Thị trường đã có phiên khởi đầu tháng 10 không được thuận lợi khi lực bán vẫn chiếm áp đảo với sức ép chính đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, đưa chỉ số VN-Index sát về vùng 1.330 điểm. Trong góc nhìn của ông/bà, diễn biến của thị trường trong tuần tới sẽ theo xu hướng nào?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Xu hướng sẽ khó có diễn biến tích cực hơn tuần qua khi mà ngoại trừ các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư F0 là mua ròng còn các nhà đầu tư khác vẫn duy trì bán ròng áp đảo.
TP.HCM đã bắt đầu mở cửa cũng không hỗ trợ mấy cho thị trường trong bối cảnh thanh khoản giảm về quanh mức thấp nhất trong năm. Xu hướng có khả năng sẽ là đi ngang hoặc đi xuống nhẹ.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Xu hướng giằng co đi ngang (về mặt chỉ số VN-Index) của thị trường vốn đã hình thành cách đây 1 tháng, với biên độ giữa vùng hỗ trợ tại 1.330 và kháng cự tại 1.360 điểm. Cho tới thời điểm hiện tại, xu hướng này vẫn đang chiếm ưu thế khi biên độ dao động này chưa bị phá vỡ.
Chính vì vậy, diễn biến thị trường tuần tới có thể sẽ chưa tạo được sự khác biệt rõ nét, nhưng đấy là về mặt chỉ số, còn trên thực tế tôi quan sát, giá nhiều cổ phiếu lại đang và sẽ hình thành xu thế giảm dần.
Còn về nhóm cổ phiếu Ngân hàng, như những nhận định trước đây, tôi vẫn cho rằng động lực tăng trưởng tại nhóm này trong giai đoạn nửa cuối năm là không cao.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích, CTCK VNDIRECT
Trong bối cảnh các ca nhiễm mới hàng ngày đang giảm đi rõ rệt, các thành phố lớn đang nới lỏng dần các biện pháp giãn cách và thông tin vĩ mô quý III đã được công bố, tâm lý nhà đầu tư sẽ phần nào được cải thiện. Do đó, khả năng điều chỉnh mạnh ít xảy ra.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đang trong trạng thái chờ đợi những tín hiệu từ kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết. Và quan trọng hơn nữa, thị trường vẫn đang chờ sự đồng bộ trong các chính sách mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh “thích ứng, an toàn, kiểm soát dịch bệnh.
Nhiều địa phương vẫn đang áp dụng những biện pháp kiểm soát khác nhau, nên các hoạt động vận tải, giao thương, sản xuất cả nước vẫn đang trong quá trình tái khởi động tương đối chậm chạp .
Vì vậy, tôi cho rằng trong ngắn hạn, một hai tuần tới, thị trường sẽ vẫn duy trì xu thế đi ngang hoặc biến động nhẹ trong biên độ hẹp.
GDP quý III/2021 ước tính suy giảm 6,17% so với cùng kỳ. Thực tế, tất cả những điều gì tiêu cực, ảnh hưởng xấu nhất đến thị trường đã phản ánh hết trong quý III/2021. Nên thị trường kỳ vọng tháng 10 cũng là tháng bắt đầu từ quý IV/2021 sẽ có sự khởi sắc hơn. Dù vậy, vẫn có những góc nhìn khá thận trọng về xu hướng thị trường tháng 10 khi cho đây là giai đoạn vùng trũng đầu tư trong năm. Đâu là quan điểm của ông/bà về chiến lược đầu tư cũng như chuyển động dòng tiền trong tháng 10?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Ông Phan Dũng Khánh |
Do xu hướng hiện tại là không tích cực nên nhà đầu tư cần ưu tiên gia tăng tiền mặt trong danh mục đầu tư, hạn chế tối đa margin và cơ cấu lại danh mục dần mỗi khi thị trường phục hồi. Dòng tiền đang khá yếu ở các nhóm ngành đặc biệt ở các cổ phiếu bluechip, do đó giao dịch thận trọng quan sát là cần thiết lúc này.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Tất cả các thông tin kinh tế vĩ mô quý III tiêu cực vừa công bố đã được thị trường nhìn nhận và dự báo từ trước, cả những thông tin kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chuẩn bị công bố cũng vậy, chính vì vậy đã không tác động quá nhiều tới thị trường.
Với việc công tác phòng chống dịch đang dần được nới lỏng, các thông tin vĩ mô quý IV được dự báo khởi sắc hơn cũng khó có thể sẽ là động lực giúp thị trường tăng trưởng.
