Theo ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc VIOD, mong muốn lớn nhất của chương trình là hỗ trợ đắc lực cho Hội đồng quản trị (HĐQT) trong vai trò định hướng, giám sát và xây dựng hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế và phát triển bền vững tại các công ty cổ phần, đại chúng ở Việt Nam.
Khóa học diễn ra ngày 8-9/11 thu hút hơn 30 người tham dự là các thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, các cán bộ quản lý cấp cao đến từ các công ty niêm yết, ngân hàng, công ty đại chúng và công ty nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam.
Chương trình này được VIOD hợp tác cùng Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Công ty kiểm toán PwC thiết kế phiên bản tiếng Việt cho các công ty Việt Nam, dựa trên Chương trình ACMP gốc phiên bản tiếng Anh của IFC đã được VIOD cho ra mắt lần đầu tiên vào cuối tháng 5/2018.
Chương trình xoay quanh 2 mục tiêu chính: Thứ nhất, nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản của các yêu cầu, nhiệm vụ và trách nhiệm chính của Ủy ban kiểm toán, cũng như các lĩnh vực chủ yếu của giám sát theo thông lệ quốc tế tốt nhất; thứ hai, cung cấp những hiểu biết về các thực tiễn quan trọng đóng góp cho tính hiệu quả của Ủy ban kiểm toán.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (trái) và ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc VIOD (phải)
Ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT đóng vai trò thiết yếu trong công tác quản trị và giám sát các hoạt động và kết quả kinh doanh của công ty. Theo thông lệ quốc tế tốt, Ủy ban kiểm toán đóng vai trò trung tâm để đảm bảo các hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro được tiến hành cùng với việc duy trì tính trung thực của quy trình báo cáo tài chính.
Luât Doanh nghiệp năm 2014 khuyến khích các công ty cổ phần áp dụng thông lệ quản trị tốt của quốc tế bằng cách đưa ra 2 lựa chọn cho doanh nghiệp: (i) giữ nguyên mô hình Ban kiểm soát hiện có; hoặc (ii) thành lập một Ủy ban kiểm toán (Ban kiểm toán nội bộ) trực thuộc HĐQT với yêu cầu tối thiểu có 20% thành viên độc lập trong HĐQT.
Mô hình Ủy ban kiểm toán ở nhiều nước đã chứng minh được tính hiệu quả đối với các hoạt động quản trị công ty. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, mới chỉ có một số ít các công ty tiên phong thay đổi và áp dụng mô hình có Ủy ban kiểm toán. Trên thực tế, các công ty gặp phải không ít khó khăn trong việc chuyển đổi và thực hiện do thiếu các văn bản tài liệu hướng dẫn, cũng như thiếu các kinh nghiệm triển khai thực tế. Bà Nguyễn Nguyệt Anh, phụ trách Chương trình quản trị công ty Việt Nam của IFC cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường vốn, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiên phong trong việc áp dụng các thông lệ quản trị tốt nhằm tăng tính cạnh tranh và sức hút đối với các nhà đầu tư.
“Chương trình chuyên sâu về Ủy ban kiểm toán này là chương trình đầu tiên nằm trong chuỗi các chương trình quản trị tiên tiến mà IFC đang hỗ trợ kỹ thuật cho VIOD, nhằm giúp HĐQT tăng cường tính hiệu quả trong vai trò giám sát của mình”, bà Nguyệt Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT CTCP Nước và môi trường Bình Dương (BWE) cho biết, công ty ông quyết định cử 4 lãnh đạo chủ chốt tham gia khóa học chuyên sâu về Ủy ban kiểm toán để trang bị nền tảng kiến thức tiên tiến, đồng thời để củng cố quan điểm cần minh bạch và chuẩn mực trong các báo cáo tài chính. BWE đã niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) từ ngày 20/7/2017. Cũng như nhiều doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng khác, mô hình Ủy ban kiểm toán là một điểm mới với BWE, nhưng có nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
“Các ông chủ luôn phải đối diện với nỗi lo mất vốn, nên tôi tin việc trang bị kiến thức tiên tiến cho HĐQT để từ đó có cơ sở xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả từ nội bộ là mong muốn của rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chứ không riêng BWE”, ông Thiền nói.
Chương trình chuyên sâu về Ủy ban kiểm toán nằm trong chuỗi “Chương trình quản trị tiên tiến (GEP)” của VIOD dành cho thành viên HĐQT - là chuỗi chương trình trọng tâm trong hoạt động của VIOD nhằm thúc đẩy tính chuyên nghiệp của HĐQT, nâng cao đạo đức kinh doanh và tính minh bạch tại các doanh nghiệp trong nước.