Thị trường chứng khoán đã có một tuần giao dịch khá tích cực với VN-Index đóng cửa tại mốc 1250,46 điểm, tăng 22,36 điểm (1,82%) so với tuần trước, đánh dấu tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp nhưng thanh khoản lại ghi nhận ở mức khá thấp dưới mức bình quân 20 tuần đang cho thấy hiện tượng tiết cung. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về chuyển động thị trường trong tuần tới?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Nhìn chung về cơ bản, nhịp hồi phục hiện tại diễn ra như 1 điều tự nhiên khi VN-Index giảm về ngưỡng tâm lý 1.200 chứ chưa thể hiện sự chuyển biến về xu thế. Đặc biệt khi thanh khoản giảm trong các nhịp tăng và dễ dàng tăng trở lại khi bước vào nhịp giảm. Điều này cho thấy: nhịp hồi mới thể hiện lượng cung vãn chứ chưa phản ánh sức cầu tăng.
Với sự mong manh như vậy, không dễ để chỉ số giữ vững được trên ngưỡng 1.250 trong các phiên giao dịch tới. Chúng tôi đánh giá sự giằng co giảm dần có thể sẽ sớm quay trở lại, nhịp điều chỉnh của chỉ số có thể sẽ diễn ra trong tuần tới.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
VN-Index đóng cửa tại mốc 1.250,46 điểm, tăng nhẹ so với tuần trước, cho thấy xu hướng hồi phục vẫn đang duy trì. Tuy nhiên, việc thanh khoản thấp hơn mức bình quân 20 tuần cho thấy lực cầu chưa thực sự mạnh mẽ, phản ánh sự thận trọng từ nhà đầu tư. Hiện tượng "tiết cung" có thể là dấu hiệu tích cực, cho thấy các nhà đầu tư chưa muốn bán mạnh ở vùng giá hiện tại, kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm.
Thật ra ở vùng giá hiện tại nhiều nhà đầu tư vẫn còn chưa về bờ vì vậy thanh khoản chưa tăng cao. Áp lực điều chỉnh sẽ tăng lên trong tuần sau và có thể có nhiều phiên rung lắc xen kẽ tuy nhiên khả năng hỗ trợ mạnh sẽ duy trì quanh vùng 1.240.
Một cách tổng quan, ông/bà nhìn nhận như thế nào về chuyển động thị trường trong tháng cuối cùng của năm 2024 cũng như đâu là các yếu tố đáng lưu tâm?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Ông Dương Hoàng Linh |
Theo thông lệ, thời điểm cuối năm thường chứng kiến xu hướng rút tiền của NĐT, yếu tố này đặc biệt đáng quan tâm khi diễn biến thị trường trong cả năm nay không thuận lợi.
Xu thế những tháng cuối năm nhiều khả năng tiếp tục trầm lắng, để có thể chuyển biến thực sự, tôi cho rằng cần có các yếu tố đột phá, cần “cú hích” mạnh hơn, như thông tin nâng hạng, hay thậm chí một đợt giảm mang tính wash-out.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2024 với nhiều biến động khó lường. Thị trường trong năm vừa qua tăng trưởng khoảng 100 điểm trong đó có khá nhiều đợt sóng dao động khá mạnh trong năm. Những diễn biến thị trường trong năm không như nhiều nhà đầu tư mong đợi và nhìn chung nhà đầu tư vẫn kỳ vọng tháng cuối cùng của năm thị trường sẽ giao dịch hưng phấn và tăng trưởng ổn định hơn.
Điều quan tâm trước nhất vẫn là ổn định vĩ mô trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm sau dự báo có nhiều biến động khó lường. Sẽ có nhiều biến số bất ngờ diễn ra trong năm tới mà nhà đầu tư chỉ có chờ đợi và tuỳ cơ ứng biến chứ khó có thể dự báo trước.
NHNN vừa gửi thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng. Hành động này cho thấy nỗ lực nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Tuy nhiên, với tín dụng 11 tháng chỉ tăng 11,12%, liệu mục tiêu này có khả thi không, theo quan điểm của ông/bà? Và điều này có mối liên hệ tương tác như thế nào đến TTCK?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Mục tiêu này hoàn toàn khả thi, nên nhớ tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong tháng cuối năm. Cùng thời điểm này năm ngoái, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 9%, nhưng kết thúc năm với mức tăng trưởng 13.5%.
