Chứng khoán Mỹ phiên đêm qua dồn sự chú ý vào biên bản họp chính sách tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, bất chấp những dự báo về giai đoạn tăng trưởng kinh tế Mỹ mạnh nhất trong gần 40 năm của mình, các quan chức của Fed cho rằng, nền kinh tế vẫn còn xa các mục tiêu dài hạn và con đường phía trước vẫn còn nhiều bất định.
Biên bản lưu ý, thị trường lao động đã cải thiện nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, lạm phát sẽ tăng nhưng có thể quay đầu giảm vào năm tới, lợi tức trái phiếu tăng vọt gần đây "nhìn chung phản ánh triển vọng kinh tế khởi sắc”.
Các quan chức của Fed nhận định, nền kinh tế “cần thêm thời gian” để tiến triển hơn nữa, sau đó ngân hàng trung ương mới xem xét nới lỏng mức hỗ trợ hiện tại.
"Fed đã có lập trường minh bạch hơn trong suốt năm nay và lập trường đó thực sự chưa hề bị lay động”, Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường tại National Securities, New York cho biết.
Lợi suất trên trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vào cuối phiên, nhưng vẫn dưới ngưỡng cao nhất trong 14 tháng là 1,776% đạt được vào ngày 30/3. Việc lợi suất hạ nhiệt gần đây đã giúp nhóm cổ phiếu công nghệ và dịch vụ truyền thông hoạt động tốt.
Mặt khác, mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp đến và tiến độ trong kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá nghìn tỷ USD được chính phủ công bố mới đây có thể quyết định con đường phía trước của Phố Wall.
Các nhà phân tích hiện đã nâng kỳ vọng thu nhập của S&P 500 trong quý đầu tiên sẽ tăng lên 24,2%, cao hơn so với dự báo 21% được đưa ra vào ngày 5/2, theo dữ liệu của Refinitiv IBES.
Về dữ liệu kinh tế, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/4 cho biết thâm hụt thương mại Mỹ tăng 4,8% lên mức kỷ lục 71,1 tỷ USD trong tháng 2/2021. Cơ quan này dự báo thâm hụt thương mại Mỹ có thể vẫn ở mức cao trong năm nay với gói kích thích tài chính dược cho là sẽ thúc đẩy kinh tế nước này tăng trưởng nhanh nhất trong gần bốn thập kỷ.
Kết thúc phiên 7/4, chỉ số Dow Jones tăng 16,02 điểm (+0,05%), lên 33.446,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,01 điểm (+0,15%), lên 4.079,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,54 điểm (-0,07%), xuống 13.688,84 điểm.
Chứng khoán châu Âu ảm đạm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư với nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe là nhóm lao dốc mạnh nhất. Ngược lại, sự lạc quan về các đợt tiêm chủng được thực hiện nhanh chóng và đồng bảng Anh yếu hơn đã giúp chứng khoán Anh tiếp tục khởi sắc.
Kết thúc phiên 7/4, chỉ số FTSE 100 tăng 61,77 điểm (+0,91%), lên 6.885,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 36,32 điểm (-0,24%), xuống 15.176,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 0,68 điểm (-0,01%), xuống 6.130,66 điểm.
Chứng khoán châu Á trái chiều trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm với điểm nhấn thuộc về đà tăng mạnh của cổ phiếu của Toshiba.
Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ với nhóm cổ phiếu tiêu dùng kéo lùi thị trường. Chứng khoán Hồng Kông giảm điểm với nhóm cổ phiếu lớn ngành công nghệ dẫn đầu đà giảm
Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm nhờ lực mua mạnh bởi các nhà đầu tư nước ngoài trong ngày thứ năm liên tiếp với kỳ vọng kinh tế phục hồi.
Kết thúc phiên 7/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 34,16 điểm (+0,12%), lên 29.730,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,43 điểm (-0,09%), xuống 3.479,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 263,94 điểm (-0,91%), xuống 27.674,80 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 10,33 điểm (+0,33%), lên 3.137,41 điểm.
Đêm qua, giá vàng quay đầu giảm sau phiên phục phục hồi mạnh trước đó. Vàng lao dốc trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng nhẹ. Đồng thời, triển vọng tươi sáng của nền kinh tế lớn nhất thế giới làm giảm sức hấp dẫn đối với tài sản trú ẩn an toàn.
Kết thúc phiên 7/4, giá vàng giao ngay giảm 6,00 USD (-0,34%), xuống 1.737,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,40 USD (-0,08%), xuống 1.741,60 USD/ounce.
Dầu thô Brent tăng giá trong phiên đêm qua nhờ những cải thiện về triển vọng kinh tế toàn cầu, song dầu WTI giảm do tồn kho xăng tăng trong bối cảnh lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm Coivd-19 mới sẽ làm suy yếu sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,5 triệu thùng trong tuần trước, nhưng dự trữ xăng tăng 4 triệu thùng, trong khi các chuyên gia kỳ vọng con số này sẽ giảm 221.000 thàng, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết.
Kết thúc phiên 7/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,40 USD (-0,7%), xuống 59,73 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,49 USD (+0,7%), lên 63,18USD/thùng