Giới đầu tư thận trọng với chứng khoán tháng 6

Giới đầu tư thận trọng với chứng khoán tháng 6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trở lại sau kỳ nghỉ lễ, Phố Wall khởi đầu tháng 6 với phiên giao dịch ảm đạm vào hôm thứ Ba (1/6) khi giới đầu tư thận trọng hơn với các dấu hiệu lạm phát.

Đầu tháng 6, thị trường đón nhận dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mở rộng tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất. Theo báo cáo do Viện quản lý cung ứng (ISM) công bố, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Mỹ đã tăng lên 61,2 điểm trong tháng 5 từ mức 60,7 điểm trong tháng 4.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, trong khi các đơn đặt hàng mới tăng nhanh thì tốc độ sản xuất và quá trình tuyển dụng nhân công đang chậm lại, là một tín hiệu cho thấy lạm phát đang gia tăng.

Đây cũng là lý do góp phần đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao vào thứ Ba. Các cổ phiếu liên quan đến công nghệ, vốn nhạy cảm hơn khi lợi suất tăng, hầu hết đã có phiên giảm giá.

Dù vậy, chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari và Phó chủ tịch Fed Randal Quarles hôm thứ Ba nhắc lại quan điểm có tính trấn an là giá cả cao hơn sẽ chỉ là tình trạng “tạm thời”.

Trọng tâm của thị trường tuần này sẽ là loạt dữ liệu kinh tế mà đỉnh điểm là bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Mặt khác, dữ liệu sản xuất của Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu về hoạt động sản xuất của khu vực tư nhân của nước này. Theo đó, PMI Caixin/Markit trong lĩnh vực sản xuất tư nhân của Trung Quốc đạt 52 điểm trong tháng 5, cao hơn so với kỳ vọng 51,9 điểm mà các nhà phân tích. Kết quả tháng 5 tăng nhẹ so với con số 51,9 điểm trong tháng 4.

Trong khi đó, theo dữ liệu của IHS Markit, PMI sản xuất của Anh đã tăng lên 65,6 điểm trong tháng 5 từ mức 60,9 điểm vào tháng 4, ghi nhận mức đọc cao nhất kể từ năm 1992. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực đồng euro đã giảm trong tháng 4, ngay cả khi các hạn chế Covid-19 tiếp tục khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoặc tạm ngừng dịch vụ.

Kết thúc phiên 1/6, chỉ số Dow Jones tăng 45,86 điểm (+0,13%), lên 34.575,31 điểm. Chỉ số S&P giảm 2,07 điểm (-0,05%), xuống 4.202,04 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,26 điểm (-0,09%), xuống 13.736,48 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng cao trong phiên ngày thứ Ba khi giá kim loại và dầu tăng mạnh thúc đẩy cổ phiếu của các công ty hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, thị trường được thúc đẩy bởi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của eurozone mở rộng với tốc độ kỷ lục trong tháng 5.

Theo IHS Markit, trong tháng 5 vừa qua, hoạt động sản xuất của eurozone tăng 63,1, cao hơn ước tính 62,8 ban đầu. Đây là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu IHS Markit khảo sát lĩnh vực sản xuất từ tháng 6/1997. Khảo sát của IHS Markit cho thấy, tăng trưởng của eurozone có thể đã nhanh hơn nếu không xảy ra tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, khiến chi phí đầu vào tăng.

Kết thúc phiên 1/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 57,85 điểm (+0,82%), lên 7.080,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 126,12 điểm (+0,95%), lên 15.567,36. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 42,23 điểm (+0,66%), lên 6.49,40 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong phiên đầu tiên của tháng 6 khi giới đầu tư đứng lại chờ đợi các báo cáo kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, khi các nhà đầu tư ủng hộ chính sách ba con mới nhất của Bắc Kinh.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các công ty công nghệ lớn, vốn đã giảm sâu trong tháng 5, do ảnh hưởng từ đợt trấn áp về tình trạng cạnh tranh độc quyền từ Bắc Kinh.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ ba liên tiếp, khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với dữ liệu xuất khẩu.

Kết thúc phiên 1/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 45,74 điểm (-0,16%), xuống 28.814,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,24 điểm (+0,26%), lên 3.624,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 316,20 điểm (+1,08%), lên 29.468,00 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 17,95 điểm (+0,56%), lên 3.221,87 điểm.

Giá vàng phiên ngày thứ giảm trong phiên đêm qua khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, đồng thời thị trường thận trọng tập trung vào dữ liệu kinh tế Mỹ, dự kiến được công bố vào cuối tuần này.

Kết thúc phiên 1/6, giá vàng giao ngay giảm 7,60 USD (-0,31%), xuống 1.899,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 0,30 USD (-0,02%), xuống 1.905,00 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên đầu tháng 6, nhờ kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu tăng trong mùa lái xe mùa hè ở Mỹ và dữ liệu kinh tế tích cực.

Theo GasBuddy, nhu cầu xăng của Mỹ vào hôm Chủ nhật tuần qua, trùng với kỳ nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm, đã tăng 9,6% so với mức trung bình của 4 chủ nhật trước đó. Đây cũng nhu cầu chủ nhật cao nhất kể từ mùa hè năm 2019.

Trong khi đó, một nguồn tin của OPEC+ cho biết, của tổ chức đã nhất trí tiếp tục hoãn việc nới lỏng nguồn cung cuộc họp vào thứ Ba, khi các nhà sản xuất xem xét cân bằng sự phục hồi nhu cầu dự kiến ​​so với khả năng gia tăng nguồn cung Iran.

Kết thúc phiên 1/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,40 USD (+2,1%), lên 67,72 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,93 USD (+1,30%), lên 70,25 USD/thùng.

Tin bài liên quan