Giới đầu tư thận trọng trước mùa báo cáo quý III

Giới đầu tư thận trọng trước mùa báo cáo quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi đầu tuần mới không mấy thuận lợi với phiên giảm điểm vào thứ Hai (11/10) khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng bao trùm nền kinh tế, giới đầu tư lo lắng hơn trước khi bắt đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III, bắt đầu với JPMorgan Chase & Co. vào thứ Tư (13/10).

Cổ phiếu của JPMorgan giảm 2,1% và nằm trong số những cổ phiếu kéo lùi S&P 500 mạnh nhất trong phiên cùng với Amazon.com giảm 1,3%.

“Thị trường có chút thận trọng khi bước vào mùa báo cáo quý này. Các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều công ty và một số ngành nhất định”, Tim Ghriskey, chiến lược gia đầu tư tại Inverness Counsel, New York, nhận định.

Mùa báo cáo quý III nhiều khả năng dẫn đến một tháng biến động trên Phố Wall sau tháng 9 ảm đạm. Các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 sẽ tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước trong quý III, theo dữ liệu của Refinitiv tính đến hôm 8/10.

Sau phiên giằng co, ba chỉ số chính của Phố Wall đảo chiều lao dốc mạnh vào cuối phiên và kết thúc trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu năng lượng tăng trong phần lớn thời gian phiên khi giá dầu nhảy vọt, nhưng cũng đảo chiều cùng với thị trường chung vào cuối phiên.

Trong phiên giao dịch ngoài giờ, cả S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đều đang đi xuống.

Kết thúc phiên 11/10, chỉ số Dow Jones giảm 250,19 điểm (-0,72%), xuống 34.496,06 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,15 điểm (-0,69%), xuống 4.391,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 93,34 điểm (-0,64%), xuống 14.486,20 điểm.

Đà phục hồi mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu khai khoáng vào thứ Hai đã thúc đẩy chứng khoán châu Âu leo dốc bất chấp những lo lắng về lạm phát và mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới.

Với mùa báo cáo quý III dự kiến ​​bắt đầu trong tuần này, các nhà đầu tư lo lắng về việc chi phí năng lượng tăng nóng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty. Theo dữ liệu của Refinitiv, lợi nhuận của các công ty niêm yết châu Âu dự kiến tăng 45,6%.

Kết thúc phiên 11/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 51,30 điểm (+0,72%), lên 7.146,85 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 6,99 điểm (-0,05%), xuống 15.199,14 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 40,20 tăng 10,55 điểm (+0,16%), lên 6.570,54 điểm.

Trong tuần, FTSE 100 tăng 0,97%, DAX tăng 0,33%, CAC 40 giảm 0,65%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ ba liên tiếp khi đồng JYP giảm giá mạnh thúc đẩy nhóm cổ phiếu xuất khẩu.

Chứng khoán Trung Quốc ít thay đổi khi đà tăng của cổ phiếu bất động đã bù đắp cho những lo ngại về nguồn cung điện thiếu hụt gần đây.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức cao nhất trong gần 4 tuần khi cổ phiếu Alibaba và Meituan nới đà đi lên.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Hàn văn.

Kết thúc phiên 11/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 449,26 điểm (+1,60%), lên 28.498,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,46 điểm (-0,01%), xuống 3.591,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 487,24 điểm (+1,96%), lên 25.325,09 điểm.

Giá vàng đêm qua suy yếu trong bối cảnh đồng USD phục hồi, kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng chậm lại.

Goldman Sachs hôm thứ Hai đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 từ 5,7% xuống còn 5,6% và từ 4,4% lùi về 4% vào năm 2022.

Kết thúc phiên 11/10, giá vàng giao ngay giảm 3,30 USD (-0,19%), xuống 1.753,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,70 USD (-0,10%), xuống 1.755,70 USD/ounce.

Giá dầu hôm thứ Hai tiếp tục tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu phục hồi, bên cạnh tình trạng thiếu điện và khí đốt ở các nền kinh tế chủ chốt như Trung Quốc.

Tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch khiến nhu cầu năng lượng tăng vọt, trùng vào thời điểm sản lượng dầu chững lại do các quốc gia sản xuất cắt giảm sản lượng theo thoả thuận được thiết lập trong đại dịch.

Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ hôm thứ Hai cho biết, Nhà Trắng kêu gọi các nước sản xuất dầu “hành động nhiều hơn nữa” cũng như họ đang theo dõi chặt chẽ giá dầu và xăng OPEC+ đã và đang kìm hãm việc gia tăng nguồn cung ngay cả khi giá tăng.

Giá điện cũng tăng lên mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây do tình trạng thiếu năng lượng trên diện rộng ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Giá khí đốt tự nhiên tăng cao khiến các nhà máy phát điện chuyển sang chạy dầu.

Kết thúc phiên 11/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,17 USD (+1,5%), lên 80,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,26 USD (+1,5%), lên 83,35 USD/thùng.

Tin bài liên quan