Sau kiểm toán, doanh thu thuần TTF tăng thêm 17 tỷ đồng, đạt mức 1.045 tỷ đồng, nhưng giá vốn tăng mạnh hơn 85 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp âm hơn so với trước kiểm toán. Chi phí lãi vay giảm còn 85 tỷ đồng (trước kiểm toán là 179 tỷ đồng) nhưng chi phí quản lý cũng tăng mạnh 95 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế lỗ thêm 62 tỷ đồng, ghi nhận âm 715 tỷ đồng.
Theo giải trình của TTF, giá vốn tăng chủ yếu do bổ sung tăng giá vốn hàng tồn kho gần 46 tỷ đồng; phân loại chi phí giá vốn bán bất động sản vào giá vốn hàng bán là 33,5 tỷ đồng; trích lập dự phòng giảm giá rừng trồng 6,4 tỷ đồng.
Còn chi phí tài chính giảm gần 33% nhờ nhóm Công ty được miễn toàn bộ lãi vay phát sinh đến hết ngày 31/12/2018 của cá nhân cho Nhóm Công ty vay với số tiền là 62,8 tỷ đồng.
Với chi phí quản lý tăng 28,4% do liên quan đến trích lập dự phòng bổ sung các khoản phải thu khó đòi lên đến 77 tỷ đồng; điểu chỉnh 18 tỷ đồng đối với các khoản công nợ với CTCP Nông Lâm nghiệp Trường Thành và CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Trường Thành Đắk Nông. Hai doanh nghiệp này đã hoàn thành thủ tục giải thể.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, dự phòng phải thu khó đòi của TTF tăng mạnh từ 190 tỷ đồng lên 405,7 tỷ đồng, chủ yếu do dự phòng trích lập trong năm tăng mạnh lên 224 tỷ đồng.
Đặc biệt, TTF có khoản nợ xấu hơn 421 tỷ đồng, trong đó chỉ có khoảng 15,5 tỷ đồng giá trị có thể thu hồi.
Trong năm, đơn hàng TTF vẫn đang phụ thuộc lớn vào Tập đoàn Vingroup và công ty con, với việc ghi nhận 1.392 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, tỷ trọng lớn bao gồm CTCP Vinhomes 1.105 tỷ đồng.
Theo thoả thuận, Vingroup chỉ định nhóm công ty TTF là nhà cung cấp các sản phẩm gỗ thành phẩm, phục vụ cho các dự án của Vingroup và công ty con, giá trị 16.000 tỷ đồng. Vingroup và công ty con đã ký thoả thuận đặt cọc số tiền lần lượt là 70,4 tỷ đồng và 1.032 tỷ đồng. Số tiền cọc và lãi phát sinh (tính theo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của VCB) được cấn trừ tương ứng 10% giá trị nghiệm thu theo các hợp đồng thi công lắp đặt.
Tại thời điểm cuối năm 2018, TTF còn phải trả liên quan đến sử dụng tài sản để cấn trừ nợ vay 342 tỷ đồng. Cuối tháng 9/2018, TTF sử dụng các tài sản là nhà cửa, máy móc và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm tài sản cấn trừ, thay thế một phần nghĩa vụ nợ đối với ngân hàng Việt Á. Giá trị còn lại tại ngày này là 159,5 tỷ đồng và 66 tỷ đồng để cấn trừ các khoản nợ gốc và lãi vay phaỉ trả với số tiền 252,6 tỷ đồng và 89,85 tỷ đồng.
Theo thoả thuận này, nhóm công ty TTF có quyền mua lại các tài sản cấn trừ trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký thoả thuận và có quyền gia hạn thời gian mua lại không quá 2 lần, mỗi lần không quá 12 tháng.
Đồng thời, vào đầu tháng 10/2018, nhóm TTF và Việt Á Bank đã ký kết hợp đồng thuê lại tài sản (là toàn bộ số tài sản cán trừ) trong vòng 12 tháng.
Tại ngày 31/12/2018, Gỗ Trường Thành đã phân loại lại các tài sản này vào khoản mục tài sản dài hạn khác trên bảng cân đối kế toán hợp nhất với giá trị 226 tỉ đồng, đồng thời cũng ghi nhận một khoản phải trả dài hạn khác liên quan đến việc sử dụng tài sản để cấn trừ nợ vay với số tiền 342 tỉ đồng.