Góc nhìn chuyên gia chứng khoán: Có thể bắt đáy ở từng giai đoạn

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán: Có thể bắt đáy ở từng giai đoạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn đang ở mức giảm, nhưng nếu tiền nhàn rỗi nhiều thì việc bắt đáy ở từng chặng cũng là cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt giá rẻ.

TTCK đã trải qua một tuần giao dịch chứa nhiều cảm xúc, từ việc kỳ vọng hệ thống mới của HOSE có thể kích thích thị trường giao dịch thông suốt hơn, đến ngơ ngác sau cú giảm điểm sốc phiên 6/7. Khép lại tuần qua, chỉ số VN-Index giảm 73,13 điểm (5,15%), ghi nhận tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Ông/bà có góc nhìn thế nào về xu hướng thị trường tuần tới?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích CTCK Vietcombank (VCBS)

Lực cung chốt lời ngắn hạn khá lớn quanh vùng 1.420 điểm khiến cho chỉ số đánh mất toàn bộ mức tăng kể từ đầu tháng 6. Thanh khoản tăng khá mạnh trong những phiên giảm điểm mạnh gần đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, tôi cho rằng mặt bằng giá sẽ dần ổn định trở lại trong những phiên tới và thị trường sẽ tìm lại điểm cân bằng mới – kỳ vọng ở vùng 1.300 - 1.320 điểm của VN Index.

Hiện tại, nhà đầu tư cần chú ý đến sự vận động của dòng tiền ngắn hạn và quản trị việc sử dụng đòn bẩy, đồng thời tránh phân bổ quá nhiều tỷ trọng trong danh mục vào các cổ phiếu đầu cơ có rủi ro cao khi giá không vận động cùng với yếu tố cơ bản.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (​AGR)

Sau tuần giảm điểm khá mạnh vừa rồi thì đẩy hầu hết trạng thái tài khoản của nhà đầu tư vào trạng thái không có lợi nhuận hoặc chuyển sang thua lỗ.

Với đà giảm như hiện tại thì sớm hay muộn thị trường cũng có nhịp hồi phục trong tuần tới, mặc dù nhịp hồi phục này là hồi phục kỹ thuật hay để có thể trở lại mốc đỉnh cũ thì sẽ khó đoán định.

Theo tôi trong tuần tới yếu tố tiêu cực nhiều hơn là tích cực, khả năng thị trường cũng sẽ phải test lại mốc 1.300 điểm trước khi hình thành xu thế mới. Cần lưu ý là trạng thái này với các nhà đầu tư F0, vốn chưa có kinh nghiệm cắt lỗ tài khoản và có xu hướng tiếp tục nắm giữ cổ phiếu bất chấp đà giảm, vì vậy lực mua mới của thị trường sẽ không nhiều và thị trường khó có thể quay lại vùng đỉnh cũ.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ và chỉ số VN-Index vẫn có thể giữ được mức hỗ trợ 1.312 điểm. Đồng thời, thanh khoản có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Quan điểm kỹ thuật: Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của tất cả các chỉ số chứng khoán chuyển về Tiêu cực. Trong khi đó, với việc đóng cửa dưới MA50, HNX-Index, VNMidcap và VNSmallcap là những chỉ số đầu tiên đánh mất tín hiệu Tích cực của xu hướng trung hạn.

Dự báo trong những phiên giao dịch tới, quán tính giảm điểm sẽ khiến cho VN-Index xuất hiện nhịp giảm đầu ngày để kiểm định hỗ trợ của đường MA50 tại vùng 1325-1330 điểm. Lực cầu giá thấp từ vùng hỗ trợ có thể sẽ mạnh lên sau đó để tạo sự giằng co với áp lực bán ra. Sự phản kháng này có thể giúp cho VN-Index hồi phục về phía cuối ngày, thậm chí có thể đóng cửa với mức tăng điểm nhẹ.

Tuy nhiên, khi mà kháng cự tại 1.380 điểm chưa được chinh phục lại, VN-Index vẫn đang nằm trong nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn. Thậm chí trong kịch bản xấu, VN-Index đóng cửa dưới đường MA50 tại 1.330 điểm, một nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường có thể sẽ xuất hiện với các mục tiêu lần lượt tại 1.260 điểm (MA100).

