Giới đầu tư vẫn còn run sợ

Giới đầu tư vẫn còn run sợ

(ĐTCK) Việc Tổng thống Mỹ ký quyết định đánh thuế 60 tỷ USD với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra trong tương lai, khiến giới đầu sợ hãi đồng loạt bán tháo trong 2 phiên cuối tuần qua.

Nỗi lo về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục khiến giới đầu tư run sợ và phố Wall có phiên lao dốc thứ 2 liên tiếp trong ngày cuối tuần. Chỉ trong 2 phiên giảm điểm cuối tuần, Dow Jones đã mất tới hơn 1.000 điểm, qua đó khiến phố Wall có tuần giảm mạnh nhất hơn 2 năm.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Dow Jones giảm 424,69 điểm (-1,77%), xuống 23.533,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 55,43 điểm (-2,10%), xuống 2.588,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 174,01 (-2,43%), xuống 6.992,67 điểm.

Trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 5,67%, chỉ số S&P 500 giảm 5,95% và chỉ số Nasdaq giảm 6,54%. Đây là tuần giảm thứ 2 liên tiếp của phố Wall và là tuần giảm mạnh nhất từ tháng 1/2016.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp trong phiên cuối tuần do lo ngại về chiến tranh thương mại, trong đó nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng mạnh nhất là cổ phiếu ô tô.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,65 điểm (-0,44%), xuống 6.921,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 213,77 điểm (-1,77%), xuống 11.886,31 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 71,98 điểm (-1,39%), xuống 5.095,22 điểm.

2 phiên lao dốc cuối đã khiến chứng khoán Đức và Pháp chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp, còn chứng khoán Anh có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 3,38%, chỉ số DAX giảm 4,06% và chỉ số CAC 40 giảm 3,55%.

Lo ngại về chiến tranh thương mại cũng khiến giới đầu tư châu Á đồng loạt bán tháo trong phiên cuối tuần qua, đẩy chứng khoán khu vực lao dốc mạnh. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản mất tới 4,5%, xuống mức thấp nhất 5 tháng. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng có phiên giảm mạnh nhất 6 tuần. Chứng khoán Hồng Kông dù thiệt hại ít hơn, nhưng cũng mất 2,45% giá trị trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 23/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 974,13 điểm (-4,51%), xuống 20.617,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 761,76 điểm (-2,45%), xuống 30.309,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 110,72 điểm (-3,39%), xuống 3.152,76 điểm.

Phiên lao dốc cuối tuần đã khiến chứng khoán Nhật Bản chấm dứt 2 tuần tăng liên tiếp, chứng khoán Hồng Kông cũng chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng với mức giảm khá mạnh trong tuần qua. Trong khi chứng khoán Trung Quốc có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 4,88%, chỉ số Hang Seng giảm 3,79%, chỉ số Shanghai Composite giảm 3,58%.

Sự hoảng loạn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, cùng với việc đồng USD giảm mạnh, xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng do lo ngại về chiến tranh thương mại đã giúp giá vàng thăng hoa trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 23/3, giá vàng giao ngay tăng 18,2 USD/ounce (+1,37%), lên 1.346,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 19,9 USD/ounce (+1,50%), lên 1.347,3 USD/ounce.

Nhờ những bất ổn trên thị trường chứng khoán, giá vàng đã đảo chiều tăng mạnh trở lại trong tuần qua sau tuần điều chỉnh nhẹ trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 2,53% và giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 2,54%.

Những bất ổn trên thị trường chứng khoán với lo ngại cuộc chiến thương mại khiến cả giới đầu tư và phân tích đều đánh giá giá vàng sẽ tăng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 20 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 16 người, chiếm 76% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn nhiều con số 37% của tuần trước; có 5 người, chiếm 24% dự báo giảm, thấp hơn nhiều so với mức 42% của tuần trước, không ai dự báo giá vàng đi ngang.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 945 lượt người tham gia, gấp đôi so với tuần trước, trong đó có 575 lượt, chiếm 61% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại, tăng hơn con số 44% của tuần trước đó; có 281 lượt bình chọn, chiếm 30% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn so mức 41% của tuần trước; 89 lượt, chiếm 9% giữ quan điểm trung lập.

Sau thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần trước, cộng với việc đồng USD giảm mạnh đã giúp giá dầu thô bật tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, qua đó có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng mạnh hơn nhiều 2 phiên trước đó.

Kết thúc phiên 23/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,58 USD (+2,40%), lên 65,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,54 USD (+2,19%), lên 70,45 USD/thùng.

Giá dầu thô cũng có tuần thăng hoa với mức tăng lần lượt 5,68% và 6,4% và là tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

Tin bài liên quan