Thị trường dường như đang tích lũy sau khi đi vào vùng kỳ vọng trước đó 970-980 điểm. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?
Ông Ngô Thế Hiển, Phó tưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Trong tuần tới, tôi nghiêng về khả năng VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm với mục tiêu lần lượt tại 990 điểm (MA50 tuần) và 1.000 điểm (MA20 tuần) với diễn biến giằng co và rung lắc giữa các phiên giao dịch và thanh khoản có thể sẽ không cao.
Chỉ khi VN-Index thực sự vượt ngưỡng 1.000 điểm thì tâm lý nhà đầu tư mới trở nên hứng khởi để kéo dòng tiền quay trở lại thị trường.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank
Tôi cho rằng, VN-Index vẫn chưa thực sự sẵn sàng để chinh phục lại ngưỡng điểm tâm lý 1.000 điểm trong cuối tháng 8 do thị trường hiện vẫn đang thiếu vắng sự hỗ trợ từ dòng tiền lớn của khối ngoại trong bối cảnh xu hướng bán ròng vẫn đang là chủ đạo cộng hưởng với việc dòng tiền nhà đầu tư nội hiện vẫn chưa tạo được tính ổn định cũng như liên tục để có thể nâng đỡ thị trường.
Bên cạnh đó, trên quan điểm phân tích kỹ thuật, các chỉ số vẫn đang trong tình trạng khá cân bằng với trạng thái chủ yếu là tích lũy chờ đợi thông tin mới.
Mặc dù xu hướng ngắn hạn qua một vài phiên giao dịch gần đây đang có chiều hướng nghiêng về bên mua nhưng tình trạng này có khả năng cao sẽ đảo ngược với lợi thế về bên bán trong bối cảnh có khá nhiều cổ phiếu trụ và vốn hóa lớn hiện đang ở vùng cản khá mạnh sau chuỗi ngày tăng liên tiếp.
Ngoài ra, VN-Index liên tiếp đóng cửa với thân nến ngắn cùng với bóng nến trên và dưới có độ dài tương đương nhau cho thấy sự giằng co khá cân bằng trong tương quan cung – cầu giữa bên bán và mua. Tâm lý nhà đầu tư đang tỏ ra lưỡng lự khi bên mua chưa thực sự dứt khoát do lo ngại căng thẳng thương mại có chiều hướng gia tăng cùng với động thái giao dịch khó lường của khối ngoại.
Ông Nguyễn Nhật Cường
Diễn biến thị trường trong phiên giao dịch tới sẽ khá quan trọng và có thể quyết định xu hướng của VN-Index trong cuối tháng 8. Nếu bên mua không tỏ ra dứt khoát hơn để có thể kéo được thị trường bứt phá thì khả năng cao một phiên điều chỉnh giảm điểm có thể xẩy ra và VN-Index sẽ phải kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn.
Tuy nhiên, đường MACD > 0 và dải Bollinger đang hướng dần lên trên với biên độ thu hẹp lại cũng cho tín hiệu khá lạc quan với rủi ro giảm sâu là không quá lớn và nếu có giảm thì phục hồi lại cũng khá nhanh tại ngưỡng hỗ trợ mạnh 955 điểm – điểm giao nhau của đường MA50 và đường trung bình của dải Bollinger.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Thị trường nhìn chung tiếp tục diễn biến giằng co và phân hóa, tuy nhiên VN-Index vẫn thể hiện xu hướng tăng nhẹ với các đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và hiện đang tiệm cận khu vực kháng cự khá mạnh tại 990-1.000 điểm.
Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tuần tới để chỉ số sàn HOSE kiểm định kháng cự này trước khi thị trường sẽ xuất hiện một nhịp điều chỉnh giảm về hỗ trợ 970-980 điểm.
Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung không những không giảm nhiệt sau cuộc đàm phán, mà còn leo thang hơn khiến giới đầu tư toàn cầu lo lắng. Liệu điều này có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam không, theo ông, bà?
