Đầu tuần, các nhà đầu tư tìm kiếm những tín hiệu mới từ Fed về lạm phát, sau khi nhiều dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang lấy lại động lực tăng trưởng nhưng không quá nóng.
Trong khi Fed luôn trấn an rằng, bất kỳ sự gia tăng liên quan đến lạm phát nào cũng sẽ chỉ là tạm thời, các nhà hoạch định chính sách vẫn có những động thái cho thẩy có thể bắt đầu thảo luận về việc giảm mua trái phiếu tại cuộc họp định kỳ vào giữa tuần này.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích không mong đợi một quyết định được đưa ra trước hội nghị thường niên Jackson Hole - Wyoming của ngân hàng trung ương vào tháng 8. Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách ôn hòa của Fed đều có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Mặt khác, các cổ phiếu liên quan đến công nghệ tăng trưởng cao, vốn là tâm điểm của đợt bán tháo do lo ngại tỷ giá tăng, đã lấy lại vị thế trong tháng này.
Phiên đêm qua, nhà đầu tư đổ dồn sự chú ý vào cổ phiếu công nghệ khiến Nasdaq có phiên tăng thứ 6 trong 7 phiên vừa qua. Động lực đáng chú ý nhất đến từ cổ phiếu Tesla.
Tesla đã tăng 1,3% khi CEO Elon Musk hôm 13/6 đăng đàn trên Twitter cho biết, nhà sản xuất ô tô điện sẽ tiếp tục các giao dịch bitcoin sau khi xác nhận rằng những thợ đào tiền sử dụng năng lượng sạch hợp lý. Đồng bitcoin cũng đã tăng trở lại trên 40.000 USD theo những dòng trạng thái của Musk.
Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Dow Jones giảm 85,85 điểm (-0,25%), xuống 34.393,75 điểm. Chỉ số S&P tăng 7,71 điểm (+0,18%), lên 4.255,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 104,72 điểm (+0,74%), lên 14.174,14 điểm.
Chứng khoán châu Âu hầu hết tăng điểm trong phiên ngày thứ Hai khi cổ phiếu năng lượng tăng mạnh nhờ nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường dầu mỏ, trong khi kỳ vọng về chính sách tiền tệ tiếp tục dễ chịu ngay cả khi tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu đang nhanh hơn.
Kết thúc phiên 14/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 12,62 điểm (+0,18%), lên 7.146,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 19,63 điểm (-0,13%), xuống 15.673,64. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 15,69 điểm (+0,24%), lên 6.616,35 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng khi cổ phiếu của nhà sản xuất lốp xe và vận tải bứt tốc nhờ kỳ vọng kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ hơn.
Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Tết Đoan Ngọ.
Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ, khi giới đầu tư hạn chế mở vị thế trước cuộc họp chính sách của Fed trong tuần này.
Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 231,07 điểm (+0,74%), lên 29.161,80 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 2,81 điểm (+0,08%), lên 3.252,13 điểm.
Giá vàng phiên đầu tuần tiếp tục lao dốc trong bối cảnh đồng bitcoin tăng giá dữ dội và lãi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt từ mức 1,45% lên 1,5%.
Kết thúc phiên 14/6, giá vàng giao ngay giảm 11,90 USD (-0,63%), xuống 1.865,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 13,70 USD (-0,73%), xuống 1.865,90USD/ounce.
Giá dầu hầu như không thay đổi trong phiên ngày thứ Hai sau khi chạm mức cao nhất trong hơn hai năm vào cuối tuần trước. Việc sản lượng dầu thô của Mỹ tăng và việc mở cửa nền kinh tế sau đại dịch tại Anh bị trì hoãn đang làm giảm kỳ vọng đôi chút về tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu.
Ngoài ra, thị trường phản ứng tiêu cực với dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho rằng, sản lượng dầu đá phiến, chiếm hơn 2/3 sản lượng của Mỹ, dự kiến sẽ tăng khoảng 38.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 tới, nâng tổng sản lượng lên khoảng 7,8 triệu thùng/ngày.
Kết thúc phiên 14/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,03 USD (-0,04), xuống 70,88 USD/thùng. giá dầu thô Brent tăng 0,17 USD (+0,23), lên 72,69 USD/thùng.