Ở thời điểm hiện tại, tôi quan tâm nhiều hơn tới xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới, đây có thể sẽ là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới TTCK trong nước thời gian tới. Và với góc nhìn về sự suy yếu của dòng tiền ngắn hạn, tôi sẽ đặt yêu cầu cao hơn về chiến lược phòng thủ trong tháng 10.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích, CTCK VNDIRECT
Theo như quan sát của tôi, quý IV hàng năm là thời điểm các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn bắt đầu xây dựng danh mục đầu tư cho năm mới. Vì vậy bất kỳ sự điều chỉnh của thị trường sẽ tạo ra cơ hội để nhà đầu tư bắt đầu lựa chọn cổ phiếu.
Nhìn ngắn hạn hơn một chút, cụ thể trong tháng 10, tôi cho rằng nhóm các cổ phiếu năng lượng bao gồm dầu khí và điện sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng tiền trong bối cảnh giá dầu đang thiết lập đỉnh cao mới, cũng như nhu cầu tiêu thụ điện sẽ bật tăng khi sản xuất tái khởi động.
Thị trường vẫn kỳ vọng những bluechip được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh quý III/2021 tăng trưởng khả quan hơn so với các nhóm còn lại, sẽ là động lực dẫn dắt thị trường, nhưng thực tế nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt nhóm VN30 vẫn đang giao dịch khá cầm chừng, trong khi nhóm penny vẫn đang hút dòng tiền bất chấp cảnh báo. Vậy nói sự chuyển dịch dòng tiền từ penny sang bluechips ở giai đoạn này có hợp lý không, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Nhóm penny giao dịch tích cực hơn các cổ phiếu khác nhưng đang có sự điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng. Tuy vậy, trong giai đoạn dòng tiền trên thị trường đi xuống, các cổ phiếu bluechip yếu thì kỳ vọng nhóm penny sẽ sớm trở lại và nhóm này cũng thường mạnh trong những lúc thị trường đi ngang, giao dịch trầm lắng hoặc đi xuống.
Mặc dù vậy do đặc điểm cổ phiếu penny vốn biến động mạnh nên nhà đầu tư không nên "tất tay" với nhóm trên, không nên sử dụng margin.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Ông Dương Hoàng Linh |
Nhóm penny thời gian qua đã tăng trưởng khá nóng, mang nhiều yếu tố đầu cơ do đó đây sẽ là nhóm tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhà đầu tư nếu tham gia vào thời điểm này.
Trên thực tế, sự dịch chuyển dòng tiền đã bắt đầu diễn ra thời gian gần đây, khi mà nhà đầu tư cũng đã cảm nhận được rủi ro này. Tôi cho rằng sự dịch chuyển này sẽ tiếp diễn (điều hoàn toàn hợp lý) khi mà dòng tiền được thu hút thêm bởi những kết quả kinh doanh khả quan hơn của các Bluechips và doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích, CTCK VNDIRECT
Trong những giai đoạn thị trường đi ngang, không rõ xu hướng như thời điểm vừa qua, cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã không còn “dễ dàng” do vậy dòng tiền phải tìm đến những cơ hội khác tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Theo quan sát của tôi, đà tăng chung của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thường không kéo dài. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thường có quy mô vốn hóa thấp và có rủi ro cao hơn so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, do đó thông thường đây không phải là lựa chọn đầu tư lâu dài của các nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư lớn.
Và sau đó, đà tăng sẽ phân hóa mạnh, chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp có tình hình kinh doanh thực sự khởi sắc hoặc có câu chuyện thay đổi thật sự hấp dẫn.
Đa phần các doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều lợi thế hơn, bao gồm: lợi thế về quy mô, giá bán, chính sách, lãi suất và cả sức khỏe tài chính. Vì vậy, doanh nghiệp lớn sẽ có khả năng phục hồi mạnh hơn sau giai đoạn khó khăn chung của kinh tế vĩ mô.
Theo tôi quan sát, có nhiều doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính mạnh đã tận dụng thời điểm này để giành thị phần, hoặc mua bán & sáp nhập (M&A) các đổi thủ với chi phí thấp. Vì vậy, tôi cho rằng việc dòng tiền dần sẽ quay lại với cổ phiếu bluechips nhằm đón đầu xu hướng phục hồi trong năm 2022.
Cũng liên quan đến chuyển động nhóm cổ phiếu. Trong tuần qua, nhóm dầu khí vẫn tỏ ra khá nổi trội khi hầu hết các mã liên quan như GAS, PGC, PVS, PVD, BSR... đều có một tuần giao dịch tích cực. Mặc dù vậy, sóng cổ phiếu dầu khí được cho là không bền khi nhiều cổ phiếu trong nhóm vẫn có yếu tố đầu cơ. Trong ngắn hạn, liệu nhóm này có tiếp tục duy trì được đà tăng, hay “nhường sân” cho nhóm cổ phiếu khác?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Nhóm này dù biến động không bằng nhóm penny nhưng có yếu tố an toàn trong lúc này trong bối cảnh giá dầu liên tục lập đỉnh và kinh tế mở cửa trở lại giúp nhu cầu năng lượng cải thiện đáng kể hứa hẹn tiếp tục được hỗ trợ trong thời gian tới kể cả ngắn hạn lẫn trung dài hạn. Các dự báo của các tổ chức quốc tế cũng rất lạc quan về nhu cầu năng lượng gia tăng trong thời gian tới.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Việc đi lên của nhóm này cũng đồng pha với diễn biến tích cực của giá dầu thế giới thời gian qua. Tuy nhiên, vai trò và sự tác động, lan tỏa của nhóm ngành này đến thị trường chung thực tế lại không nhiều nên không thể kỳ vọng là động lực để dẫn dắt thị trường được.