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung từ khi bắt đầu diễn ra là sự kiện vĩ mô thu hút sự chú ý của giới đầu tư, bởi nó sẽ có những ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu và từng diễn tiến đều được phản ánh nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế.
Tuy nhiên qua theo dõi, tôi nhận thấy, sau những phản ứng rất tiêu cực ở giai đoạn đầu, thời gian qua thị trường chứng khoán quốc tế, đặc biệt là Mỹ và thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những diễn biến khá tích cực.
Có lẽ nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn và cũng nhận thấy đang có những tín hiệu tốt thể hiện qua việc 2 bên đang đàm phán để giải quyết những bất đồng. Do vậy, nếu không xuất hiện những diễn biến mới theo hướng quá tiêu cực, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư theo tôi ở giai đoạn này cần bình tĩnh theo dõi tình hình và tập trung vào việc quản lý tỷ trọng và có những phương án xử lý thích hợp trong từng tình huống.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank
Việc vòng đàm phán gần đây nhất giữa Mỹ - Trung về vấn đề căng thẳng thương mại không có tiến triển tích cực là điều mà phần lớn giới phân tích đã dự đoán được từ trước.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra như vậy với việc khả năng FED nâng lãi suất trong tháng 9 tới là gần 90% - cũng là điều đã được dự đoán từ trước.
Vì vậy, theo nhận định của chúng tôi, hai yếu tố này sẽ không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng nào tới thị trường chứng khoán trong các phiên giao dịch tới do đã được phản ánh từ trước đó qua các phiên điều chỉnh giảm điểm tương đối mạnh trước đó.
Mặt khác, việc Mỹ quyết định nâng mức áp thuế lên 200 tỷ USD lên hàng hóa của Trung Quốc trong cuối tháng 8 cũng không thực sự gây ra thêm ảnh hưởng tiêu cực nào lên tình hình vĩ mô thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng.
Nguyên nhân là do hiện Trung Quốc vẫn đang tỏ ra có lợi thế hơn về cán cân thương mại so với Mỹ nếu xét trên quan điểm thương mại song phương giữa hai nước nhờ việc phá giá đồng CPY khá mạnh 5,84% kể từ đầu năm 2018 trong khi đồng USD tiếp tục có chiều hướng mạnh lên. Do đó, động thái này của Mỹ theo nhìn nhận của chúng tôi chỉ đơn thuần là một nước đi nhằm “san bằng” lại tỷ số với Trung Quốc.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Ông Vũ Minh Đức
Quan điểm của tôi cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ Trung dù có thể leo thang hay hạ nhiệt cũng sẽ chưa có nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, do đó trong kịch bản xấu cũng sẽ khó có thể khiến VN-Index phá vỡ mức đáy thiết lập trong tháng 7 vừa qua.
Trong những tuần tới, yếu tố có thể tác động tiêu cực đến thị trường khả năng lại đến từ nội tại với kỳ cấu trúc danh mục của các quỹ ETF ngoại với dự báo hai quỹ này sẽ bán ra khá nhiều cổ phiếu chủ chốt để bổ sung VHM vào rổ chỉ số cơ sở.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng vốn là đầu tàu nhưng đang phân hóa rất mạnh với những cổ phiếu có game thoái vốn BID, CTG, VCB. Trong khi đó, nhiều nhà băng khác cũng đang chịu áp lực từ hạn chế tín dụng. Ông/bà đánh giá thế nào về cơ hội và rủi ro về nhóm cổ phiếu này?
Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Tôi nghĩ về trung hạn, triển vọng của ngành ngân hàng vẫn đang duy trì tích cực với kết quả kinh doanh được dự báo tăng trưởng khá so với năm ngoái nhờ nguồn thu từ hoạt động tín dụng và các dịch vụ khác tăng trong khi nợ xấu được hoàn nhập dự phòng.
Trong ngắn hạn, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng được một nhịp khá và một số cổ phiếu đang tiến gần kháng cự tương ứng với đỉnh tháng 5/2018.
