Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội để tích luỹ dần cổ phiếu

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cơ hội để tích luỹ dần cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù kết quả kinh doanh quý III/2021 sắp công bố sẽ không mấy khả quan nhưng đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy dần cổ phiếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều dư địa để tăng trưởng sau đợt điều chỉnh giảm hơn 20% vừa qua.

Thị trường kết thúc phiên cuối tuần với điểm số tăng tích cực, với sự “góp sức” của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index chinh phục thành công mốc 1.370 điểm. Đà tích cực này liệu có tiếp tục duy trì trong tuần tới?

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Thị trường vừa khép lại một tuần tăng trọn vẹn (chỉ số VN-Index đã tăng 37,84 điểm, tương ứng tăng 2,83%), qua đó cắt mạch giảm 2 tuần liên tiếp và tiệm cận vùng đỉnh tháng 8.

Những rào cản đối với thị trường cũng dần được cởi bỏ: từ dữ liệu tăng trưởng GDP âm, cho tới mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 được đánh giá không mấy sáng sủa và ảnh hưởng từ sự điều chỉnh của chứng khoán thế giới. Vì vậy, thị trường đang có cơ hội để vượt đỉnh tháng 8 và hướng tới đỉnh cao lịch sử.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường ngay trong tuần đầu tiên sau khi thay nới lỏng giãn cách đã có những tín hiệu lạc quan rõ rệt mà thể hiện qua điểm số VN-Index phục hồi gần 40 điểm. Dù thanh khoản chưa đạt mức cao nhưng qua vài phiên vừa qua cũng cho thấy dòng tiền đang quay trở lại thị trường.

Từ tuần sau trở đi, sẽ có nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III nhiều hơn và điều này có thể giúp thị trường sôi động hơn. Quý III này dự báo sẽ có sự phân hóa lớn trong báo cáo kết quả của các doanh nghiệp vì vậy trong vài phiên vẫn sẽ có rung lắc tùy theo từng doanh nghiệp nhưng nhìn chung vẫn sẽ tích cực.

Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục vượt qua vùng kháng cự hiện tại và tiến gần hơn mốc 1.400 quan trọng trong tuần sau.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể duy trì đà tăng trong tuần giao dịch kế tiếp khi dòng tiền ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng dần và lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu. Đồng thời, chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm thử thách ngưỡng kháng cự 1.380 điểm.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Thị trường tuần vừa qua về cơ bản là tích luỹ đi lên với thanh khoản thấp. Dòng tiền trong tuần chủ yếu đang trong giai đoạn chờ đợi thông tin kết quả kinh doanh quý III, do đó tâm lý của nhà đầu tư tuần qua tương đối thận trọng. Quý III thường là quý thấp điểm, trong khi lại ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên cũng khó có thể kỳ vọng được nhiều.

Trong tuần tới, tôi cho rằng chỉ số sẽ tăng giảm đan xen do VN-Index đã lên vùng có thể gặp lượng cung tiềm năng từ những nhà đầu tư mua ở vùng giá cao giai đoạn trước, trong khi dòng tiền lớn chưa gia nhập. Sự phân hoá vẫn sẽ tiếp tục và luân phiên vào từng nhóm cổ phiếu. Xu hướng đảo trụ có thể xuất hiện nhằm giúp chỉ số trụ vững qua các ngưỡng tâm lý.

Nhìn một cách tổng quan, định giá của TTCK Việt Nam đang ở khoảng 16,3 lần, tương đương mức P/E bình quân 3 năm, thấp hơn 15% so với mức đỉnh tháng 6/2021 và thậm chí là thấp hơn 25% so với mức đỉnh của năm 2018, nghĩa là không phải “đắt”, nhưng cũng không còn rẻ. Ông/bà có đánh giá như thế nào về định giá của thị trường ở thời điểm hiện tại?

