Phố Wall bắt đầu ngày mới với dữ liệu thất nghiệp tồi tệ hơn, các chỉ số chính lao dốc.
Bộ Lao động Mỹ công bố thống kê cho thấy, có 870.000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 19/9/2002, tăng từ mức 866.000 trong tuần trước. Điều này chỉ ra ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn còn trầm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tuy nhiên, sau đó, thị trường đã phản ứng tích cực trước thông tin về những nỗ lực ban hành thêm biện pháp kích thích kích thích kinh tế của các nhà lập pháp ở Washington.
Đảng Dân chủ tại tại Hạ viện Mỹ tuyên bố đang thúc đẩy một gói kích thích kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD, dự kiến sẽ được bỏ phiếu vào tuần tới. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng nhắc lại rằng, bà sẵn sàng đàm phán với Nhà Trắng để giải quyết chia rẽ.
Cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, tổng cộng có tới 380 tỷ USD từ gói viện trợ kinh tế lớn gần đây nhất nhằm đối phó với đại dịch của Quốc hội Mỹ chưa được sử dụng. Số tiền này có thể được dùng để giúp đỡ các hộ gia đình và doanh nghiệp nếu được các nhà lập pháp chấp thuận.
Mặt khác, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo, doanh số bán nhà mới dành cho hộ gia đình đã tăng lên mức cao nhất trong gần 14 năm vào tháng 8 vừa qua. Doanh số bán các căn nhà đã từng qua sở hữu cũng tăng tiệm cận gần mức cao nhất trong 14 năm.
Cả ba cả số chính đóng phiên tăng điểm dù lao dốc mạnh ở đầu phiên. Giới phân tích cho rằng, bất chấp dữ liệu khá kém, nền kinh tế Mỹ có vẻ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V, có thể nhìn thấy qua doanh số bán ô tô, thị trường nhà ở và chi tiêu tiêu dùng nói chung.
Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Dow Jones tăng 52,31 điểm (+0,20%), lên 26.815,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,67 điểm (+0,2%), lên 3.246,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 39,28 điểm (+0,37%), lên 10.672,27 điểm.
Chứng khoán châu Âu có phiên giảm điểm khi giới đầu tư ồ ạt bán tháo các tài sản rủi ro trước lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ hai khiến phục hồi kinh tế chậm lại trên toàn cầu.
Pháp là quốc gia châu Âu mới nhất áp dụng biện pháp hạn chế để đối phó với làn sóng dịch bệnh mới với việc chính phủ công bố bản đồ "vùng nguy hiểm", đồng thời cho phép chính quyền địa phương ở những vùng này thắt chặt các hạn chế hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, chưa có gói biện pháp kích thích mới cho nền kinh tế Mỹ cũng đè nặng tâm lý thị trường.
Kết thúc phiên 24/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 76,48 điểm (-1,3%), xuống 5.822,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 36,40 điểm (-0,29%), xuống 12.606,57 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 39,64 điểm (-0,83%) xuống 4.762,62 điểm.
Ảnh hưởng từ phiên bán tháo đêm hôm trước tại phố Wall, chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên ngày thứ Năm. Các thị trường đều lo ngại, làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều nơi sẽ phủ bóng đen lên đà phục hồi của nền kinh tế. Đáng chú ý, chứng khoán Hồng Kông đóng cửa ở gần mức thấp nhất trong 4 tháng qua.
Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 258,67 điểm (-1,11%), xuống 23.087,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 56,53 điểm (-1,72%), xuống 3.223,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 431,44 điểm (-1,82%), xuống 23.311,07 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 60,54 điểm (-2,59%), xuống 2.272,70 điểm.
Vàng có phiên giao dịch khởi sắc sau chuỗi 4 phiên lao dốc mạnh. Đà sụt giảm gần đây đẩy giá vàng xuống đáy 2 tháng đã làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý đối với những người săn giá rẻ.
Kết thúc phiên 24/9, giá vàng giao ngay tăng 5,60 USD (+0,30%), lên 1.868,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 5,5 USD (+0,30%), lên 1.864,70 USD/ounce.
Giá dầu tăng bất chấp những lo ngại về sự chậm lại trong qua trình phục hồi kinh tế tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Theo giới quan sát, giá dầu hiện ổn định nhưng áp lực giảm vẫn còn khi dịch bệnh kéo dài và bùng phát dịch trở lại tại châu Âu dẫn đến các hạn chế đi lại mới.
Kết thúc phiên 24/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,38 USD (0,94%), lên 40,31 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,17 USD (+0,41%), lên 41,94 USD/thùng.