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Việc đảo chiều giảm mạnh của thị trường trong tuần qua là việc điều chỉnh đơn thuần của thị trường sau chuỗi ngày tăng mạnh, hay còn đến từ nguyên nhân nào? Việc các doanh nghiệp sắp công bố lợi nhuận quý II/2021 có được cho là “phao cứu sinh” cho thị trường ở giai đoạn này?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích CTCK Vietcombank (VCBS)

Tôi cho rằng, nhiều cổ phiếu trên thị trường đang xuất hiện diễn biến phân hóa khi dòng tiền rút dần ra khỏi một số cổ phiếu đã tăng khá mạnh trong giai đoạn nửa đầu năm nay để chuyển sang các công ty khác có triển vọng kinh doanh tích cực trong nửa sau của năm 2021 mà giá cổ phiếu chưa tăng nhiều trong thời gian qua. Vì vậy, bên cạnh nhiều cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh trên thị trường, vẫn có không ít cổ phiếu khác chỉ điều chỉnh giảm khá nhẹ hoặc thậm chí đi ngược lại thị trường như nhóm bán lẻ, nhóm hàng tiêu dùng cũng như một số cổ phiếu bất động sản…

Với việc đà giảm tạm thời vẫn chưa kết thúc sau phiên giao dịch thứ sáu cuối tuần vừa qua, tâm lý nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ vẫn khá “dè dặt” trong tuần sau. Trong bối cảnh này, tôi cho rằng, mùa báo cáo tài chính quý II/2021 sẽ là chất xúc tác quan trọng để thị trường tìm được một điểm cân bằng mới cũng như ổn định lại mặt bằng giá của các cổ phiếu đã ghi nhận mức giảm mạnh trong tuần vừa qua.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (​AGR)

Việc đảo chiều giảm mạnh vừa rồi là tổng hòa của nhiều yếu tố.

Thứ nhất là do đại dịch Covid diễn biến phức tạp, khó lường, tấn công mạnh vào khu Đông Nam Bộ vốn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Điều này gây lo ngại về việc thị trường chứng khoán sẽ xa rời nền kinh tế thực, nhất là trong bối cảnh VN-Index đã tăng nóng từ đầu năm.

Thứ hai là mặc dù kết quả kinh doanh quý 2 các doanh nghiệp dự báo sẽ tăng rất mạnh, nhưng hầu hết đều đã được dự báo từ trước và nhiều cổ phiếu trụ cột cũng đã ra số liệu ước tính, vì vậy mức độ tác động không còn nhiều và không còn là “phao cứu sinh” của thị trường. Bên cạnh đó, triển vọng 2 quý cuối năm không mấy sáng sủa do ảnh hưởng của Covid, trong khi cùng kỳ năm ngoái thì lại là điểm tích cực.

Thứ ba là rất nhiều mã được cố giữ ở vùng giá cao để kỳ vọng vào câu chuyện tăng vốn, kết quả kinh doanh đột biến để hỗ trợ; với việc Covid lan rộng như hiện tại thì khả năng cao lộ trình tăng vốn sẽ bị chậm lại và mất câu chuyện để kỳ vọng.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường đảo chiều giảm sau chuỗi ngày tăng mạnh cũng là diễn biến bình thường và cần thiết khi mức định giá của thị trường đang ở mức cao và lượng margin cũng đang ở mức cao.

Đồng thời, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tới gần 90% giá trị giao dịch của toàn thị trường cho nên thị trường rất dễ xảy ra các đợt biến động mạnh do bị tác động các thông tin tiêu cực, nhất là khi Việt Nam đang có đợt bùng phát dịch mạnh.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 2/2021 tích cực và dòng tiền mới tiếp tục đổ vào thị trường, cùng với lãi suất vẫn duy trì ở mức rất thấp cho nên tôi cho rằng thị trường có thể sẽ còn dư địa tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Với nhiều yếu tố không thuận lợi như các ca Covid tăng mạnh tại TP.HCM, nơi đầu tàu kinh tế cả nước, việc điều chỉnh của thị trường sau những ngày tăng mạnh, sắp đến thời điểm thị trường có khoảng trống về mặt thông tin (quý 3) đã ảnh hưởng đến thị trường.

