Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư thận trọng trước nhiều tin xấu mới

(ĐTCK) Bạo lực gia tăng ở Hồng Kông, cùng tương lại mờ mịt của một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung khiến giới đầu tư thận trọng, đẩy các thị trường chứng khoán giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới (11/11).

Sau khi duy trì được sắc xanh trong phiên cuối tuần trước nhờ kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp, phố Wall đã quay đầu giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới khi triển vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung mờ nhạt dần.

Bạo lực gia tăng ở Hồng Kông cũng khiến nhà đầu tư thêm lo lắng về những bất ổn địa chính trị toàn cầu, góp phần đẩy phố Wall đảo chiều trong phiên đầu tuần.

Tuy nhiên, Dow Jones may mắn kịp trở lại trên tham chiếu, đóng cửa với sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ từ đà tăng vọt của cổ phiếu Boeing. Cổ phiếu Boeing tăng mạnh 4,5% sau khi nhà sản xuất máy bay này cho biết, các nhà quản lý Mỹ sẽ phê duyệt việc quay trở lạy của dòng máy bay 737 MAX và dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trở lại từ tháng 1/2020.

Các nhà đầu tư chờ đợi bài phát biểu của Tổng thống Trump vào ngày thứ Ba tại Câu lạc bộ kinh tế New York.

Kết thúc phiên 11/11, chỉ số Dow Jones tăng 10,25 điểm (+0,04%), lên 27.691,49 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,07 điểm (-0,20%), xuống 3.087,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 11,04 điểm (-0,13%), xuống 8.464,28 điểm.

Tình hình bạo lực gia tăng ở Hồng Kông, cùng triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung mờ mịt trở lại khiến chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, đà tăng cũng được hãm đi khá nhiều trong nửa cuối phiên chiều nhờ dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu phòng thủ.

Kết thúc phiên 11/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,84 điểm (-0,42%), xuống 7.328,54 điểm. Chỉ số DAX giảm 30,19 điểm (-0,23%), xuống 13.198,37 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 4,12 điểm (+0,07%), lên 5.893,82 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, bạo lực leo thang tại Hồng Kông khiến chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất 4 tháng và 3 tháng. Bạo lực tại Hồng Kông cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường xung quanh, khiến chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 11/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 60,03 điểm (-0,26%), xuống 23.331,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 54,21 điểm (-1,83%), xuống 2.909,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 724,59 điểm (-2,62%), xuống 27.926,55 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 13,14 điểm (-0,61%), xuống 2.124,09 điểm.

Dù bất ổn địa chính trị và thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung mịt mờ, chứng khoán điều chỉnh, nhưng giá vàng vẫn không có động lực để đi lên, mà tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 11/11, giá vàng giao ngay giảm 13,0 USD (-0,89%), xuống 1.455,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,8 USD (-0,40%), xuống 1.457,1 USD/ounce.

Giá dầu thô điều chỉnh giảm trong phiên đầu tuần mới khi triển vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung lại gặp những trắc trở.

Kết thúc phiên 11/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,38 USD (-0,66%), xuống 56,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,33 USD (-0,53%), xuống 62,18 USD/thùng.

Tin bài liên quan