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Một cổ phiếu đắt thì vẫn có thể đắt hơn, trong khi cổ phiếu được xem là rẻ vẫn có thể rẻ hơn, do vậy trong ngắn hạn việc thị trường nghĩ gì, làm gì quan trọng hơn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Định giá chung dựa trên PE của các doanh nghiệp hiện nay khoảng 16-17 và sau khi cập nhật kết quả quý III có thể chỉ số định giá thị trường sẽ còn rẻ hơn dựa vào nhiều doanh nghiệp lớn kỳ vọng có kết quả kinh doanh tăng trưởng hơn so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng nổi bật năm nay có khá nhiều đến từ các nhóm doanh nghiệp thuộc nhóm tài chính như ngân hàng và chứng khoán. Hai nhóm ngành này hiện nay đều đang ở mức đỉnh cao trong năm vì vậy thị trường chỉ đặt niềm tin vào những nhóm ngành khác như bất động sản, vật liệu xây dựng, thép, dầu khí…

Với kỳ vọng nền kinh tế hồi phục trở lại từ quý IV trở đi thì nhiều doanh nghiệp sẽ hồi sinh và khởi động trở lại mạnh mẽ từ nay sang năm. Thị trường nhờ vậy sẽ có nhiều cơ hội lập đỉnh cao mới từ nay sang năm và có thể xem thời điểm hiện tại là giai đoạn có thể tích lũy cổ phiếu tốt nhất chuẩn bị cho năm sau.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, mức định giá hiện tại của thị trường vẫn còn hấp dẫn, kể cả nếu tính luôn cả mức tăng trưởng EPS quý III/2021. Hiện nay, mức P/E TTM trong khu vực đều trên mức 20 lần, trong khi đó mức ROE và ROA của TTCK Việt Nam vẫn vượt trội trong khu vực. Điều này cho thấy, TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn và còn nhiều dư địa tăng trưởng so với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á với bối cảnh Đông Nam Á là trung tâm cung ứng hàng hóa quan trọng nhất thế giới.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Định giá hiện tại của VN-Index về cơ bản là rẻ nếu so với các quốc gia khác trong khu vực, như P/E thị trường Thái Lan khoảng 21x, Malaysia 26x hay Philippinnes khoảng 28x; trong khi Việt Nam vẫn duy trì được môi trường vĩ mô ổn định, hệ số sinh lời ROE cũng cao hơn.

Mặc dù lợi nhuận quý III nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi tác động của dịch bệnh, khiến mức định giá trên có thể tăng lên khi các số liệu được công bố, nhưng điều này không đáng ngại do đóng góp chính vào tổng lợi nhuận toàn thị trường là nhóm ngân hàng, vật liệu xây dựng, thì khả năng vẫn duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang kiểm soát dịch bệnh trong nước hiệu quả, mở cửa từng bước khôi phục nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ dần hồi phục kể từ quý IV.

Các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang rục rịch công bố báo cáo tài chính quý III/2021 và cao điểm thường sẽ rơi sau ngày 20/10. Kết quả kinh doanh quý III được cho là yếu tố để xác lập lại mặt bằng giá cổ phiếu cũng như kéo theo sự phân hóa rất lớn trên thị trường. Trong góc nhìn của ông/bà, sự phân hóa này sẽ theo hướng như thế nào? Cụ thể cổ phiếu ngành nào sẽ có lợi thế và ngược lại?

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Theo tôi, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III rất khó để tạo sóng, thay vào đó là sự phân hóa. Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ: đà tăng giá ở thị trường hàng hóa, đầu tư công, xuất khẩu, dịch vụ tài chính… sẽ có lợi thế. Cụ thể như: nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, vật liệu xây dựng, hóa chất, năng lượng, khai khoáng…

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Quý III năm nay là một quý khá khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, vẫn có những lĩnh vực đạt hiệu quả cao từ ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhà đầu tư cũng đã dự cảm trước nhiều doanh nghiệp sẽ có kết quả quý III không mấy khả quan nhưng sự kỳ vọng sẽ hướng về quý IV và cả mùa kinh doanh năm sau nhiều hơn. Kết quả kinh doanh công bố có thể làm giá cổ phiếu rung lắc vài phiên nhưng tôi cho là sẽ không quá ảm đạm.

Ngoài ra, nhiều nhóm ngành và doanh nghiệp duy trì năng lực tốt từ đầu năm sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền tốt hơn ngay khi kết quả công bố. Các nhóm ngành phân đạm, thép, bán lẻ, logistics dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý này trong khi các nhóm ngành khác như dầu khí, dệt may, bất động sản, Khu công nghiệp, vật liệu xây dựng dự báo sẽ hồi phục mạnh từ quý IV trở đi.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, bức tranh tăng trưởng quý III/2021 của các doanh nghiệp niêm yết phần lớn đều tiêu cực, nhưng bức tranh này vẫn có sự phân hóa khi vẫn có nhóm ngành giữ được đà tăng trưởng cao trong quý III/2021.

