Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư phấn khích

(ĐTCK) Lạc quan về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung khiến giới đầu tư phấn khích trong phiên cuối tuần qua (18/1).

Hôm thứ Năm (19/1), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, đã thảo luận về việc dỡ bỏ một số hoặc tất cả các mức thuế áp dụng đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và đề nghị đưa ra mức giảm thuế trong các cuộc thảo luận thương mại dự kiến vào ngày 30/1. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Tài chính phủ nhận Mnuchin đã đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào như vậy.

Dù vậy, trong ngày thứ Sáu, Bloomberg cho biết, Trung Quốc đề xuất tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ hàng năm với giá trị hơn 1.000 tỷ USD để giảm thặng dư thương mại xuống 0% vào năm 2024.

Những thông tin trên đã khiến giới đầu tư phấn kích, qua đó giúp phố Wall có phiên khởi sắc cuối tuần và là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên 18/1, chỉ số Dow Jones tăng 499,19 điểm (+2,06%), lên 24.706,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 34,75 điểm (+1,32%), lên 2.670,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 72,76 điểm (+1,03%), lên 7.157,23 điểm.

Trong tuần, Dow Jones tăng 2,96%, S&P 500 tăng 2,87% và Nasdaq tăng 2,66% và là tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Cả 3 chỉ số chính của phố Wall có mức tăng theo phần trăm trong 4 tuần cao nhất kể từ tháng 10/2011. Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa vào thứ Hai cho kỳ nghỉ Martin Luther King Jr.

Tương tự, thông tin tích cực về đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng giúp chứng khoán châu Âu tăng vọt trong phiên giao dịch cuối tuần trước, lên mức cao nhất 6 tuần.

Kết thúc phiên 18/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 133,41 điểm (+1,95%), lên 6.968,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 286,92 điểm (+2,63%), lên 11.205,54 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 81,57 điểm (+1,70%), lên 4.875,93 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,72% do những phiên điều chỉnh trước đó vì ảnh hưởng bởi thỏa thuận Brexit không được Quốc hội Anh thông qua. Trong khi đó, chỉ số DAX tăng mạnh 2,92% và chỉ số CAC 40 cũng tăng 1,98%. Đây cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong năm 2019 của chứng khoán châu Âu.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, những thông tin tích cực từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng giúp các chỉ số chính của khu vực có phiên giao dịch khởi sắc trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 18/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 263,80 điểm (+1,92%), lên 20.666,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,37 điểm (+1,42%), lên 2.596,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 335,18 điểm (+1,25%), lên 27.090,81 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,50% sau khi tăng mạnh 4,08% tuần trước. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite đều có tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong năm với mức tăng lần lượt là 1,59% và 1,65%.

Trong khi đó, đà khởi sắc của chứng khoán khiến vàng đánh mất vai trò của mình nên giảm rất mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 18/1, giá vàng giao ngay giảm 10 USD (-0,77%), xuống 1.281,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 11 USD (-0,85%), xuống 1.281,3 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,43% và giá vàng tương lai cũng giảm 0,51%. Đây là tuần giảm đầu tiên trong năm 2019 sau 2 tuần tăng nhẹ đầu năm.

Diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cùng sự khởi sắc của chứng khoán khiến giới phân tích có cái nhìn thận trọng hơn rất nhiều về giá vàng trong tuần tới. Trong khi đó, nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào đà tăng của giá vàng.

Cụ thể, trong 18 chuyên gia trả lời, số người dự báo giá vàng tăng, giảm và đi ngang trong tuần mới đều là 6 người, chiếm 33%, trong khi số người dự báo tăng trong tuần trước là 73%, dự báo giảm và đi ngang cùng là 15%.  

Trong khi đó, trong 440 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 255 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm 58%, nhỉnh hơn con số 57% của tuần trước; 94 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 21%, thấp hơn con số 25% của tuần trước và 91 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 21%.

Giá dầu thô cũng được hưởng lợi từ diễn biến tích cực của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 18/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,55 USD (+2,96%), lên 53,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,40 USD (+2,29%), lên 62,58 USD/thùng.

Giá dầu thô tiếp tục có tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong năm với mức tăng lần lượt 4,50% và 3,47%. Như vậy, sau 3 tuần đầu năm 2019, giá dầu thô đã tăng 18,7% và 19.7%.

Tin bài liên quan