Giới đầu tư trấn tĩnh trở lại sau phiên bán tháo

Giới đầu tư trấn tĩnh trở lại sau phiên bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tăng điểm trong phiên ngày thứ Tư (14//9), khi các nhà đầu tư đã nhấn nút "tạm dừng" sau phiên bán tháo hôm qua.

Cả ba chỉ số chính đều dao động giằng co quanh tham chiếu trong suốt cả phiên, nhưng cuối cùng đóng cửa trong vùng tích cực. Nhưng đều đều không thể khôi phục lại một cách mạnh mẽ số điểm bị mất trong phiên bán tháo ngày thứ Ba.

Dữ liệu mới trong phiên hôm nay là chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 8 của Mỹ tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng giảm 0,1% so với tháng 7, phù hợp với những dự báo và tạm thời đưa ra sự trấn an rằng, lạm phát thực sự đang trên một quỹ đạo giảm và chậm lại.

Nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước khi đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Fed và kịch bản tăng lãi suất ít nhất thêm 0,75% khi kết thúc cuộc họp chính sách của FOMC vào tuần tới gần như đã ở mức 100%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm với triển vọng lãi suất đã tăng từ 3,754% lên 3,782% ngày hôm qua. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm giảm nhẹ từ 3,422% xuống 3,411%. Đường cong lợi suất tiếp tục đảo chiều, tín hiệu dự báo về một cuộc suy thoái.

Phiên này, 6 trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500 tăng điểm, trong đó nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh nhất, nhích 2,9% với sự hỗ trợ từ giá dầu thô tăng do lo ngại về nguồn cung.

Cổ phiếu của Starbucks Corp tăng 5,5% sau khi công ty nâng triển vọng bán hàng và lợi nhuận trong ba năm.

Tesla đã phục hồi, tăng 3,6% vào cùng ngày Tổng thống Joe Biden công bố tài trợ 900 triệu USD cho các trạm sạc xe điện.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số Dow Jones tăng 30,12 điểm (+0,09%), lên 31.135,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,32 điểm (+0,34%), lên 3.946,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 86,10 điểm (+0,74%), lên 11.719,68 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm sau khi lạm phát Mỹ cao hơn dự kiến ​​trong tuần này củng cố quan điểm về việc Fed sẽ có động thái tăng lãi suất lớn.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,84% xuống 417,58 điểm, với các nhóm quan trọng như khai thác giảm 2,3% và công nghiệp giảm 1,5%.

Chris Beauchamp, trưởng nhóm phân tích thị trường tại IG, cho biết: “Chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm khi vẫn chịu dư âm từ lạm phát cao và dự báo tăng tăng lãi suất của Fed cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất thêm 0,75% vào tuần trước và báo hiệu nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống lạm phát.

Với việc ECB mới bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất cùng Fed bắt đầu vào đầu năm nay, STOXX 600 giảm khoảng 14% trong năm nay.

Erik-Jan van Harn, chiến lược gia vĩ mô về thị trường & kinh tế toàn cầu tại Rabobank, Hà Lan cho biết: “Điều thú vị về lạm phát châu Âu là nó đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách, vì vậy chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh ở đâu đó vào cuối năm nay”.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là Nhà sản xuất xe nâng hàng Đức Kion giảm 29,7% xuống mức thấp nhất trong 9 năm, do cảnh báo về lợi nhuận khi công ty phải vật lộn với các vấn đề về chuỗi cung ứng và chi phí cao hơn.

Kết thúc phiên 14/9: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 108,56 (-1,47%), xuống 7.277,30 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 160,95 điểm (-1,22%), xuống 13.028,00 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 23,28 điểm (-0,37%), xuống 6.222,41 điểm.

Giá dầu thô tăng, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có dự báo về một bức tranh kinh tế toàn cầu đang được cải thiện tốt hơn, bất chấp những thách thức về lạm phát, dịch bệnh vẫn ở mức cao… Giá dầu hôm nay còn được hỗ trợ bởi đồng USD yếu hơn.

Kết thúc phiên 14/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,17 USD/thùng (+1,32%), lên 88,48 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,93 USD/thùng (+0,99%), lên 94,10 USD/thùng.

Tin bài liên quan