Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư tiếp tục hứng khởi

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh tích cực, cùng dữ liệu thị trường lao động khả quan tiếp tục giúp chứng khoán có phiên tăng mạnh.

Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm ấn tượng trong ngày thứ Tư khi giới đầu tư tiếp tục rót tiền mạnh vào nhóm cổ phiếu chip và internet, cùng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố tích cực, đặc biệt là General Motors.

Theo dữ liệu kinh tế vừa công bố, bảng lương trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ tăng thêm 227.000 việc làm trong tháng 10, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2 và vượt qua dự báo 189.000 việc làm của giới phân tích. Trong khi con số của tháng 9 đươc điều chỉnh xuống mức 218.000 việc làm so với mức 230.000 việc làm công bố ban đầu.

Báo cáo chỉ số chi phí lao động cho thấy, tiền lương và tiền công, chiếm 70% chi phí nhân công, tăng 0,9% trong quý III sau khi tăng 0,5% trong giai đoạn trước.

Kết thúc phiên 31/10, chỉ số Dow Jones tăng 241,12 điểm (+0,97%), lên 25.115,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,11 điểm (+1,09%), lên 2.711,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 144,25 điểm (+2,01%), lên 7.305,90 điểm.

Dù hồi phục tốt trong 2 phiên cuối tháng, nhưng trong tháng 10, với nỗi lo chiến tranh thương mại, lãi suất tăng cao và suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp, phố Wall vẫn có tháng giảm mạnh nhất trong nhiều năm. Trong đó, Dow Jones giảm 5,07%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016, S&P 500 giảm 6,94%, mức giảm mạnh nhất 7 năm và Nasdaq mất tới 9,20%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2008.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng mạnh hôm thứ Tư sau khi điều chỉnh trong phiên trước đó. Chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên này nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố như L'Oreal, Sanofi, Standard Chartered và Santander.

Kết thúc phiên 31/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 92,25 điểm (+1,31%), lên 7.128,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 160,12 điểm (+1,42%), lên 11.447,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 114,92 điểm (+2,31%), lên 5.093,44 điểm.

Tương tự, phiên hồi phục cuối tháng cũng không thể cứu chứng khoán châu Âu thoát khỏi tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016. Cụ thể, trong tháng 10, FTSE 100 giảm 5,09%, DAX giảm 6,53% và CAC 40 mất 7,28%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên khởi sắc trước đó của phố Wall, cùng kết quả kinh doanh khả quan của một số tập đoàn lớn vừa công bố giúp chứng khoán Nhật Bản có phiên khởi sắc trong ngày thứ Tư. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng tăng khá tốt trong phiên này nhờ tâm lý nhà đầu tư được cải thiện sau lời hứa từ các nhà quản lý thị trường đại lục.

Kết thúc phiên 31/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 463,17 điểm (+2,16%), lên 21.920,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 394,16 điểm (+1,60%), lên 24.979,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 34,74 điểm (+1,35%), lên 2.602,78 điểm.

Trong tháng 10, chỉ số Nikkei 225 giảm 9,12%, chỉ số Hang Seng cũng mất 10,11%, và Shanghai Composite giảm 7,75%, mức giảm mạnh nhất 4 tháng.

Trên thị trường vàng, việc chứng khoán tiếp tục khởi sắc, cùng đồng USD lên mức cao nhất 16 tháng đã khiến giá vàng có phiên giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn nhiều so với 2 phiên trước đó.

Kết thúc phiên 31/10, giá vàng giao ngay giảm 8,5 USD (-0,70%), xuống 1.214,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 10,3 USD/ounce (-0,84%), xuống 1.215,0 USD/ounce.

Dù điều chỉnh 3 phiên liên tiếp cuối tháng, nhưng nhờ những bất ổn về địa chính trị, giá vàng đã hồi phục trở lại trong tháng 10 sau 6 tháng giảm liên tiếp và là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1. Cụ thể, trong tháng 10, giá vàng giao ngay tăng 1,84%, giá vàng tương lai tăng 1,57%.

Tương tự, đồng USD tăng mạnh, cùng dự báo nhu cầu giảm do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, trong khi sản lượng khai thác vẫn được duy trì khiến giá dầu tiếp tục có phiên giảm mạnh trong ngày thứ Tư và cũng khiến giá loại nhiên liệu này có tháng giảm mạnh nhất trong nhiều năm.

Kết thúc phiên 31/10, giá dầu thô Mỹ giảm 1,33 USD (-2,01%), xuống 64,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,36 USD (-1,79%), xuống 74,59 USD/thùng.

Giá dầu thô cũng có tháng giảm mạnh nhất nhiều năm sau 2 tháng tăng liên tiếp. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 11,47% trong tháng 10, giá dầu thô Brent giảm 9,83%.

Tin bài liên quan