Phố Wall tiếp tục có phiên trái chiều - Ảnh: Reuters

Phố Wall tiếp tục có phiên trái chiều - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư “thở phào” với thông tin tích cực từ Ukraine

(ĐTCK) Thông tin về việc Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở miền Đông Ukraine giữa Kiev và phe ly khai thân Nga giúp giới đầu tư toàn cầu giảm đi mối lo luôn canh cánh bên mình suốt thời gian qua.
Vào chiều 3/9, các phương tiện truyền thông của cả Nga và phương Tây đều đã đăng tin tức về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Poroshenko. Các hãng thông tấn đều cho rằng 2 nhà lãnh đạo đã bước đầu đạt thỏa thuận về lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, sau đó, phía Nga đã đính chính lại là không hề có thỏa thuận ngừng bắn của 2 nhà lãnh đạo Nga và Ukraine do Nga không phải là 1 bên xung đột. Tuy nhiên, 2 tổng thống đã trao đổi để tìm kiếm hướng giải quyết vấn đề.

Thông tin này lập tức đem lại dấu hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ do chịu tác động từ sự sụt giảm của cổ phiếu Apple khi bluechip này có phiên giảm mạnh nhất kể từ 28/1, nên không thể tăng mạnh như chứng khoán Á, Âu, mà có sự trái chiều.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số Dow Jones tăng 10,72 điểm (+0,06%), lên 17.078,28 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,56 điểm (-0,08%), xuống 2.000,72 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 25,62 điểm (-0,56%), xuống 4.572,56 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu với thông tin hỗ trợ trên, cùng với việc đánh cược vào khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế, nên đồng loạt tăng mạnh.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 44,41 điểm (+0,55%), lên 6.873,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 119,47 điểm (+1,26%), lên 9.626,49 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 43,54 điểm (+0,99%), lên 4.421,87 điểm.

Tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á cũng vụt tăng mạnh trong phiên thứ Tư khi thông tin tích cực từ Ukraine được đưa ra. Cùng với đó, chứng khoán châu Á cũng được hỗ trợ từ thông tin kinh tế tích cực từ Mỹ được công bố trước đó.

Kết thúc phiên 3/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 59,75 điểm (+0,38%), lên 15.728,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 568,93 điểm (+2,30%), lên 25.317,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 22,58 điểm (+1,00%), lên 2.288,63 điểm.

Thông tin về tình hình căng thẳng Ukraine có khả năng được giải quyết khiến vai trò trú ẩn của vàng giảm đi. Tuy nhiên, nhờ lực mua bắt đáy, nên kim loại quý này đã hồi nhẹ trở lại trong phiên giao dịch Âu, Mỹ và đóng cửa với mức tăng nhẹ so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 3/9, giá vàng giao ngay tăng 3,50 USD (+0,28%), lên 1.269,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 5,3 USD (+0,42%), lên 1.270,3 USD/ounce.

Những thông tin tích cực từ các nền kinh tế lớn giúp giá dầu nhanh chóng hồi mạnh trở lại sau phiên lao dốc trước đó. Đúng như nhận định của giới phân tích, phiên giảm mạnh trước đó của giá dầu không phải báo hiệu giá nhiên liệu này bước vào đợt suy giảm, mà chỉ là phản ứng từ đợt tăng mạnh thời gian qua.

Kết thúc phiên 3/9, giá dầu thô Mỹ tăng 2,66 USD (+2,78%), lên 95,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,43 USD (+2,36%), lên 102,77 USD/thùng.

Tin bài liên quan