Việc NHNN tăng chỉ tiêu tín dụng cho thấy lạm phát được kiểm soát tốt và vĩ mô đang có nhiều diễn biến tích cực. Điều này về trung-dài hạn sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán nói chung, ngoài ra nhóm các Ngân hàng được nới tín dụng sẽ được hưởng lợi nhất định.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng chỉ đạt 11,12%, cho thấy việc đạt mục tiêu 15% trong cả năm đặt ra một số thách thức. Nền kinh tế vẫn đang đối mặt với khó khăn từ sức cầu tiêu dùng và đầu tư giảm. Các doanh nghiệp thận trọng trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh do môi trường kinh tế bất định. Dù lãi suất cho vay đã giảm, mức giảm chưa thực sự kích thích mạnh nhu cầu tín dụng, đặc biệt trong các lĩnh vực như bất động sản hay tiêu dùng cá nhân.
Như vậy, đạt được mục tiêu 15% trong năm 2024 là rất khó khăn trừ khi có sự cải thiện đáng kể trong tháng 12 hoặc các chính sách hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hồng Khanh |
Về những tác động đến thị trường chứng khoán thì khi tín dụng được mở rộng, lãi suất duy trì ở mức thấp sẽ kích thích dòng tiền rẻ tìm đến các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng khoán. Điều này có thể tạo động lực tăng điểm cho thị trường, đặc biệt là các nhóm ngành nhạy cảm với lãi suất (bất động sản, xây dựng, chứng khoán.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản và sản xuất, có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, từ đó cải thiện triển vọng kinh doanh và khả năng thanh toán nợ trong mùa kinh doanh cuối năm. Với tình hình hiện tại, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là không cao, nhưng nỗ lực này sẽ tạo ra một cú hích tâm lý tích cực, đặc biệt nếu có thêm các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích tiêu dùng.
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán trong ngắn hạn có thể tăng lên, nhưng sự ổn định lâu dài sẽ phụ thuộc vào hiệu quả phân bổ tín dụng và triển vọng kinh tế vĩ mô tổng thể.
Cũng liên quan đến chuyển động chính sách, Quốc hội Việt Nam đã thông qua việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với mặt hàng phân bón trong Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi, chính thức có hiệu lực từ năm 2025. Chính sách này hứa hẹn sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho ngành phân bón, tuy nhiên, tác động từ chính sách này được xem là không đồng đều giữa các doanh nghiệp, cũng như tác động đến nhóm cổ phiếu ngành phân bón sẽ theo các chiều hướng khác nhau. Đâu là quan điểm của ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón sẽ cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, từ đó hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước từ đó tăng cạnh tranh với các sản phẩm phân bón nhập khẩu. Nhóm doanh nghiệp sản xuất phân đơn (ure, lân) và phân DAP như DPM, DCM, DHB... sẽ được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Việc áp dụng VAT 5% với mặt hàng phân bón là một chính sách tích cực, giúp cải thiện tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất nội địa, giảm gánh nặng chi phí và tạo sự công bằng hơn trong ngành.
Tuy nhiên, tác động không đồng đều giữa các doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự phân hóa trong nhóm ngành phân bón, cả về hiệu quả kinh doanh và xu hướng giá cổ phiếu. Nhà đầu tư cần chọn lọc và bám sát các yếu tố cơ bản để tối ưu hóa lợi nhuận.
Nhóm cổ phiếu phân bón sẽ là một trong những cổ phiếu tâm điểm lưu tâm trong năm sau vì vậy nhà đầu tư cần lưu tâm đến nhóm này. Nên ưu tiên cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, có lợi thế cạnh tranh rõ rệt và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ như DCM, DPM, BFC.
Ở thời điểm hiện tại, có quá sớm để tính đến việc tái cơ cấu danh mục cho năm 2025? Những cố phiếu nào là tâm điểm quan tâm, theo các ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Như tôi đã nói, xu thế ngắn hạn không thuận lợi, tuy nhiên nhìn về dài hạn thì với nền tảng vĩ mô đang có nhiều tín hiệu tích cực, điều đó đồng nghĩa dư địa tăng trưởng cho TTCK trong dài hạn là khá sáng sủa. Do vậy không hề sớm để tái cơ cấu danh mục cho tầm nhìn trung-dài hạn 2025-2026.
Cổ phiếu thuộc các ngành như Dịch vụ du lịch, Công nghệ thông tin, Bảo hiểm theo tôi hứa hẹn sẽ bứt phá tốt trong năm 2025.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Ở thời điểm hiện tại thật sự cũng không phải quá sớm để xây dựng danh mục đầu tư cho năm 2025.
Với những dự báo tình hình kinh tế năm sau thì danh mục đầu tư năm 2025 nên tập trung vào các nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng chính sách vĩ mô trong nước và toàn cầu, đặc biệt là đầu tư công, ngân hàng, khu công nghiệp và năng lượng. Tuy nhiên, cần duy trì sự linh hoạt để ứng phó với những rủi ro tiềm tàng từ kinh tế thế giới và địa chính trị để có những ứng biến phù hợp.