Giới đầu tư thận trọng, phố Wall giảm điểm

Giới đầu tư thận trọng, phố Wall giảm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thứ Tư (9/6), Phố Wall có phiên giảm điểm ngay trước thềm báo cáo lạm phát được công bố.

Chứng khoán Mỹ vẫn mắc kẹt trong một phạm vi giao dịch nhất định trong bối cảnh thị trường tập trung vào báo cáo lạm phát sắp được công bố.

Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ vào sáng 10/6 ​​sẽ là sự kiện chính trong tuần này. Các chuyên gia dự báo, CPI ​​sẽ tăng 0,5% trong tháng 5 và 4,8% trong năm nay. Tháng 4, CPI tăng nóng hơn dự kiến đã khiến các thị trường tài chính chao đảo trong một khoảng thời gian ngắn.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ phiên đêm qua giảm xuống còn 1,49%, mức thấp nhất kể từ tháng 3.

Lợi tức kỳ hạn 10 năm giảm xảy ra bất chấp chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh vào tháng 4, một thước đo lạm phát phổ biến, khiến các nhà đầu tư lo lắng về lạm phát vào cảnh báo cao về khả năng tăng giá ngoài tầm kiểm soát.

Tại Washington, các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và một nhóm thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa về gói chi tiêu cơ sở hạ tầng đã bị phá vỡ hôm 9/6. Nhà Trắng và Thượng nghị sỹ Shelley Moore Capito, đại diện nhóm nghị sỹ trên, cho biết hai bên không thống nhất được mục tiêu của dự luật liên quan việc đầu tư tài chính nâng cấp hệ thống cầu đường, phương tiện giao thông công cộng, các bến cảng, mạng lưới Internet và nhiều hạ tầng quan trọng khác trên quy mô toàn quốc.

Tổng thống Joe Biden vẫn đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận về vấn đề này với một nhóm các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Cơn sốt “cổ phiếu meme” vẫn âm ỉ khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ đồn sự chú ý vào một cổ phiếu khác và lần này là Clean Energy Fuels, đẩy cổ phiếu này vọt hơn 31% trong phiên. Cổ phiếu Clover Heath, vốn leo dốc hơn 85% trong phiên 9/6, lao dốc 23% trong phiên đêm qua. Cổ phiếu AMC Entertainment Holdings cũng ghi nhận giảm 10,37%.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Dow Jones giảm 152,68 điểm (-0,44%), xuống 34.447,14 điểm. Chỉ số S&P giảm 7,71 điểm (-0,18%), xuống 4.219,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 13,16 điểm (-0,095%), xuống 13.911,75 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục giao dịch cầm chừng khi nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ và cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)

Lo ngại về lạm phát gia tăng vẫn còn trong tâm trí các nhà đầu tư sau khi dữ liệu trước đó cho thấy giá bán tại các nhà máy của Trung Quốc tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong hơn 12 năm vào tháng 5 do giá hàng hóa, nguyên vật liệu tăng.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 14,08 điểm (-0,20%), xuống 7.081,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 59,46 điểm (-0,38%), xuống 15.581,14. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 12,44 điểm (+0,19%), lên 6.563,45 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm do áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu vận tải và chất bán dẫn, vốn đã có đợt tăng mạnh gần đây nhờ nhu cầu liên tục tăng trên toàn cầu.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ sự thúc đẩy ở nhóm cổ phiếu than và tài nguyên.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do các công ty công nghệ suy yếu, sau khi chịu ảnh hưởng từ việc Mỹ thông qua một dự luật cải tổ sâu rộng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh với công nghệ từ Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do các cổ phiếu công nghệ lớn suy yếu và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh, với tâm lý tránh đặt cược lớn trước dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 102,76 điểm (-0,35%), xuống 28.860,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,29 điểm (+0,32%), lên 3.591,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 38,75 điểm (-0,13%), xuống 28.742,63 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 31,65 điểm (-0,97%), xuống 3.216,18 điểm.

Giá vàng đêm qua giảm nhẹ bất chấp lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh. Tâm lý chờ đợi báo cáo lạm phát bao trùm toàn bộ thị trường tài chính, bao gồm cả thị trường kim loại quý.

Kết thúc phiên 9/6, giá vàng giao ngay giảm 4,50 USD (-0,24%), xuống 1.888,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,10 USD (+0,06%), lên 1.895,50 USD/ounce.

Giá dầu ổn định trong phiên thứ Tư khi dữ liệu tồn kho của Mỹ cho thấy lượng xăng tồn kho tăng do nhu cầu nhiên liệu giảm sút sau ngày lễ Tưởng niệm của Mỹ vào cuối tháng 5, theo truyền thống là đầu mùa lái xe cao điểm.

Ngoài ra, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nâng mức dự báo mức tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ lên mức 1,48 triệu thùng/ngày trong năm nay, tăng so với dự báo trước đó là 1,39 triệu thùng/ngày.

Kết thúc phiên 9/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,09 USD (-0,1%), xuống 69,96 USD/thùng, giá dầu thô Brent không đổi, giữ mức 72,22 USD/thùng.

Tin bài liên quan