Gỡ khó cho nhà thầu tại Dự án Bến Lức - Long Thành: VEC xin điều hòa vốn

Gỡ khó cho nhà thầu tại Dự án Bến Lức - Long Thành: VEC xin điều hòa vốn

Mặc dù chưa thể giải quyết tận gốc khó khăn, nhưng nếu được điều hòa, bổ sung 201 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước năm 2017 sẽ giảm áp lực cho chủ đầu tư Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Thiếu vốn

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật vừa phải phát văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chínhxem xét điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài (ODA) năm 2017 cho một số dự án đường cao tốc cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Cụ thể, Bộ GTVT muốn nhận được sự đồng thuận của các cơ quan quản lý vốn ngân sách để điều chuyển phần vốn ODA năm 2017 đã phân cho Dự án Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây về Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang rất khát vốn. Đề xuất của Bộ GTVT dựa trên kiến nghị của VEC - chủ đầu tư của cả 3 tuyến cao tốc nói trên.

Theo VEC, tháng 1/2017, Bộ GTVT đã có thông báo kế hoạch vốn Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 cho các chủ đầu tư, trong đó, Dự án Bến Lức - Long Thành được giao 1.394,5 tỷ đồng ODA. Tuy nhiên, căn cứ tiến độ thực tế, kế hoạch vốn này sẽ không theo được nhu cầu giải ngân của Dự án Bến Lức - Long Thành.

Để tháo gỡ khó khăn, VEC đã báo cáo Bộ GTVT xem xét bổ sung 674 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài cho Dự án Bến Lức - Long Thành. Đây là phần vốn tối thiểu để duy trì dòng tiền thanh toán cho các nhà thầu tại công trình trọng điểm quốc gia đang trong giai đoạn thi công nước rút.

Tại thời điểm đó, giá trị giải ngân các dự án của VEC còn thấp, nên đề xuất của VEC chưa được chấp thuận và Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án tại. Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát chi 1.219.4 tỷ đồng trong tổng số 1.394,5 tỷ đồng vốn bố trí cho Dự án Bến Lức - Long Thành (đạt 87,44%).

“Với tốc độ thi công đã vào nhịp của 7 gói thầu xây lắp lớn đều có quy mô trên dưới 1.000 tỷ đồng, bước sang nửa đầu tháng 7/2017, VEC sẽ không còn vốn để thanh toán các khối lượng hoàn thành”, lãnh đạo VEC cho biết.

Đây là một nghịch lý, bởi tại dự án có tổng mức đầu tư  1.607 triệu USD, các nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)  và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) luôn cam kết hỗ trợ vốn đúng hạn, đầy đủ cho công trình.

Nguy cơ chậm tiến độ

Hiện việc điều hòa vốn là lối thoát khả dĩ nhất của VEC cho tình trạng vốn kế hoạch nước ngoài bố trí không đủ cho cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo VEC, căn cứ giá trị dự kiến quyết toán và nhu cầu giải ngân thực tế năm 2017 của các dự án, đơn vị này dự kiến các dự án Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ không giải ngân hết kế hoạch năm 2017 được giao.

Theo đó, phần kế hoạch vốn chưa đủ điều kiện giải ngân trong các dự án Nội Bài - Lào Cai và TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây lần lượt là 119,5 tỷ đồng và 91,5 tỷ đồng.

Do đó, trong khi chưa được bố trí vốn bổ sung và để tránh việc khiếu kiện của các nhà thầu, VEC xin điều chỉnh kế hoạch vốn ODA trong phần vốn NSNN năm 2017 từ Dự án Nội Bài - Lào Cai.

“Việc bố trí vốn không kịp thời đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các dự án, đồng thời gây ra những khiếu nại từ các nhà thầu do việc chậm thanh toán. Thực tế, một số nhà thầu đã có thư yêu cầu VEC chi trả phần lãi cho chậm thanh toán”, lãnh đạo VEC cho biết.

Bên cạnh đó, việc thiếu vốn còn khiến công trình trọng điểm quốc gia này khó có thể đưa vào khai thác toàn tuyến theo kế hoạch (năm 2019).

Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 57,1 km, đi qua địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2925/QĐ - BGTVT ngày 8/10/2010.

Tin bài liên quan