Do vậy, tôi cho rằng nhà đầu tư nếu đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng nên theo dõi sát thị trường và tìm cơ hội chốt lời dần nhóm này trong các nhịp tăng tới đây.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. Do đó, để VN-Index có thể đi lên một cách mạnh mẽ và chinh phục các mức điểm cao hơn chắc chắn sẽ cần tới sự hậu thuẫn lớn của nhóm cổ phiếu này.
Với định hướng kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát dưới 4% đã được Quốc hội thông qua cùng với việc tăng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại một số ngân hàng tiêu biểu như BID, CTG và VCB; chúng ta có thể kỳ vọng hệ thống ngân hàng sẽ phát triển một cách vững chắc và linh hoạt hơn đồng thời giảm được tỷ lệ nợ xấu xuống mức an toàn đặc biệt là từ tín dụng tiêu dụng và tín dụng bất động sản.
Chúng tôi đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng là khá hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư dài hạn:
- P/B ngành 6 tháng đầu năm 2018 là 1.94 chỉ bằng 1/2 so với P/B trung bình toàn thị trường;
- P/E ngành hiện nay khoảng 12.03x – thấp hơn khá nhiều so với P/E trung bình toàn thị trường là 18.49x;
- Tỷ suất ROE trung bình ngành 6 tháng năm 2018 đạt khoảng 18.10% - thấp hơn ROE trung bình toàn thị trường 19.48% một chút;
- Phần lớn các mã thuộc nhóm ngân hàng đã giảm khoảng gần 20% kể từ khi VN-Index đạt mức đỉnh vào đầu tháng 4/2018;
- Mức độ rủi ro là khá cao so với mặt bằng chung của thị trường nhưng có thể chấp nhận được với kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh vào quý IV;
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Việc hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng theo tôi là một động thái tốt để duy trì sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm.
Lợi nhuận dự phóng 2018 của các cổ phiếu này theo đó có thể giảm một phần nào đó với kỳ vọng ban đầu, nhưng nhìn chung định giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn.
Tôi cho rằng khi VN-Index có thể vượt qua mốc 1.000 điểm để tiếp tục đà hồi phục thì nhóm ngân hàng vẫn sẽ là nhóm có khả năng thu hút được dòng tiền.
Ở góc độ đầu tư, ông/bà chọn chiến lược nào?
Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Ông Ngô Thế Hiển
Nếu là nhà đầu tư ngắn hạn, trong giai đoạn này không nên mua đuổi do thị trường đang tiến gần đến các ngưỡng kháng cự mạnh mà nên cân nhắc chốt lời dần danh mục đã mua trước đó. Nhà đầu tư trung và dài hạn nên giành thời gian trong khi thị trường tích lũy để tìm kiếm các cổ phiếu đạt tiêu chuẩn mà bản thân đề ra nhằm tích lũy dần để đón sóng tăng mới khi mà thị trường tích lũy xong.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank
Đầu tư ngắn hạn: Nhà đầu tư có thể tận dụng xu hướng tăng giá ngắn hạn luân phiên làm trụ đỡ thị trường của nhóm ngân hàng và vốn hóa lớn. Tỷ trọng danh mục đầu tư có thể duy trì ở mức 45% - 50% và nên ưu tiên những cổ phiếu có thanh khoản cao cũng như đang thu hút được dòng tiền – top 10 mã vốn hóa lớn cũng như các ngân hàng hàng đầu tiêu biểu như ACB và MBB hoặc các ngân hàng CTG, VCB và BID với game thoái vốn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên mạnh dạn thực hiện cắt lỗ nếu VN-Index có dấu hiệu đảo chiều và thoái lui xuống dưới mức 970.
Đầu tư dài hạn: Nhà đầu tư dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại ở mức 40 – 45% đồng thời có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục hiện có.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Với kỳ vọng tích cực về bức tranh kinh tế vĩ mô, sự tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết và những nỗ lực, quyết tâm nâng hạng thị trường của các cơ quan quản lý trong 2-3 năm tới, tôi cho rằng giai đoạn thị trường tăng trong nghi ngờ và giằng co này là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy những cổ phiếu chiến lược, đang được định giá hấp dẫn cho dài hạn.