Góc kỹ thuật phiên 23/1: Thời điểm chốt lời hợp lý

(ĐTCK) Với các nhà đầu tư đang sử dụng tỷ lệ margin cao, đây có thể là thời điểm “chốt lời một phần” hợp lý để giảm bớt rủi ro do giai đoạn nghỉ Tết đã đến rất gần.

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 23/1.

CTCK ACB - ACBS

Ngưỡng kháng cự 560 điểm hình thành trong 3 phiên vừa qua có thể tiếp tục cản đà tăng của VN-Index trong các phiên tới.

Ở chiều ngược lại, VN-Index sẽ gặp hỗ trợ ở mức 547, mức Fibonacci 23,6%.

Tương tự, HNX-Index có thể bị chặn dưới ở khoảng 72,4.

Nhìn chung, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng với thị trường ngắn hạn nhưng lạc quan trong dài hạn. Các đợt điều chỉnh giảm sâu hơn, nếu có, là cần thiết để làm mới lại lực cầu trên thị trường.

CTCK FPT - FPTS

Thị trường điều chỉnh sau đợt tăng điểm ấn tượng, VN-Index lùi về 551,92 điểm.

Lực bán mạnh trên toàn thị trường đã kéo đường giá trở lại trong vùng Bollinger Band sau khoảng thời gian dài VN-Index luôn dao động phía trên ngưỡng này.

Nhóm chỉ báo kỹ thuật cũng dần cho tín hiệu điều chỉnh giảm trở lại.

RSI quay đầu khá mạnh hướng xuống ngưỡng 70, cùng chỉ báo nhanh SO cũng cho khả năng sẽ cắt xuống đường tín hiệu trong một vài phiên tới.

Ngưỡng hỗ trợ trong ngắn hạn là khoảng 530 – 535 điểm tạo bởi khoảng Gap-Up được thiết lập sau phiên 17/01.

Đóng cửa trong mức giảm nhẹ 0,15 điểm về 73,42 điểm sau phiên ngày 22/01, HNX-Index đã có một phiên giao dịch khá giằng co trong biên độ lớn.

Cả phiên giao dịch được thể hiện ở một cây nến có bóng khá dài và thân nến hẹp.

Các chỉ báo nhanh dần cho tín hiệu giảm sau đợt liên tiếp tăng lên cho tín hiệu mua mạnh mẽ.

Xu thế giằng co sẽ được tiếp diễn trước khi HNX-Index tiến lên các ngưỡng kháng cự trên.

CTCK Maybank KimEng - MBKE

Chuỗi tăng liên tiếp của VN-Index chính thức dừng lại ở con số 13 phiên - ngang bằng với mức kỷ lục đã thiết lập một năm về trước.

Phiên tăng 22/1 rất có khả năng sẽ khiến VN-Index bước vào pha điều chỉnh ngắn hạn vì:

- Đường giá tạo lập mẫu hình nến Brearish Engulfing – hàm ý sự giảm điểm có thể tiếp diễn.

- Chuỗi tăng điểm liên tiếp trước đó rất dài, việc điều chỉnh “nhiều hơn một phiên” là diễn biến bình thường.

- Nhu cầu giảm margin để tránh chi phí lãi vay sẽ cao hơn trong các phiên tới khi kỳ nghỉ tết kéo dài đang đến gần.

Thanh khoản tăng trở lại, chủ yếu do áp lực chốt lời chủ động diễn ra trên diện rộng toàn thị trường.

Chúng tôi không thay đổi trong đánh giá xu hướng tăng dành cho VN-Index nhưng lưu ý việc chỉ số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục pha điều chỉnh của mình trong các phiên tới.

Tổng quan, nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao trong danh mục do xu hướng tăng chưa thay đổi

Dù vậy, với các nhà đầu tư đang sử dụng tỷ lệ margin cao, đây có thể là thời điểm “chốt lời một phần” hợp lý để giảm bớt rủi ro do giai đoạn nghỉ tết đã đến rất gần. Tỷ trọng đề xuất 40/60 (tiền mặt/cổ phiếu).

HNX-Index giảm nhẹ trở lại trong phiên 22/1.

Xu hướng vẫn là tăng, thể hiện rõ qua các mức đỉnh đáy liền sau cao hơn trên đồ thị giá. Dù vậy, nhiều khả năng đường giá sẽ “lình xình” hơn trong vài ngày tới do ảnh hưởng kỳ nghỉ lễ đang tới gần.

Kháng cự gần nhất của HNX-Index tại 76,8 điểm. Hỗ trợ gần nhất điều chỉnh lên khu vực 72,3 điểm – mức đáy liền trước vừa thiết lập. Hỗ trợ sâu hơn tại 66,7 điểm.

Thanh khoản tăng nhẹ trở lại, chủ yếu do việc nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động chốt lời chủ động.

MACD hiện vẫn đang ủng hộ quá trình tăng điểm của đường giá.

Chúng tôi bảo lưu đánh giá xu hướng tăng dành cho HNX-Index, dù vậy tốc độ tăng có thể sẽ chững lại trong một vài phiên trước tết.

Nhà đầu tư vẫn nên duy trì một tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao trong danh mục vì xu hướng tăng chưa có sự thay đổi. Tỷ trọng đề xuất 40/60 (tiền mặt/cổ phiếu).

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index

Góc kỹ thuật phiên 23/1: Thời điểm chốt lời hợp lý ảnh 1

Nguồn: VCBS

CTCK Bảo Việt - BVSC

VN-Index mất điểm khá mạnh sau khi lập mức cao mới, hình thành mẫu hình xuyên phá (piercing line) mang hàm ý bất lợi cho người mua cổ phiếu.