Nhóm cổ phiếu ngành thép dự kiến vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh nhờ vào giá thép tăng mạnh và nhu cầu thép tăng cao. Đồng thời, tôi đánh giá tăng trưởng tích cực ở nhóm chứng khoán, hóa chất, điện, gỗ và giấy, bán lẻ và vận tải.

Ngoài ra, mức tăng trưởng ở nhóm Ngân hàng có thể sẽ sụt giảm nhẹ so với quý II/2021 nhưng dự kiến vẫn duy trì mức tăng trưởng dương trong quý III/2021.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Dịch bệnh sẽ khiến lợi nhuận nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Việc nắm giữ cổ phiếu và chờ đợi thông tin xấu công bố nhìn chung sẽ khó đem lại hiệu quả cao, vì vậy khi thông tin được ra hết thì sẽ giải toả áp lực về mặt tâm lý và giúp thị trường sôi động. Câu chuyện phân hoá sẽ phụ thuộc nhiều vào việc lợi nhuận quý III cao hay thấp hơn kỳ vọng và hướng tới triển vọng kết quả kinh doanh quý IV cũng như tiềm năng cho năm 2022.

Khi dịch bệnh được khống chế thì tất cả các ngành đều sẽ hưởng lợi, trong đó một số ngành được kỳ vọng nhiều hơn như nhóm bán lẻ (tiêu dùng hồi phục), là nhóm xuất khẩu (vẫn đang tăng trưởng tốt), nhóm công nghệ (đẩy mạnh đầu tư, chuyển đổi số), nhóm bất động sản (vào mùa bàn giao quý IV), nhóm hưởng lợi từ đẩy mạnh triển khai đầu tư công.

Dù chưa bật lên là nhóm lĩnh xướng thị trường nhưng việc nhiều cổ phiếu ngân hàng “tỏa” sắc xanh trong tuần qua, điều này giúp nhà đầu tư có phần kỳ vọng tích cực hơn về triển vọng của nhóm ngành này. Tuy nhiên, khác với hai quý đầu năm, nhóm ngân hàng đã có phần dè dặt hơn khi đưa ra con số dự báo lợi nhuận quý III/2021 nhưng nhiều dự báo cho thấy, khả năng các nhà băng khó duy trì được tốc độ tăng trưởng như hai quý đầu năm. Chuyển động của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ sẽ theo hướng nào khi các Ngân hàng công bố chính thức kết quả kinh doanh, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhẹ trong tuần vừa qua, bình quân giảm 16,6% kể từ đỉnh tháng 7, dù có thời điểm mức giảm tới 19%, trong đó giá một số cổ phiếu còn thấp hơn cả đáy tháng 7 và tháng 8.

Nhịp giảm hơn 3 tháng qua cũng đã phản ánh bức tranh lợi nhuận trong quý III và cũng có thể là cả quý IV sắp tới.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường sẽ nhìn vào triển vọng lợi nhuận trong năm sau ở nhóm này. Do nhóm cổ phiếu này có tác động lớn đến chỉ số và mức độ tập trung vốn cao nên luôn có mặt trong danh mục của các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức. Những cổ phiếu nhỏ hoặc có câu chuyện riêng sẽ có lợi thế.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thông thường, sau khi các ngân hàng tăng vốn thành công thì sóng cổ phiếu ngân hàng sẽ chững lại một thời gian và có vẻ lịch sử đang lập lại tương tự giai đoạn 2018.

Điều nhà đầu tư lo ngại nhiều hơn chính là nợ xấu của các ngân hàng sẽ gia tăng nhiều hơn vào cuối năm khi tình hình dịch bệnh kéo dài và gây ảnh hưởng nhiều doanh nghiệp hơn hẳn năm ngoái. Nhóm ngân hàng vì vậy sẽ khó tạo được sóng lớn từ nay đến cuối năm mà có thể cần phải chờ thêm một thời gian mới có thể đánh giá lại.

Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng thu hút nhà đầu tư nhờ quản trị tài sản hiệu quả và bứt phá mạnh mẽ vượt lên thành những ngân hàng dẫn đầu trong năm nay. Đợt điều chỉnh giá hơn 20% vừa qua đã đưa nhiều cổ phiếu chất lượng ngân hàng về vùng giá hấp dẫn với những nhà đầu tư trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, mức tăng trưởng của nhóm Ngân hàng có thể thấp hơn so với quý II/2021, nhưng đây là điểm tích cực cho nhóm Ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh.

