Giới đầu tư lo sợ trước triển vọng u ám của kinh tế thế giới

Giới đầu tư lo sợ trước triển vọng u ám của kinh tế thế giới

(ĐTCK) Việc IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức thấp nhất 28 năm đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch thứ Ba (22/1).

Hôm thứ Hai (21/1), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống 2,9%, trong khi kinh tế Trung Quốc năm 2018 tăng trưởng 6,6% trong năm 2018, chậm nhất trong 28 năm.

Thêm vào đó, Financial Times đưa ra báo cáo rằng, chính quyền của ông Trump đã hủy các cuộc đàm phán thương mại đang chuẩn bị với Trung Quốc.

Những thông tin trên khiến phố Wall giảm mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch hôm thứ Ba (22/1), phiên giao dịch đầu tuần mới sau khi nghỉ giao dịch hôm thứ Hai ngày lễ Martin Luther King Jr.

Tuy nhiên, đà giảm được hãm bớt cuối phiên sau khi cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow từ chối bình luận về báo cáo của Financial Times.

Trong phiên, nhóm FAANG, Facebook Inc, Apple Inc, Amazon, Netflix Inc và Google Parent Alphabet Inc giảm từ 1,6-4,1%.

Ngoài ra, cổ phiếu Johnson & Johnson giảm 1,4% và Stanley Black & Decker Inc giảm 15,5% sau khi dự báo kết quả kinh doanh năm 2019 thất vọng.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Dow Jones giảm 301,87 điểm (-1,22%), xuống 24.404,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 37,81 điểm (-1,42%), xuống 2.632,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 136,87 điểm (-1,91%), xuống 7.020,36 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày thứ Ba khi nhà đầu tư thận trọng trước những dự báo kém tích cực về tăng trưởng kinh tế thế giới, cùng kết quả kinh doanh thất vọng của UBS, kéo nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 69,20  điểm (-0,99%), xuống 6.901,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 46,09 điểm (-0,41%), xuống 11.090,11 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 20,24 điểm (-0,42%), xuống 4.847,53 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số chính của khu vực cũng quay đầu giảm do áp lực chốt lời và sự thận trọng của nhà đầu tư trước triển vọng kinh tế kém tích cực của Trung Quốc.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 96,42 điểm (-0,47%), xuống 20.622,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 30,81 điểm (-1,18%), xuống 2.579,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 191,09 điểm (-0,70%), xuống 27.005,45 điểm.

Việc chứng khoán giảm mạnh đã hỗ trợ giúp giá vàng lấy lại đà tăng trong phiên thứ Ba, bù đắp những mất mát trong 2 phiên giảm vừa qua.

Kết thúc phiên 22/1, giá vàng giao ngay tăng 5,1 USD (+0,4%), lên 1.284,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 3,8 USD (+0,3%), lên 1.283,4 USD/ounce.

Giá dầu thô cũng quay đầu giảm mạnh khi nhà đầu tư thận trọng trước việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, trong khi nguồn cung lại gia tăng. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, sản lượng dầu thô của quốc gia này tuần trước đạt mức kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, dữ liệu từ Ả Rập Xê út cho thấy, xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11 đã tăng lên mức 8,2 triệu thùng/ngày từ mức 7,7 triệu thùng/ngày trong tháng 10, sản lượng tăng lên 11,1 triệu thùng/ngày.

Kết thúc phiên 22/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,57 USD (-2,90%), xuống 52,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,82 USD (-2,90%), xuống 60,92 USD/thùng.

Tin bài liên quan