Ngành kinh doanh chính của GMD khó có thể tăng trưởng lợi nhuận đột biến

Ngành kinh doanh chính của GMD khó có thể tăng trưởng lợi nhuận đột biến

GMD: Chia 1:1 còn xa

(ĐTCK) Một nội dung đáng chú ý được đưa vào biên bản họp ĐHCĐ thường niên ngày 27/5/2014 của CTCP Gemadept (GMD) là ủy quyền cho HĐQT nghiên cứu, xem xét việc chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:1 và trình ĐHCĐ vào một thời điểm thích hợp.

Tỷ lệ đồng ý với nội dung này là 93,8%. Tuy nhiên, có 2 cổ đông ngồi cạnh nhau tại Đại hội, cùng bỏ phiếu giống nhau về các vấn đề khác, đã không đồng ý tán thành nội dung này với tỷ lệ hơn 6%. Điều đó cho thấy, việc chia thưởng cổ phiếu của GMD còn có ý kiến khác nhau từ các cổ đông lớn GMD sau phần tranh luận khá nóng bỏng tại Đại hội.

SCIC, cổ đông đang sở hữu hơn 10 triệu cổ phiếu GMD đã kiến nghị đưa nội dung chia thưởng cổ phiếu vào chương trình làm việc của ĐHCĐ. Ban đầu, SCIC bằng văn bản đề nghị tỷ lệ chia thưởng là 1:2. Nhưng tại Đại hội, đại diện phần vốn góp của SCIC đề nghị tỷ lệ 1:1, với lập luận rằng, Công ty có vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu tới hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó thặng dư vốn cổ phần khá lớn, nên có thể chia 1:1 hay 1:2 đều được. Việc chia tách cổ phiếu nhằm tạo sức ép nhất định lên Ban điều hành, vì với số vốn hiện nay, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lại rất thấp, chỉ khoảng 2 - 4%.

Xét giá cổ phiếu GMD tại thời điểm diễn ra ĐHCĐ là 28.000 đồng/CP, nếu chia tách cổ phiếu tỷ lệ 1:2, giá cổ phiếu GMD trên lý thuyết có thể về dưới mệnh giá, hoặc nếu Công ty không tăng trưởng lợi nhuận tương ứng thì thị giá cổ phiếu có thể ở mức thấp, xếp vào hàng cổ phiếu penny. Nhưng trên thực tế, việc tăng vốn dẫn đến tăng thanh khoản cổ phiếu cũng là một động lực để tăng giá cổ phiếu. 

GMD hiện không phải là cổ phiếu có thanh khoản lớn, vì cơ cấu cổ đông khá cô đặc với các cổ đông lớn, cổ đông tổ chức đã chiếm đến 60% vốn cổ phần. ĐHCĐ vừa diễn ra có hơn 100 cổ đông tham dự chiếm 80,66% vốn cổ phần, nhưng ước tính chỉ cần có khoảng gần 30 cổ đông lớn ngồi lại là đã đủ số cổ phần để tiến hành ĐHCĐ theo quy định.

Trao đổi với ĐTCK, một chuyên gia tài chính cho rằng, với một doanh nghiệp thì vốn chủ sở hữu là quan trọng. Ở các thị trường phát triển, doanh nghiệp thường không muốn tăng vốn điều lệ để bảo vệ quyền lợi cổ đông, bởi trong trường hợp xấu, cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm trên số vốn điều lệ. Hoặc cổ đông có thể nhanh chóng rút khỏi thị trường bằng việc yêu cầu Công ty dùng vốn chủ mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.

“Cổ đông lớn, nếu muốn gia tăng lợi nhuận thì nên đóng góp vào chiến lược phát triển, vào các hoạt động kinh doanh cụ thể. Còn việc chia cổ phiếu tăng vốn để tạo áp lực cho ban điều hành sẽ khó mang lại hiệu quả. Các cổ đông nhỏ lẻ thì lại chuộng chia tách cổ phiếu vì thông thường giá cổ phiếu có thể tăng nhờ tin đó”, chuyên gia này nhận xét. Thực tế, giá cổ phiếu GMD đã tăng khá mạnh, kể từ khi có tin chia thưởng này.

Thông thường, lãnh đạo các doanh nghiệp chỉ chia tách cổ phiếu khi mà lợi nhuận tăng trưởng tương ứng với tỷ lệ tăng vốn. Nếu vốn điều lệ GMD được tăng gấp đôi trong năm sau thì lợi nhuận tăng được bao nhiêu? Năm 2014, kế hoạch của GMD đặt ra là 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó khoảng 50% là lợi nhuận hạch toán khi bán cao ốc Gemadept. Trong quý I/2014, lợi nhuận của GMD tăng khoảng 25% so với cùng kỳ (không tính khoản lợi nhuận bất thường từ bán Vĩnh Hảo của năm ngoái). Giả định không tính lợi nhuận bất thường thì lợi nhuận từ các ngành kinh doanh chính của GMD tăng trưởng 25%/năm.

Ngoài ra, năm nay, GMD có thể tiếp tục hạch toán thêm một khoản lợi nhuận bất thường nếu bán thành công 25% cổ phần trị giá 482,4 tỷ đồng tại CTCP Cảng Cái Mép Gemadept Terminal Link (Gemalink). Việc bán cổ phần của cảng này đang được đàm phán. Nếu giá bán tính bằng ngoại tệ chỉ bằng với giá vốn thì GMD cũng có thể hạch toán thêm một khoản lợi nhuận do chênh lệch tỷ giá. Tỷ giá tại thời điểm GMD mua phần vốn góp này gần 18.000 VND/USD.

GMD còn có “của để dành” có khả năng mang lại lợi nhuận bất thường nữa là khu đất vàng tiếp giáp 2 mặt đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Lợi liên doanh giữa GMD và Saigon Tourist. GMD đang xúc tiến tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh triển khai dự án này.

Cao su cũng là lĩnh vực đầu tư dài hạn có khả năng giúp lợi nhuận của GMD tăng trưởng cao. Nhưng đến năm 2015, GMD mới hoàn tất trồng khoảng 10.000 héc-ta cao su và ước tính 3 năm sau mới có lứa cây trồng đầu tiên khai thác mủ.

Xét riêng ngành kinh doanh chính là logistics và khai thác cảng thì lợi nhuận của GMD tăng trưởng thấp xa so với mức tăng vốn điều lệ lên gấp đôi khi chia cổ phiếu 1:1. Còn nếu trông chờ vào các khoản lợi nhuận đột biến từ bán tài sản, vốn góp ở các dự án thì khả năng hiện thực còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố và thời gian có thể hạch toán lợi nhuận bất thường cũng không thể đưa vào kế hoạch theo ý muốn chủ quan của ban điều hành. Thực tế này đã thấy khi bán vốn góp vào cao ốc Gemadept.

Và như vậy, việc chia thưởng cổ phiếu GMD đã được hé mở, nhưng rất có thể là câu chuyện xa xôi.

Tin bài liên quan