Tuy nhiên, với việc công bố lợi nhuận quý 2/2021 tích cực ở một số ngành, một số công ty có thể giúp thị trường có nhịp hồi phục, nhưng sẽ có sự phân hóa cổ phiếu, không phải công ty nào cũng sẽ tăng cũng như tâm lý phân vân ở các nhà đầu tư, sẽ ảnh hưởng đến thị trường (không phải sự đồng thuận mạnh như lúc trước), nhưng tôi nghĩ việc điều chỉnh cũng hợp lý để nhà đầu tư và thị trường nghỉ ngơi, bình tâm lại sau thời gian tăng mạnh.

Với một tuần “đỏ lửa”, hàng loạt cổ phiếu từ nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép… từ nhóm VN30 đến penny đều chịu áp lực điều chỉnh. Ở những lần điều chỉnh trước, nhóm cổ phiếu điều chỉnh mạnh nhất cũng là nhóm phục hồi mạnh nhất khi thị trường khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, việc bắt đáy ở thời điểm hiện tại vẫn mang nhiều rủi ro như “bắt dao rơi”. Quan điểm của các ông/bà?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích CTCK Vietcombank (VCBS)

Nhịp giảm lần này diễn ra khá bất ngờ và trong thời gian ngắn, khiến cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy “không kịp trở tay”.

Với việc thanh khoản những phiên gần đây có sự gia tăng cao hơn bình quân của giai đoạn trước, nhưng mức tăng chưa thực sự đáng kể, tôi cho rằng lực cung tiềm năng là vẫn còn và quán tính giảm điểm có thể tiếp tục trong một vài phiên nữa, do đó việc “bắt đáy” cổ phiếu nhìn chung vẫn là tương đối rủi ro.

Thay vào đó, nhà đầu tư có thể tham khảo các báo cáo ngành, doanh nghiệp cũng như Báo cáo Triển vọng Thị trường chứng khoán 2H.2021 của VCBS để “ngắm” sẵn những cổ phiếu mục tiêu tiềm năng trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 và giải ngân khi thị trường cho các tín hiệu đảo chiều đủ tin cậy.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (​AGR)

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Việc “bắt dao rơi” trong bối cảnh hiện tại sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro vì thị trường không còn mấy câu chuyện để kỳ vọng. Đối vói các cổ phiếu điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư nên xem xét kỹ về nội tại doanh nghiệp cùng mức định giá tại vùng bắt đáy liệu vẫn là quá cao so với lịch sử hay chưa.

Trường hợp giải ngân, theo tôi nên ưu tiên cổ phiếu đầu ngành, lợi nhuận vẫn đang tăng trưởng; đây là những cổ phiếu giúp phòng thủ tốt nhất trong giai đoạn hiện tại.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng mặc dù dấu hiệu rủi ro thị trường đang giảm dần, nhưng xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn đang ở mức giảm cho nên các nhà đầu tư chưa nên tham gia bắt đáy. Tuy nhiên, nếu chỉ số VN-Index kết thúc tuần giao dịch mà vẫn giữ được vùng hỗ trợ 1.312 - 1.315 điểm thì các nhà đầu tư có thể xem xét mua thăm dò đáy với tỷ trọng thấp.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Nếu mục tiêu trung hạn, chờ đến cuối năm hoặc nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi nhiều thì việc bắt đáy ở từng chặng của thị trường cũng là cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt giá rẻ.

Không ít các tư vấn thẳng thừng khuyến nghị nhà đầu tư đã bán thì tiếp tục đứng ngoài thị trường, nếu mua bán chỉ lướt các cổ phiếu có sẵn trong tài khoản để giảm rủi ro T+. Còn chiến lược của các ông bà? Nếu chọn mua để tái cơ cấu thì đâu là nhóm cần ưu tiên lúc này?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích CTCK Vietcombank (VCBS)

Như đã đề cập, tôi cho rằng mùa báo cáo tài chính quý II/2021 sẽ là chất xúc tác quan trọng để thị trường tìm được một điểm cân bằng mới. Cụ thể, do quý II/2020 đã ghi nhận một điểm trũng khá sâu do tác động của dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của hầu hết các ngành trong quý II năm nay đều sẽ ghi nhận sự khởi sắc so với cùng kỳ. Bức tranh chung là tích cực, song mức tăng sẽ phân hóa giữa các ngành và chúng tôi xin đề cập tới những ngành dự kiến có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong phân tích dưới đây:

(1) Trong quý II này, thị trường đã ghi nhận mức tăng ở hầu hết các mặt hàng cơ bản, chủ yếu là nguyên liệu cơ bản như quặng, kim loại (trừ nhóm quý hiếm), dầu thô, nông sản... và cước phí vận tải, cảng biển. Theo đó, có thể thấy rõ ràng nhất nhóm ngành sản xuất/cung cấp nguyên liệu đầu vào như công nghiệp (đặc biệt là thép, hóa chất), khai khoáng, dầu khí (trung và hạ nguồn), hay dịch vụ vận tải/cảng biển sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng đột biến.

