Ảnh Internet
GEM được biết đến là quỹ đầu tư tài chính, đầu tư tại 65 quốc gia, tổng tài sản quản lý hiện lên tới 3,4 tỷ USD. Tiêu chí đầu tư của GEM là những doanh nghiệp mới thành lập từ 3 - 5 năm, hoặc trong giai đoạn phát triển, có doanh thu từ 30 - 150 triệu USD/năm.
Tại Việt Nam, theo những thông tin đã công bố, Quỹ GEM cần chi khoảng 3.484 tỷ đồng để thực hiện các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp đã ký kết. Cụ thể, đầu tháng 2/2014, GEM cam kết thực hiện mua cổ phần HHS thuộc sở hữu của Công ty và của cổ đông lớn, dưới hình thức thu xếp từng lần, theo nhu cầu của Công ty hay cổ đông lớn, với tổng giá trị cho các đợt thu xếp lên tới 200 tỷ đồng trong thời hạn 30 tháng. Đồng thời, GEM cam kết đăng ký mua 4 triệu cổ phần từ cổ đông lớn theo mức giá thoả thuận 31.000 đồng/cổ phần, đồng nghĩa với việc GEM sẽ sở hữu thêm 124 tỷ đồng giá trị cổ phiếu HHS khi giao dịch được thực hiện. Tổng giá trị hợp đồng thoả thuận vào khoảng 324 tỷ đồng (16 triệu USD).
Tại FLC, GEM đã ký cam kết phương án đầu tư 800 tỷ đồng vào FLC dưới hình thức cam kết hạn mức mua cổ phần của Tập đoàn. Đến tháng 8/2014, GEM ký hợp đồng đầu tư 200 tỷ đồng vào FLC dưới dạng thu xếp vốn từng lần, cụ thể GEM sẽ giải ngân 200 tỷ đồng trong vòng 12 tháng cho FLC với mức giá tương đương giá thị trường. Ngoài ra, GEM cam kết thực hiện đăng ký mua 3 triệu cổ phần từ cổ đông lớn theo mức giá thoả thuận 20.000 đồng/cổ phiếu.
Liên tiếp ngay sau đó, GEM tổ chức lễ ký cam kết đầu tư và đối tác chiến lược với một số doanh nghiệp khác. Theo đó, GEM sẽ giải ngân khoảng 400 tỷ đồng để sở hữu 20% vốn tại DLG. Hai bên thống nhất giao dịch đầu tiên với khối lượng 2 triệu cổ phiếu DLG sẽ được thực hiện vào ngày 14/11/2014. Ban lãnh đạo DLG cam kết sẽ hỗ trợ GEM hoàn tất khoản đầu tư còn lại trong vòng tối đa 6 tháng tới.
Tháng 11/2014, GEM cam kết đầu tư 1.700 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD) vào cổ phiếu HAG. Dự kiến, toàn bộ giao dịch sẽ được hoàn tất trong 3 tháng (tức tháng 1/2015).
Điểm đáng chú ý là ngoại trừ trường hợp tại HAG, Quỹ GEM đặt vấn đề với HAG phát hành thêm khoảng 10% vốn cổ phiếu cho riêng GEM. Tuy nhiên, HAG đã không đồng ý và chỉ thống nhất cho mua cổ phiếu qua sàn. Những trường hợp còn lại, không thấy các doanh nghiệp trên “đả động” tới việc sẽ phát hành thêm cổ phiếu để chào bán cho GEM, mà chủ yếu nhắc đến phương thức mua từ cổ đông lớn và mua thông qua sàn.
Nhìn vào lịch sử giao dịch các cổ phiếu trên có thể thấy rõ, thông tin các doanh nghiệp ký kết với GEM đã tạo ra hiệu ứng giao dịch khối lượng lớn và thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp tăng lên trên thị trường. Tuy nhiên, sự hào hứng thường chỉ diễn ra 1 - 2 phiên, sau đó dường như không còn tác dụng.
Cổ phiếu HHS có mức tăng trưởng khá trong khoảng 1 tháng trước khi có tin về GEM, nhưng đã giảm hơn 50% thị giá sau thời gian quỹ này công bố đầu tư. Cổ phiếu DLG có những đợt biến động giá mạnh, tính từ tháng 5 đến tháng 11/2014, thị giá DLG đã có mức tăng gấp đôi, từ 6.000 đồng/cổ phiếu lên 12.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ riêng trường hợp HAG thì thị giá dường như không bị ảnh hưởng bởi hình ảnh của GEM. Chỉ phiên giao dịch ngay sau thông tin ký kết với GEM được công bôsố, HAG có một phiên tăng nổi bật với tốc độ khớp lệnh nhanh, còn lại diễn biến giao dịch không có gì bất thường.
Sau một loạt cam kết và thỏa thuận hợp tác của quỹ ngoại nêu trên, đến thời điểm hiện tại, GEM mới chỉ mua 200.000 cổ phiếu HHS. Tính từ 11/2/2014 đến 28/2/2015, tổng khối lượng cổ phiếu HHS được mua vào theo phương thức khớp lệnh của “nhà đầu tư Tây” chưa đến 1,4 triệu đơn vị. Với thời hạn 30 tháng, GEM còn thời gian để thực hiện cam kết của mình.
Đối với DLG, ngoài thông tin do DLG công bố là Quỹ GEM đã mua 2 triệu cổ phiếu với giá trị 23,2 tỷ đồng, tương ứng 11.600 đồng/CP, đến nay chưa có công bố khác. Đầu tháng 1/2015, DLG bất ngờ được khối ngoại mua ròng 4 triệu cổ phiếu thông qua phương thức thỏa thuận, giá trị mua ròng 41,6 tỷ đồng. Còn theo phương thức khớp lệnh, khối lượng mua vào của nhà đầu tư ngoại đối với cổ phiếu DLG từ 9/8/2014 đến 28/2/2015 cũng không nhiều, hơn 266.000 cổ phiếu. Tổng cộng các con số trên vẫn còn thua xa mục tiêu 29,8 triệu cổ phiếu DLG, tương ứng 20% vốn mà GEM đã cam kết mua, trong khi thời hạn mua trong 6 tháng đã hết.
Số lượng cổ phiếu được mua vào (khớp lệnh) nhiều phải kể đến FLC với hơn 65 triệu cổ phiếu được mua từ 11/2/2014 - 28/2/2015, tổng giá trị mua vào gần 775 tỷ đồng. Còn với HAG, từ 6/11/2014 đến cuối tháng 2/2015, khối ngoại mua vào gần 12 triệu cổ phiếu khớp lệnh, với tổng giá trị hơn 274 tỷ đồng, vẫn còn quá nhỏ so với con số 1.700 tỷ đồng cam kết của GEM.
Dường như những gì GEM thực hiện so với kế hoạch, cam kết tại nhiều DN niêm yết là không đáng kể. Nếu trong thời gian tới, GEM không có động thái mạnh mẽ nào hơn thì phải hiểu thế nào cho phải về bản chất các cam kết mà quỹ này đã ký với HHS, FLC, DLG, HAG?