Đặc biệt, những chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã giúp khu vực này phát triển mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, nhất là thông qua cơ hội việc làm và nguồn thu nhập.
Việc làm đóng một vai trò quan trọng đối với phụ nữ để cải thiện vị thế của họ trong gia đình, cộng đồng và trong xã hội. Việc làm cũng giúp phụ nữ tăng cường quyền tự chủ trong việc ra quyết định và nâng cao tiếng nói.
Trong năm 2015, phụ nữ chiếm 46% số việc làm trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp chính thức. Tỷ trọng lao động nữ trong các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lần lượt là 37,7% và 67,9%, so với mức 32,6% tại các doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là 79% (GSO, 2017).
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Hội Nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HAWASME), 25% doanh nghiệp ở Việt Nam là do phụ nữ làm chủ hoặc được lãnh đạo bởi phụ nữ, cao hơn so với mức trung binh ở Nam Á là 8%; khoảng 5% trong số các tổng giám đốc, giám đốc điều hành của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là phụ nữ. Đây là một con số đáng khích lệ.
Thực tế trên cho thấy, phụ nữ đã và đang có vai trò mạnh mẽ trong hoạt động lãnh đạo và quản lý. Ở Việt Nam, không khó để tìm thấy những chủ tịch, tổng giám đốc công ty, tập đoàn lớn, có tầm ảnh hưởng rộng là phụ nữ như bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh, bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc VietjetAir... Những nhà doanh nghiệp nữ này có tầm ảnh hưởng và khả năng truyền cảm hứng không thua kém các lãnh đạo doanh nghiệp là nam giới trong nước.
Xu thế lãnh đạo là phụ nữ trong khu vực kinh tế tư nhân đã thúc đẩy sự hình thành và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân nữ để ủng hộ vai trò của nữ doanh nhân và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, có thể kể đến như Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam (VAWE), Hội đồng Doanh nhân Việt Nam (VWEC), Hội Nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HAWASME), Hội Nữ Doanh nhân TP. HCM (HAWEE), Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ quyền năng Phụ nữ (VBCWWE)…
Gần đây nhất, các định nghĩa về các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc do phụ nữ lãnh đạo đã được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã trở thành một mục tiêu phát triển. Điều này chứng tỏ sự thành công của công tác vận động, tư vấn chính sách của các doanh nhân nữ và các hiệp hội doanh nghiệp nữ, cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và đối với các doanh nhân nữ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt các nữ doanh nhân tiêu biểu, là thành viên Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 109 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Thủ tướng đề nghị các nữ doanh nhân đóng góp vào nỗ lực “bứt phá, hiệu quả” mà Chính phủ đề ra trong phát triển kinh tế xã hội đất nước năm 2019; có ý chí vươn lên mãnh liệt hơn nữa; thực thi tốt pháp luật, nghĩa vụ với Nhà nước; có ý thức tham gia xây dựng thể chế, pháp luật, đóng góp xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn; không ngừng học hỏi, đổi mới sáng tạo, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, hội nhập tốt hơn; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp tích bảo vệ môi trường...
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành với cộng đồng doanh nhân với tinh thần kiến tạo phát triển; bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, có các chính sách tốt hơn để cải thiện môi trường kinh doanh, để doanh nhân phát huy được lợi thế, giải phóng sức sản xuất, mọi người đều có có cơ hội tham gia sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho xã hội.