Gỡ “nút thắt” xuất nhập khẩu hàng hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long - trung tâm sản xuất hàng nông, thủy sản lớn nhất nước, đang gặp nhiều khó khăn bởi điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chưa có trung tâm logistics được công nhận

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 18% GDP cả nước. Kim ngạch xuất khẩu chủ yếu từ sản phẩm gạo và thủy sản chế biến, hai mặt hàng này chiếm từ 75-80% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước. Hàng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa  xuất khẩu của ĐBSCL khoảng 17-18 triệu tấn.

Tuy nhiên, 70% trong số này phải chuyển tải về các cảng lớn ở khu vực miền Đông khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10-40%. Nguyên nhân là do hạn chế về luồng nên tàu biển tải trọng lớn (20.000 tấn đầy tải) khó ra vào sông Hậu và trong vùng chưa có trung tâm logistics được công nhận, phần lớn các dịch vụ logistics còn tự phát. Trên 85% các cảng còn phân tán, manh mún, chi phí cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa vùng ĐBSCL.   

Theo Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, vùng ĐBSCL sẽ có một trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30ha đến năm 2020 và trên 70ha đến năm 2030. Tuy nhiên, cho đến nay, ĐBSCL vẫn chưa có trung tâm logistics được công nhận. 

Kết quả khảo sát thực địa gần đây tại ĐBSCL của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cùng nhóm chuyên gia Đại học Fulbright cho thấy, phần lớn các dịch vụ logistics liên quan đến sản xuất, thương mại và cung cấp dịch vụ… được thực hiện một cách tự phát theo truyền thống. 

Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ. Trên 85% các cảng còn phân tán, manh mún, phần lớn có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn/năm... Mặt khác, vấn đề liên kết vùng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, chính điều này đã làm cho chi phí logistics tăng cao. 

Tàu đi 1 ngày mới qua được 26km

Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu được đầu tư với kỳ vọng sẽ thu hút và nâng cao năng lực thông quan hàng hóa cho ĐBSCL, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng, khởi công năm 2009. Trong giai đoạn 1, dự án đã được rót khoảng 6.100 tỷ đồng để thực hiện cải tạo, nạo vét hơn 46km luồng.

Dự án được thông luồng vào năm 2016, cho phép tàu biển có tải trọng 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào các cảng nằm trên sông Hậu. Tuy nhiên, sau chuyến khảo sát các cảng biển ĐBSCL mới đây, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, kênh Quan Chánh Bố nằm trong dự án nói trên đã được Chính phủ quan tâm đầu tư hơn 10 năm, nhưng đến nay, sau khi đã rót vào hàng ngàn tỷ đồng, dường như vẫn chưa phát huy tác dụng. Đa số hàng hóa từ ĐBSCL hiện phải vận chuyển bằng sà lan, còn tất cả các hãng tàu khó tìm đường cho tàu vào khu vực Cần Thơ để ‘ăn hàng’ của các tỉnh trong vùng. 

Theo ông Lam, dự án kênh Quan Chánh Bố nhằm xử lý chuyện bị bồi lấp, nhưng thực tế đến nay không phát huy, thậm chí kênh này bị bồi lấp rất nhiều so với cửa Định An. “Hạ tầng giao thông đang là cản trở lớn của ĐBSCL, việc đầu tư then chốt của Chính phủ cho vùng mặc dù đang triển khai nhưng rất chậm. Nếu như đầu tư vào ĐBSCL một đồng thì tôi nghĩ đồng bằng này sẽ đóng góp lại một tỷ lệ tương xứng, thậm chí còn cao hơn mức bình quân của cả nước, nên tôi nghĩ thời gian tới Chính phủ sẽ quan tâm nhiều hơn” – ông Lam nói.  

Vừa qua, trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát các dự án chuyển tiếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) giai đoạn 2016- 2020, nhu cầu đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 22021-2025, UBND TP. Cần Thơ đã kiến nghị các Bộ, ngành tập trung nguồn lực, hoàn thành các dự án trọng điểm cho vùng ĐBSCL, trong đó sớm triển khai giai đoạn 2 hoàn thành Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn (20.000 tấn đầy tải) thuận lợi, an toàn ra vào sông Hậu (qua kênh Quan Chánh Bố; nạo vét tiếp luồng Định An), đồng thời có giải pháp phân luồng cho tàu hợp lý, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng năng lực khai thác hệ thống cảng, do các cảng từ Cần Thơ đi Singapore, Maylaysia rất gần.

Theo UBND TP. Cần Thơ, hiện tại do bồi lắng, luồng Định An chỉ tàu 3.000 tấn ra vào; luồng kênh Quan Chánh Bố chỉ tàu 7.000- 10.000 tấn ra vào, tàu đi qua 26km trên kênh này mất thời gian 01 ngày; chi phí vận chuyển hàng container từ vùng ĐBSCL qua cảng Cái Mép- Thị Vải (Bà Tịa- Vũng Tàu) tăng thêm 7- 10 USD mỗi tấn hàng.

Tin bài liên quan