa ra nhận định nhóm cổ phiếu bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo sóng trong quý IV. Còn các ông/bà đánh giá thế nào về nhóm cổ phiếu này?
Ông Hoàng Thạch Lân
Dễ hiểu, nhóm cổ phiếu bất động sản được kỳ vọng tăng giá chỉ vì có thông tin rằng Quốc hội lần này sẽ thảo luận và ra nghị quyết về việc có cho người nước ngoài sở hữu nhà hay không. Theo tôi biết là về chủ trương, Quốc hội đã đồng ý, đó là điểm tích cực đầu tiên. Vấn đề bây giờ là người nước ngoài nào được mua nhà: mua kèm theo điều kiện về ở, hay cứ nhập cảnh là được mua.
Nếu chỉ đơn giản là nhập cảnh là được phép mua, tôi tin là sẽ tạo sóng cổ phiếu bất động sản ngay lập tức. Còn nếu kèm theo điều kiện về ở thì không phải công ty bất động sản nào niêm yết cũng được lợi, vì số lượng người nước ngoài thuộc dạng này có lẽ không thực sự nhiều so với nguồn cung khổng lồ hiện nay ở các thành phố lớn. Nếu xét theo thu nhập của người nước ngoài, có lẽ các công ty bất động sản cao cấp và đang có sẵn nhà để giao thì sẽ có lợi hơn dạng xây nhà ởxã hội.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng
Tôi cũng nghĩ nhóm bất động sản có tiềm năng khá nhất khi trong đợt sụt giảm vừa qua có nhiều mã trong nhóm này giữ giá tốt thậm chí còn tăng như HAR, PPI… dấu hiệu dòng tiền vào nhóm này cũng nhiều hơn những nhóm khác. Ngoài ra, kết quả kinh doanh cũng có phần tích cực hơn, đặc biệt nợ xấu trong nhóm ngành này vốn nhiều nhất nên các chính sách giải quyết nợ xấu phải tập trung vào nhóm này. Những doanh nghiệp không trụ được thì đã không còn sự quan tâm của NĐT nhưng những doanh nghiệp còn lại sẽ là tiềm năng cao nhất, đón nhận những dòng tiền mới.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Chuyên viên phân tích cao cấp, CTCK BIDV (BSC)
Như đề cập ở trên, khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở sửa đổi cho phép đối tượng nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ mang lại kỳ vọng cho các cổ phiếu bất động sản niêm yết trên 2 sàn. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý III của các công ty bất động sản công bố hiện tại đều không có sự cải thiện rõ rệt. Điều này chưa cho phép chúng tôi nhận định về sóng bất động sản trong quý IV.
Theo chúng tôi, trong ngắn hạn, các nhóm cổ phiếu có thể tăng điểm nhờ yếu tố kỳ vọng, tuy nhiên các cổ phiếu muốn duy trì đà tăng điểm trong trung và dài hạn phải dựa trên sự chuyển biến tích cực của kết quả kinh doanh.
Thị trường bất động sản gần đây đang có sự chuyển biến đáng ghi nhận về giá và thanh khoản, nhưng chỉ có những doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng mới sớm tận dụng được cơ hội này . Do vậy, tôi cho rằng, quá trình tăng của ngành bất động sản cũng sẽ chưa rõ rệt và nếu có thì sự phân hóa cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ hay nói cách chỉ có những doanh nghiệp tốt mới thu hút được dòng tiền nhà đầu tư.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)
Nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, dệt may, thủy sản… khả năng sẽ thu hút dòng tiền đầu tư vào thời điểm quý IV năm nay và năm sau. Bởi đây là những nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ cao và hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi mang tính chu kỳ của nền kinh tế.
Điều này từng diễn ra tại Thái Lan, sau khủng hoảng nhà đất thì cổ phiếu bất động sản là một trong những nhóm ngành có mức hồi phục mạnh nhất. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành dệt may và thủy sản khả năng sẽ được hưởng lợi khi Việt Nam đàm phán thành công TPP trong năm tới đây.
Nhà đầu tư cũng có thể theo dõi các cổ phiếu penny có thị giá thấp hơn mệnh giá có bookvalue cao và mặc dù kết quả kinh doanh có thể chưa cải thiện nhiều tuy nhiên sẽ được thị trường định giá lại và những cổ phiếu này có thể mang lại những khoản lợi nhuận đột biến cho nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng Môi giới và dịch vụ CTCK Agriseco
Khả năng lần họp Quốc hội sẽ thông qua luật kinh doanh nhà ở và bất động sản nên những tháng cuối năm 2014 và năm 2015, cổ phiếu bất động sản vẫn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư có nhiều cơ hội tăng điểm. Vì vậy, theo tôi, dựa vào những thông tin về kết quả kinh doanh 2014 cũng như kế hoạch 2015, nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn cổ phiếu bất động sản tốt để đầu tư.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản thường có thanh khoản cao và nhóm ngành này luôn ở trong nhóm dẫn đầu về thanh khoản trên thị trường trong những năm gần đây. Với đặc thù ngành, các doanh nghiệp bất động sản thường tập trung hạch toán doanh thu và lợi nhuận vào quý IV. Các nhà đầu tư kỳ vọng, điều này sẽ giúp cổ phiếu ngành này tạo sóng vào thời điểm cuối năm.
Như vậy, nhiều khả năng trong các tháng cuối năm, giao dịch của nhóm bất động sản sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, theo chúng tôi tình trạng phân hóa giữa các mã cổ phiếu trong ngành này cũng sẽ diễn ra mạnh do vậy nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định để giảm thiểu rủi ro thiệt hại.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect (VNDS)
Trong vài tuần tới, thị trường sẽ tiếp tục tìm kiếm vùng đáy cân bằng cho trung hạn và tôi vẫn giữ quan điểm về sức hấp dẫn của các cổ phiếu bất động sản trong các đợt tăng giá tới.
Nhìn chung, sau đợt sụt giảm này nhiều nhóm ngành sẽ trở lên hấp dẫn ngay cả với các cổ phiếu dầu khí, nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản mới ở giai đoạn đầu của sự hồi phục trong khi nhiều nhóm ngành đã sang giai đoạn 2 của hồi phục do đó triển vọng tăng giá trong dài hạn với nhòm ngành bất động sản được tôi đánh giá cao hơn.