Mặc dù đóng cửa dưới ½ biên độ giá của phiên giao dịch ngày 21/1 nhưng nó xuất hiện ngay trước một bước tích lũy nên đây không phải là “piercing line” điển hình và có mức độ tin cậy không cao.

Cơ hội phát triển một mẫu hình tích lũy ở vùng giá 550 vẫn để ngỏ bởi khảo sát chỉ báo Advance/ Decline, chúng tôi nhận thấy độ rộng thị trường có khả năng phục hồi trong phiên giao dịch 23/1.

Nếu độ rộng cải thiện, sức ép giảm điểm đối với VN-Index có thể sẽ yếu đi nhiều so vớingày 22/1.

Tuy vậy, số tín hiệu bất lợi của phiên giao dịch ngày 22/1 vẫn tương đối nhiều.

Chỉ báo Price ROC sau một giai đoạn tăng mạnh đã quay đầu sụt giảm sau khi %b của chỉ báo này báo hiệu đà tăng đã giảm tốc rõ rệt. Bản thân %b của VN-Index cũng phân kỳ và cắt xuống dưới ngưỡng “1”, cảnh báo đây có thể là một đỉnh ngắn hạn.

Tổng hợp các tín hiệu, chúng tôi dự đoán hỗ trợ của VN-Index nằm tại 547 điểm.

CTCK MB - MBS

22/1, VN-Index giảm điểm trong phiên và kết thúc ở mức thấp nhất trong ngày.

Chỉ số hình thành một nến đỏ. Khối lượng giao dịch đạt mức trung bình khá.

Ngắn hạn, VN-Index đã tạo một sóng tăng điểm mạnh, bứt khỏi một loạt ngưỡng khãng cự trong vùng 500-515.

Trung hạn, VN-Index đã xuyên qua vùng kháng cự có nhiều hoạt động 500 – 510 để tạo kênh tăng điểm mới. Chỉ số đã từng 3 lần không thể xuyên qua vùng điểm này và tạo đỉnh vào tháng 4, tháng 7 và tháng 8/2013.

HNX-Index giao dịch trên tham chiếu trong phiên nhưng kết thúc phiên giảm điểm nhẹ.

Chỉ số hình thành một nến đỏ. Khối lượng giao dịch đạt mức trung bình khá.

Ngắn hạn, HNX-Index đã tạo một kênh tăng điểm mạnh kể từ giữa tháng 9. Đà tăng mạnh cũng như chỉ số vẫn chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào là một yếu tố rủi ro tương đối. Chỉ số RSI đang nằm trong vùng quá bán.

Trung hạn, sau khi đi lên từ vùng điểm 58 – 59, HNX-Index đã thoát ra khỏi kênh giảm điểm bắt đầu từ tháng 6. Chỉ số đã vượt qua ngưỡng kháng cự 65-66, là đỉnh cũ vào tháng 2/2013 và tháng 6/2013.

CTCK Rồng Việt - VDSC

Đường giá kết phiên 22/1 với nến Engulfing Bear bao trùm thân nến xanh trước đó, đóng cửa ở mức thấp nhất cùng với sự gia tăng về khối lượng cho thấy lực bán chốt lời có phần quyết liệt hơn.

Các chỉ báo kỹ thuật cũng bắt đầu giảm từ vùng quá mua, đường RSI giảm về mức 76, đường cỏ MACD mọc thấp hơn và đường +DI cũng đã quay đầu cho thấy xung lực tăng giá đang giảm dần.

Vùng kháng cự 560 điểm mà chúng tôi có đề cập trong những bản tin trước đang là thử thách khá lớn đối với VN-Index. Quan sát thấy các phiên tăng điểm gần đây có khối lượng giảm dần, trong khi phiên giảm điểm có khối lượng gia tăng mạnh cảnh báo điều chỉnh có thể sẽ tiếp diễn. Trong trường hợp này, mức hỗ trợ cho VN-Index sẽ là vùng 535-540 điểm.

Trên HNX, đường giá HNX-Index kết phiên với nên Spinning Top sau một nến tăng mạnh trước đó cùng với khối lượng tăng lên cho thấy áp lực bán đã mạnh lên đáng kể khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 73,5-74 điểm.

Các chỉ báo kỹ thuật cũng bắt đầu cho tín hiệu cảnh báo điều chỉnh khi đường RSI có phân kỳ âm với đường giá trong vùng quá mua, đường cỏ MACD đã mọc thấp dần qua các phiên gần đây.

Trong trung và dài hạn, HNX-Index vẫn đang tiến tới vùng 79-80 điểm. Trong ngắn hạn, mức kháng cự 74 điểm vẫn là thử thách lớn. Ở chiều ngược lại, các ngưỡng hỗ trợ của HNX-Index lần lượt là 72 điểm và 70 điểm.

CTCK Sài Gòn - SSI

Số mã giảm chỉ chênh so với mã tăng 7 mã nhưng chỉ số lại giảm khá mạnh do khá nhiều mã vốn hóa trung bình tăng giá trong khi những mã giảm lại là các mã vốn hóa lớn.

Cây nến ngày giảm điểm với nến Long Black Candle giảm trở lại sau khi không vượt qua được mốc 560 điểm. Khối lượng giao dịch ở mức 114,74 triệu đơn vị, tăng 25,87% so với phiên trước.

Phiên hiệu chỉnh diễn ra có lợi hơn là thị trường tiếp tục tăng nóng về điểm số và mất đi tính bền vững cho chung cuộc.

Khả năng chỉ số hiệu chỉnh về vùng hỗ trợ 544-550 điểm và cân bằng trở lại.

Dòng tiền chốt lời nhiều khả năng tiếp tục được chuyển sang các mã vốn hóa trung bình có thông tin tích cực hoặc đang tích lũy có lợi thế hơn so với các mã đã tăng mạnh trước đó.

Tin bài liên quan