Tuy nhiên, tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trở lại trong quý IV/2021 và mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm Ngân hàng sẽ xác lập đáy trong quý III/2021. Ngoài ra, việc cho phép tăng room tín dụng của NHNN, tôi cho rằng nhóm Ngân hàng sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tác động của đại dịch đã khiến nhu cầu tín dụng bị giảm thấp do hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, giãn cách xã hội diễn ra trên toàn quốc. Bên cạnh đó, việc hạ lãi suất cho vay khiến NIM giảm, đồng thời tỷ lệ nợ xấu tiềm tàng sẽ ảnh hưởng vào kết quả kinh doanh giai đoạn tới. Trong 2 tháng qua hiệu suất nhóm này kém hơn thị trường do gặp áp lực chốt lời, cũng như kỳ vọng không mấy tích cực về việc duy trì đà tăng trưởng các quý tới.

Dù vậy, nhóm ngân hàng cũng đang dần về mức định giá hấp dẫn, do đó tôi cho rằng sự phân hoá của các cổ phiếu ngân hàng trong quý III sẽ xuất hiện khi công bố chính thức kết quả kinh doanh. Cụ thể, nhóm cổ phiếu có nền tảng quản trị và công nghệ tốt, tăng trưởng tín dụng cao hoặc chủ động trích lập dự phòng tỷ lệ lớn sẽ thu hút dòng tiền. Ngược lại, những ngân hàng có bộ đệm vốn mỏng, nợ xấu, nợ có vấn đề tăng mạnh sẽ tiếp tục gặp áp lực bán.

Dòng tiền vẫn bám trụ thị trường và đang mong muốn tìm kiếm cơ hội từ việc lọc triển vọng doanh nghiệp trong các ngành có khả năng hồi phục mạnh trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, đây được xem là một điểm tích cực hỗ trợ cho TTCK. Vậy đâu là lời khuyên của ông/bà cho nhà đầu tư trong việc chọn chiến lược đầu tư?

Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS

Dòng tiền có thể quay lại nhóm cổ phiếu bluechips khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III được công bố, trong khi nhóm cổ phiếu đầu cơ có dấu hiệu yếu đi trong nhịp hồi để test lại đỉnh lịch sử. Nhà đầu tư có thể tích lũy các cổ phiếu đầu ngành và giảm tỷ trọng đối với các cổ phiếu nhỏ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhiều ngành đã tăng trưởng mạnh trong năm nay và có thể sẽ không còn nhiều hấp dẫn dù về tương lai vẫn còn có thể tăng trưởng tiếp tục. Nhà đầu tư có thể hướng sự tập trung vào những nhóm ngành có thể hồi phục từ quý IV trở đi như bất động sản, xây dựng, dệt may, dầu khí.

Kết quả kinh doanh công bố sắp tới có thể không mấy khả quan và thị trường có thể còn nhiều đợt rung lắc, nhưng đây chính là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy dần cổ phiếu.

Việc say sóng, đu theo thị trường ở những phiên tăng điểm vẫn rủi ro hơn và lợi nhuận thu được cũng không được như kỳ vọng. Nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp tăng cơ cấu danh mục và chốt lãi trong khi chuẩn bị nguồn lực để có thể tham gia tích lũy cổ phiếu ở những nhịp điều chỉnh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể tăng dần tỷ trọng cổ phiếu và có thể chú ý vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như thép, chứng khoán và ngân hàng.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Thị trường hiện vẫn giao dịch ở vùng cản với lượng cung tiềm năng từ các nhà đầu tư mua giai đoạn trước đó tương đối lớn. Trong khi dòng tiền lớn chưa nhập cuộc thì sẽ khiến thị trường khó bứt lên. Dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế nhưng cũng có nhiều ngành, doanh nghiệp hưởng lợi và theo tôi đây là những cổ phiếu có sức phòng thủ tốt nhất trong giai đoạn hiện tại.

Tôi sẽ ưu tiên nắm giữ cổ phiếu đầu ngành, ít bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội và nằm trong các ngành nghề triển vọng trung dài hạn như nhóm khu công nghiệp, bất động sản, công nghệ, logistics, cảng biển.

Bên cạnh đó, chính sách tài khoá, tiền tệ khả năng cao tiếp tục sẽ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, do vậy nhóm hưởng lợi từ đầu tư công, nhóm chứng khoán cũng phù hợp để giải ngân và nắm giữ.

Đối với những cổ phiếu penny hoặc nhóm có diễn biến giá bất thường, cần đánh giá kỹ về mức định giá để ra quyết định, kiên quyết bán những cổ phiếu có chất lượng tài sản kém và có yếu tố đầu cơ cao.

Tin bài liên quan