Phiên đầu tuần mới, thị trường đón nhận các thông tin kinh tế trái hỗn hợp. Một báo cáo của Viện quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy, sản xuất có sự tăng trưởng trong tháng 5. Các dữ liệu khác cho thấy, chi tiêu xây dựng tăng mạnh trong tháng 4, nhưng chi tiêu tiêu dùng lại không tăng.
Với các dữ liệu vừa công bố trên, theo mô hình dự báo tăng trưởng GDP của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Atlanta cho thấy, GDP quý II của Mỹ tăng 0,8%.
Với các thông tin trên, giới đầu tư đang tìm cách phán đoán quyết định tăng lãi suất của Fed. Chủ tịch Fed khu vực Boston, ông Eric Rosengren cho biết, có rất ít bằng chứng về sự phục hồi của nền kinh tế, do đó Fed không quyết định tăng lãi suất trong năm nay.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra rất thận trọng, vì vậy phố Wall chỉ phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần mới sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 1/6, chỉ số Dow Jones tămg 29,69 điểm (+0,16%), lên 18.040,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,34 điểm (+0,21%), lên 2.111,73 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 12,90 điểm (+0,25%), lên 5.082,93 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngày Chủ nhật đã qua đi mà Hy Lạp không đạt được thỏa thuận nào với các chủ nợ như tuyên bố của lãnh đạo quốc gia này trong tuần trước. Điều này khiến giới đầu tư cũng thận trọng trong phiên đầu tuần mới, các chỉ số chính chủ yếu giằng co quanh mốc tham chiếu và chỉ khẳng định được mức tăng nhẹ vào cuối phiên nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bất động sản và chăm sóc sức khỏe. Nhóm cổ phiếu dược tăng mạnh sau khi liệu pháp chữa trị thuốc Atezolizumab kết hợp với hóa trị liệu, 2/3 số bệnh nhân ung thư phổi cho kết quả khả quan.
Kết thúc phiên 1/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,85 điểm (-0,44%), xuống 6.953,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 22,23 điểm (+0,19%), lên 11.436,05 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 17,41 điểm (+0,35%), lên 5.025,30 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản duy trì phiên tăng điểm thứ 12 liên tiếp và vẫn giống như các phiên trước, mức tăng của phiên đầu tuần mới rất khiêm tốn. Đây là chuỗi tăng điểm dài nhất của Nikkei 225 kể từ tháng 2/1988. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc cũng có phiên hồi mạnh trở lại đầu tuần, nhất là chứng khoán Trung Quốc tăng tới gần 5%, lấy lại gần hết những gì đã để mất trong phiên bán tháo thứ Năm tuần trước.
Phiên tăng mạnh này của chứng khoán Trung Quốc bắt nguồn từ những phân tích của các chuyên gia trên các phương tiện truyền thông rằng, xu hướng tăng điểm của chứng khoán Trung Quốc chưa hết. Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, muốn nhìn thấy một "khỏe mạnh" thị trường chứng khoán đã kích thích nhà đầu tư ồ ạt mua trở lại.
Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất 6 tháng, dù nhu cầu xuất khẩu tiếp tục giảm.
Kết thúc phiên 1/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 6,72 điểm (+0,03%), lên 20.569,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 172,97 điểm (+0,63%), xuống 27.597,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 216,99 điểm (+4,71%), lên 4.828,74 điểm.
Sau 2 phiên hạ nhiệt nhẹ cuối tuần trước, đồng USD đã tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới với chỉ số USD tăng 0,53%, lên 97,418. Việc đồng USD tăng mạnh, cùng giá dầu giảm đã tác động không tích cực lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới và vẫn chưa thể lấy lại được ngưỡng 1.200 USD/ounce.
Kết thúc phiên 1/6, giá vàng giao ngay giảm 1,2 USD (-0,10%), xuống 1.188,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2 USD/ounce (-0,17%), xuống 1.188,3 USD/ounce.
Đồng USD tăng mạnh, cùng với nỗi lo nguồn cung gia tăng khiến giá dầu thô đảo chiều giảm trở lại sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 1/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,1 USD/thùng (-0,17%), xuống 60,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,68USD (-1,05%), xuống 64,88 USD/thùng.