Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giới đầu tư phấn chấn với dữ liệu kinh tế kém khả quan

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố kém khả quan giúp giới đầu tư tự tin vào khả năng Fed sẽ không sớm tăng lãi suất cho tới cuối năm nay, qua đó giúp phố Wall tăng mạnh, trong đó, Dow Jones và S&P 500 lập kỷ lục mới, còn Nasdaq lần đầu tiên từ năm 2000 vượt ngưỡng 5.000 điểm.

Theo dữ liệu kinh tế mới vừa công bố, chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ giảm 0,2% trong tháng Giêng, sau khi giảm 0,3% trong tháng 12/2014 do giá xăng giảm, cũng như các hộ tiếp tục cắt giảm mua sắm lớn.

Theo Viện quản lý nguồn cung, chỉ số hoạt động sản xuất trong nước giảm xuống 52,9 trong tháng 2, từ mức 53,5 trong tháng 1, mức thấp nhất trong 13 tháng. Dù vậy, con số này vẫn ở trên ngưỡng 50, ngưỡng cho thấy có sự tăng trưởng.

Còn theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu xây dựng giảm 1,1% trong tháng Giêng, những dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế lớn nhất đang tăng trưởng chậm lại.

Lạm phát của Mỹ trong tháng 12/2014 tăng 0,8%, trong khi lạm phát lõi, tức không bao gồm thực phẩm và năng lượng trong tháng 1/2015 tăng 1,3% so với năm trước, dưới mức mục tiêu 2% của Cụ dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed).

Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần trước, Chủ tịch Fed, Janet Yellen cho biết, cần lạm phát trung hạn duy trì ở mức trên 2% trước khi tính tới chuyện tăng lãi suất.

Do các thông tin kinh tế không khả quan và lạm phát vẫn còn cách xa mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra, nên các nhà đầu tư cho rằng, Fed sẽ không tăng lãi suất trước cuối năm nay, nên tự tin mua vào, giúp phố Wall có phiên hồi phục mạnh trở lại trong phiên đầu tuần, cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3.

Ngoài ra, sự bùng nổ của nhóm công nghệ sau những thông tin về hoạt động M&A và kết quả kinh doanh cũng hỗ trợ giúp phố Wall tăng mạnh phiên đầu tuần, bất chấp chịu sự ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu sụt giảm mạnh trở lại.

Phiên tăng điểm này giúp Dow Jones và S&P 500 lập kỷ lục mới, trong khi Nasdaq lần đầu tiên kể từ năm 2000 vượt lên trên mốc 5.000 điểm. Đây là lần thứ 3 chỉ số này đóng cửa trên ngưỡng 5.000. Lần cuối cùng là 10/3/2000.

Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Dow Jones tăng 155,93 điểm (+0,86%), lên 18.288,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,89 điểm (+0,61%), lên 2.117,39 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 44,57 điểm (+0, 90%), lên 5.008,10 điểm.

Trong khi phố Wall lập các kỷ lục mới, thì chứng khoán châu Âu lại điều chỉnh từ mức cao 7 năm do chịu ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu năng lượng và lo ngại từ vấn đề nợ của Hy Lạp.

Hy Lạp phải thanh toán một khoản nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu vào mùa hè này, nhưng nước này thừa nhận hôm thứ Bảy rằng, họ phải đối mặt với các vấn đề trong việc đáp ứng các nghĩa vụ của mình. Trong khi đó, hôm thứ Hai (2/3), Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, Hy Lạp cần phải cung cấp thêm chi tiết về các cuộc cải cách mà nước này hứa để đổi lấy việc mở rộng các chương trình viện trợ.

Kết thúc phiên 2/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 6,02 điểm (-0,09%), xuống 6.940,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 8,70 điểm (+0,08%), lên 11.410,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 34,16 điểm (-0,69%), xuống 4.917,32 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng và vẫn dao động trên mức cao 15 năm khi đồng yên giảm mạnh so với đồng USD, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại tăng khá, nhất là chứng khoán Trung Quốc tăng hơn 1% khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa có thêm quyết định cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại.

Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Nikkei 225 tăng 28,94 điểm (+0,15%), lên 18.826,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 64,15 điểm (+0,26%), lên 24.887,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 37,93 điểm (+1,15%), lên 3.336,28 điểm.

Trên thị trường vàng và ngoại hội, so với rổ tiền tệ, đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2003. Chỉ số đồng USD đã tăng 0,2% vào cuối phiên lên 95,478. So với đồng yên Nhật, đồng bạc xanh tăng 0,34%, lên 120,11 yên, trong khi đồng euro giảm 0,1% so với đồng USD, xuống 1,1185 USD.

Dù mở cửa phiên giao dịch châu Á đầu tuần, giá vàng tăng khá tốt trước các thông tin không mấy tích cực về kinh tế được đưa ra trước đó, cũng như vấn đề về Hy Lạp được công bố cuối tuần qua, tuy nhiên, cùng với việc đồng UD tăng mạnh, cũng kỳ vọng Fed sẽ không sớm tăng lãi suất với dữ liệu kinh tế Mỹ kém khả quan vừa công bố, vàng đã bị chốt lời mạnh và quay đầu giảm trở lại khi bước vào phiên giao dịch châu Âu và Mỹ.

Kết thúc phiên 2/3, giá vàng giao ngay giảm 7,8 USD (-0,64%), xuống 1.205,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 4,9 USD/ounce (-0,4%), xuống 1.208,2 USD/ounce.

Cũng như giá vàng, dầu thô cũng giảm mạnh trở lại sau tuần tăng khá tốt. Giá dầu giảm trở lại, nhất là dầu thô Brent mất hơn 5%, xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng ngoài do đồng USD mạnh lên, còn do Iran công bố, thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của nước này có thể đạt được trong tuần này và nêu lệnh cấm vận của các nước phương Tây được gỡ bỏ, xuất khẩu dầu của Iran sẽ tăng lên.

Kết thúc phiên 2/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,17 USD/thùng (-0,34%), xuống 49,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,04 USD (-5,11%), xuống 59,54 USD/thùng.

Tin bài liên quan