Tuy nhiên, tôi xin lưu ý, trong mỗi ngành cũng sẽ có những sự phân hóa riêng biệt, ví dụ, những doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ của ngành thép sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với những doanh nghiệp cỡ lớn do mức lợi nhuận cùng kỳ rất thấp (thậm chí lỗ), hay những doanh nghiệp dầu khí hoạt động trong phân khúc trung và hạ nguồn sẽ được ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao ngay khi giá dầu tăng, sẽ vượt trội so với các doanh nghiệp thượng nguồn cần có thời gian để triển khai dự án mới.

Ông Trần Minh Hoàng

Ông Trần Minh Hoàng

(2) Nhóm ngành dịch vụ tài chính, chứng khoán, ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. Mặt bằng lãi suất thấp cùng các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tác động tích cực đến thị trường chứng khoán với sự bứt phá cả về thanh khoản lẫn điểm số.

Theo đó, nhóm ngành dịch vụ chứng khoán sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trên hầu hết các mảng hoạt động, đặc biệt là hoạt động đầu tư ghi nhận những con số lợi nhuận khá lớn so với cùng kỳ (thua lỗ hoặc hòa vốn).

Trong khi đó, nhóm ngành ngân hàng cũng đã cho thấy sự bứt phá ngoạn mục từ nhóm các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ khi bứt phá lợi nhuận tăng bằng lần trong quý 1, và chúng tôi cho rằng đà tăng sẽ tiếp tục ở mức cao trong quý 2.

(3) Nhóm ngành tiêu dùng - bán lẻ được dự báo sẽ ghi nhận sự phục hồi đáng kể so với cùng kỳ, tập trung vào nhóm mặt hàng không thiết yếu thuộc phân khúc trung-cao cấp/xa xỉ như ô tô, trang sức, điện tử. Nguyên nhân chủ yếu tới từ sự hồi phục sức mua so với cùng kỳ và xu hướng gia tăng của tầng lớp trung lưu vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam cùng với việc chính phủ Việt Nam đã có những chính sách linh hoạt hơn trong việc kiểm soát dịch thay vì mạnh tay giãn cách toàn xã hội.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (​AGR)

Chiến lược của tôi vẫn ưu tiên chờ tới khi thị trường ổn định trở lại, vì trong giai đoạn tới khả năng sẽ có những phiên cung cầu mất cân bằng sau khi khơi thông nghẽn lệnh.

Tôi đồng ý quan điểm ưu tiên mua bán đối với cổ phiếu sẵn có trong danh mục để kịp thời hành động trước những diễn biến bất thường của thị trường. Nhóm cổ phiếu ưu tiên theo tôi gồm: (1) nhóm cổ phiếu bất động sản do chưa tăng giá nhiều, (2) nhóm ngân hàng do vẫn kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh các quý tới, (3) nhóm kỳ vọng hồi phục ngắn hạn khi dịch bệnh được khống chế như hàng không, dịch vụ hoặc bán lẻ, bia rượu.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi cho rằng nếu các nhà đầu tư đã thoát kịp ở phiên giảm mạnh trước thì nên đứng ngoài và quan sát cho đến khi xu hướng tăng xác nhận mới.

Còn nếu nhà đầu tư vẫn còn đang nắm giữ thì chỉ nên bán ra phần margin và nắm giữ phần còn lại vì thị trường có khả năng sẽ sớm xác lập vùng đáy trong ngắn hạn, đặc biệt nếu chỉ số VN-Index vẫn giữ được vùng hỗ trợ 1.312 – 1.315 điểm trong tuần tới thì có thể sẽ sớm xác lập vùng cân bằng và đảo chiều ngắn hạn.

Các nhà đầu tư có thể chú ý đến nhóm cổ phiếu bất động sản, bán lẻ và sản xuất thực phẩm.

Tin bài liên quan