Sau khi chịu chút áp lực do nhóm cổ phiếu chip và bán dẫn gây sức ép, hạn chế đà tăng trong phiên thứ Tư, nhóm công nghệ đã đẩy Nasdaq tăng mạnh trở lạ trong phiên thứ Năm. S&P 500 cũng duy trì đà tăng với sự hỗ trợ của một số cổ phiếu nhóm ngành này, trong khi Dow Jones không thẻ trở lại sắc xanh do sự cản bước của cổ phiếu 3M.
Cụ thể, S&P và Nasdaq nhận được sự hỗ trợ tích cực của Microsoft, khi triển vọng của gã khổng lồ công nghệ về dịch vụ điện toán đám mây vượt qua sự mong đợi của các nhà phân tích, giúp cổ phiếu tăng 2%.
Thậm chí, cổ phiếu Paypal tăng 8,6% sau dự báo lợi nhuận cả năm tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, các cổ phiếu công nghệ khác như Intel cũng tăng mạnh 8%, đặc biệt là cổ phiếu của Lam Research Corp đã tăng 13,9%, đạt mức cao kỷ lục, sau khi nhà sản xuất thiết bị chip dự báo kết quả mạnh mẽ trong quý. Cổ phiếu Tesla Inc tăng 17,7% sau khi nhà sản xuất ô tô điện báo cáo lợi nhuận hàng quý bất ngờ.
Tuy nhiên, cũng có một số cổ phiếu lớn giảm sau kết quả kinh doanh không như kỳ vọng như Amazon giảm 9%, Twitter giảm mạnh 20,8%, Ford Motor giảm 6,6%...
Về dữ liệu kinh tế, báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán nhà mới đã giảm 0,7% xuống mức 701.000 đơn vị được điều chỉnh theo mùa trong tháng 9, phù hợp với kỳ vọng. Tốc độ bán hàng của tháng 8 đã được điều chỉnh xuống 706.000 đơn vị từ 713.000 đơn vị được báo cáo trước đó.
Doanh số bán nhà mới chiếm khoảng 11,5% doanh số của thị trường nhà đất. Doanh số đã tăng 15,5% so với 1 năm trước.
Giá nhà mới trung bình giảm 8,8% xuống còn 299.400 USD trong tháng 9 so với 1 năm trước. So với tháng 8, giá nhà trong tháng 9 giảm 7,9%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2014.
Dữ liệu khác cho thấy, đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm 6.000, tốt hơn dự kiến. Trong khi đó, các đơn đặt hàng lâu bền trong tháng 9 đã giảm hơn mức dự kiến là 1,1% so với kỳ vọng giảm 0,8%.
Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế vừa công bố không có tác động nhiều tới tâm lý nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 24/10, chỉ số Dow Jones giảm 28,42 điểm (-0,11%), xuống 26.805,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,77 điểm (+0,19%), lên 3.010,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 66,00 điểm (+0,81%), lên 8.185,80 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng, thậm chí tăng khá mạnh trong phiên thứ Năm lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2018 sau khi kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp được công bố.
Về kinh tế, dữ liệu công bố vào thứ Năm cho thấy, hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro bị đình trệ vào tháng 10 khi nhu cầu yếu. Dữ liệu được đưa ra trong ngày ông Mario Draghi chủ trì cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trên cương vị Chủ tịch. Ông Draghi sẽ hết nhiệm kỳ thứ 2 của mình vào ngày 31/10. Kế nhiệm ông Draghi là bà Christine Lagarde, cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trong 8 năm lãnh đạo ECB của mình, ông Draghi đã cứu đồng euro khỏi sự sụp đổ.
Kết thúc phiên 24/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 67,51 điểm (+0,93%), lên 7.328,25 điểm. Chỉ số DAX tăng 73,91 điểm (+0,58%), lên 12.872,10 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 30,90 điểm (+0,55%), lên 5.684,33 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì chuỗi tăng ấn tượng của mình trong phiên thứ Năm khi nhóm cổ phiếu công nghệ và bán dẫn hấp dẫn dòng tiền sau khi bị bán mạnh phiên trước. Chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc cũng tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu này, cũng như kỳ vọng vào chính sách kích thích của chính quyền Hồng Kông để thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại do bất ổn chính trị. Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi khi nhà đầu tư thận trọng chờ chính sách quan trọng sẽ được đưa ra tại cuộc họp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tuần tới.
Kết thúc phiên 24/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 125,22 điểm (+0,55%), lên 22.750,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,7 điểm (-0,02%), xuống 2.940,92 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 231,22 điểm (+0,87%), lên 26.797,95 điểm. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 5,04 (+0,24%), lên 2.085,66 điểm.
Giá vàng giao dịch lình xình trong phiên châu Á, châu Âu, nhưng sau đó tăng vọt trong phiên Mỹ khi dữ liệu kinh tế công bố kém khả quan.
Kết thúc phiên 24/10, giá vàng giao ngay tăng 11,6 USD (+0,78%), lên 1.503,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 9 USD (+0,60%), lên 1.504,7 USD/ounce.
Dù dữ liệu kinh tế kém khả quan, nhưng giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ sụt giảm và OPEC cùng các đồng minh khả năng mở rộng thỏa thuận giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 24/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,26 USD (+0,5%), lên 56,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,50 USD (+0,8%), lên 61,67 USD/thùng.