Việc nhóm Dầu khí có tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng hay không thì cần theo dõi thêm về diễn biến giá dầu, dù sao thì xu hướng của giá dầu thế giới hiện nay vẫn được đánh giá là khá tích cực.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích, CTCK VNDIRECT
Nhóm cổ phiếu các ngành như tính chất phụ thuộc vào giá cả hàng hóa như dầu khí, phân bón, than… đều có tính chất chu kỳ mạnh, có tăng và có giảm trong biên độ lớn và thời gian ngắn.
Bà Trần Thị Khánh Hiền |
Khi giá dầu giảm, dòng tiền luân chuyển từ nhóm cổ phiếu dầu khí sang nhóm khác là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tác động của giá dầu lên các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của ngành có độ trễ khác nhau.
Một số doanh nghiệp dầu khí hoạt động ở phân khúc thượng nguồn sẽ cải thiện rõ rệt kết quả kinh doanh trong 2-3 quý tới. Hoặc các doanh nghiệp liên quan đến hạ tầng năng lượng vẫn sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ hàng loạt các dự án phát triển hạ tầng năng lượng trong thời gian tới. Do đó, tôi cho rằng, những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong thời gian tới.
Giai đoạn hiện tại cũng là thời điểm bắt đầu lựa chọn cổ phiếu tốt nhất chuẩn bị cho việc đón đầu triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2022. Việc lựa chọn từ sớm sẽ giúp nhà đầu tư đạt hiệu suất lợi nhuận cao hơn là tham gia khi cổ phiếu đã đi một đoạn khá xa. Còn đâu là chiến lược của các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Sang năm, các nhóm ngành hưởng lợi lớn từ kinh tế mở cửa sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ dù có thể việc mở cửa cũng như nhu cầu không tăng vọt cùng lúc. Tuy nhiên, thị trường luôn phản ứng trước, do đó các nhóm ngành như vận tải, công nghệ, du lịch, hàng tiêu dùng, nhà hàng khách sạn, năng lượng... là các ngành nhà đầu tư nên chú ý.
Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể ứng dụng các công nghệ như Fintech, Blockchain, NFTs, DeFi, Storage, Metaverse... vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thì sẽ còn triển vọng hơn các doanh nghiệp chỉ phát triển theo con đường truyền thống nhất là trong bối cảnh đại dịch đã làm tư duy kinh doanh cũng như nhiều ngành nghề buộc phải chuyển mình.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Rõ ràng hiệu quả lướt sóng ngắn hạn thời gian qua là rất thấp, với dấu hiệu dòng tiền ngắn hạn còn đang tiếp tục suy yếu, tôi cho rằng sẽ rất rủi ro nếu nhà đầu tư đặt nặng các mục tiêu ngắn hạn ở giai đoạn hiện tại.
Tầm nhìn dài hạn cần được chú trọng nhiều hơn trong việc xây dựng chiến lược đầu tư ở thời điểm này, do đó tôi sẽ lưu ý tới việc lựa chọn danh mục và cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng như các mục tiêu về giá để mua tích lũy đón đầu.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích, CTCK VNDIRECT
Thị trường chứng khoán thường phản ánh trước diễn biến vĩ mô, triển vọng kinh doanh trước đó từ 1-2 quý, do đó nhà đầu tư nên hướng đến tầm nhìn xa hơn trong trung hạn thay vì quá chú tâm đến những sự kiện ở thời điểm hiện tại.
Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, định giá của TTCK Việt Nam đã về mức hấp dẫn trong dài hạn với P/E forward 2021 của chỉ số VN-Index ở mức khoảng 16,3 lần tương đương mức P/E bình quân 3 năm, thấp hơn 15% so với mức đỉnh tháng 6/2021 và thậm chí là thấp hơn 25% so với mức đỉnh của năm 2018. So quy mô của TTCK hiện nay, thì định giá của chúng ta tương đối hấp dẫn.
Như tôi đã nói ở trên, bất kỳ sự điều chỉnh của thị trường sẽ tạo là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư bắt đầu lựa chọn cổ phiếu và xây dựng danh mục đầu tư cho năm 2022.