Gỡ chiếc “hộp đen” sàn HOSE

0:00 / 0:00
0:00
Ngoài chiếc “hộp đen” không thể nắm rõ của hệ thống thống giao dịch, nhà đầu tư phải thích nghi tình trạng thiếu/chậm thông tin trước hàng loạt bất thường như hiện tượng đơ nghẽn, bảng điện tử đứng hình...
Nhà đầu tư thất vọng với tình trạng nghẽn mạng gần đây trên sàn HoSE. Ảnh: Dũng Minh

Nhà đầu tư thất vọng với tình trạng nghẽn mạng gần đây trên sàn HoSE. Ảnh: Dũng Minh

Giành lại sự chủ động

Trong kiểm thử phần mềm, khái niệm kiểm thử “hộp trắng” và kiểm thử “hộp đen” là hai kỹ thuật thường được nhắc đến, với điểm khác nhau căn bản nằm ở việc người kiểm thử biết hay không biết về thiết kế, cấu trúc dữ liệu hay thuật toán bên trong phần mềm. Làm việc với một “hộp đen” để xem xét tính ổn định hiệu quả khi phần mềm hoạt động là một nghiệp vụ thông thường, nhưng để sửa lỗi, thì lại là một vấn đề nan giải.

Làn sóng tham gia đầu tư chứng khoán mạnh mẽ cuối năm 2020, bên cạnh mặt tích cực cho thấy sự phát triển của nhu cầu đầu tư, thì cũng bộc lộ vấn đề lõi trong hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Dù đã hoạt động trong hơn 20 năm qua, song hệ thống do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan hỗ trợ này vẫn là “hộp đen” với đội ngũ kỹ thuật Việt Nam.

Hơn 20 năm, nhưng chưa thể làm chủ hệ thống lõi, ông Trần Văn Dũng, người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cũng từng đảm nhận vị trí Chủ tịch cả HoSE và HNX, trong một chia sẻ mới đây tại một cuộc tọa đàm về câu chuyện nghẽn lệnh, cũng thừa nhận việc triển khai không quyết liệt đã làm chậm dự án.

Dù đã hoạt động trong hơn 20 năm qua, song hệ thống do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan hỗ trợ này vẫn là “hộp đen” với đội ngũ kỹ thuật Việt Nam.

Nhận được quyết định của Thủ tướng từ năm 2000, nhưng dự án chưa thể làm ngay bởi nhận thức ở thời điểm đó về một hệ thống giao dịch còn thiếu. Đến lúc bắt tay vào làm, cũng vì nhận thức, cơ quan quản lý đặt yêu cầu cao và tính cầu toàn khi muốn tạo ra hệ thống theo kịp thời đại, mở rộng phạm vi, chưa kể những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Hơn nửa năm sử dụng các giải pháp tình thế, từ nâng lô cổ phiếu, khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết chuyển giao dịch, hay gần nhất là lưu ý của công ty chứng khoán về việc quản lý các lệnh hủy/sửa trong khung giờ cao điểm, thì một giải pháp triệt để cuối cùng sắp được triển khai.

Dự kiến, trong những ngày tới, dự án giải quyết tình trạng quá tải hệ thống do HoSE và FPT IS phối hợp thực hiện qua việc xây dựng một hệ thống giao dịch dựa trên hệ thống đang sử dụng ở HNX và chỉnh sửa các nội dung sẽ được đưa vào vận hành. Không chỉ nâng cao năng lực xử lý lên 3-5 triệu lệnh/ngày hay năng lực xử lý lệnh/giây, điều quan trọng mà ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT IS nhấn mạnh, còn là khả năng làm chủ hệ thống trong quá trình giám sát và khắc phục sự cố. Theo đó, sứ mệnh hơn 20 năm phục vụ của hệ thống giao dịch cũ tới đây sẽ nhường lại cho một hệ thống giao dịch mới mà đội ngũ kỹ thuật của Việt Nam có thể làm chủ như một chiếc “hộp trắng”, được hiểu rõ các cấu trúc bên trong của hệ thống và chủ động đáp ứng sự tăng trưởng tiếp theo của thị trường.

Chiếc “hộp đen” thông tin

Nếu nhìn lại hơn một năm trước, khi giá trị giao dịch của thị trường chỉ quanh 6.000 - 7.000 tỷ đồng, sự xuất hiện của những phiên giao dịch tỷ đô trên sàn chứng khoán thời gian qua là điều khó lường trước. Bởi sự phát triển nhanh chóng của thị trường, các thành viên của thị trường, từ cơ quan quản lý, công ty chứng khoán, đến các nhà đầu tư vẫn đang ngày ngày thích ứng để “sống chung” với nhiều sự bất tiện mới phát sinh.

Trong hơn nửa năm qua, ngoài chiếc “hộp đen” không thể nắm rõ của hệ thống giao dịch, nhà đầu tư còn phải thích nghi với tình trạng thiếu/chậm thông tin trước hàng loạt bất thường xảy ra, như hiện tượng đơ nghẽn, bảng điện tử đứng hình, hiển thị sai thực tế.

Lấy ví dụ về trường hợp một công ty chứng khoán đã để xảy ra sự cố khiến khách hàng không thể thực hiện giao dịch ngày 8/6 bởi băng thông kết nối hệ thống giao dịch trực tuyến tăng đột biến. Chưa đầy 24 giờ sau, công ty này đã phải gửi báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai sở giao dịch về sự cố trên.

Nhìn lại các sự cố của HoSE, các thông tin công bố trên trang chủ của sở giao dịch lại rất hạn chế. Như ở thời điểm xảy ra nghẽn lệnh nghiêm trọng dẫn đến bảng điện tử ngưng hiển thị hồi đầu tháng 6, HoSE cũng chỉ công bố công văn dừng giao dịch phiên chiều 1/6 với diễn giải về việc giá trị giao dịch vượt mức 21.700 tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống, cùng thông báo giao dịch trở lại bình thường ở phiên sau.

Mặc dù lãnh đạo của HoSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đăng đàn trả lời báo chí, hay gần nhất là những chia sẻ tại cuộc tọa đàm công khai với sự tham gia của nhiều bên, song kênh truyền thông qua chính trang chủ của HoSE lại bị bỏ qua. Thông tin khi không được đưa đến kịp thời có thể gây nhiều suy đoán và ảnh hưởng đến thị trường vốn phải dựa rất nhiều vào niềm tin này. Thậm chí, đã có những nghi ngờ việc có những khoảng hở để một chủ thể nào đó trục lợi khi giao dịch bị nghẽn.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã có các nhà khoa học, chuyên gia… gửi thư trực tiếp đến lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng ông không có thời gian phản hồi. Điều này cũng phần nào phản ánh nhu cầu thông tin của thị trường là có và rất lớn.

Công sức ngày đêm của cơ quan quản lý, sở giao dịch cùng đội ngũ kỹ thuật để “thần tốc” xây dựng một hệ thống giao dịch thay thế, đặc biệt trong giai đoạn nước rút này, là điều không thể phủ nhận. Nhưng hiện mới ở giữa chiến dịch. Vẫn còn nửa sau khi “hộp đen” hệ thống giao dịch cũ được gỡ để thay thế bằng hệ thống giao dịch mới. Ở chặng đường tiếp theo, phía cơ quan quản lý cũng cần tìm cách để làm tốt hơn, xóa đi khoảng trống thông tin, để giữ được niềm tin của thị trường.

Tin bài liên quan