Sau khi khởi đầu tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9 bằng một phiên tích cực, chứng khoán Mỹ lại quay đầu giảm điểm trong bối cảnh tổng số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu vượt qua cột mốc 1 triệu người.
Ứng phó với đại dịch và kế hoạch phục hồi kinh tế Mỹ là những chủ đề chính trong cuộc tranh luận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden tại Cleveland vào 9h tối thứ Ba này. Mỹ đến nay đã ghi nhận 7,1 triệu người nhiễm bệnh và hơn 205.000 người chết, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.
Theo giới quan sát, nhìn chung, cuộc tranh luận này hứa hẹn sẽ tác động đến thị trường trong 35 ngày tới, cho đến cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11 diễn ra.
Trong khi đó, vào cuối ngày thứ Hai (28/9), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã chính thức công bố dự luật về cứu trợ kinh tế mới trị giá 2.200 tỷ USD do các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đề xuất.
Tuy nhiên, triển vọng gói cứu trợ này được thông qua dường như đang mờ nhạt dần khi trọng tâm ở Washington chuyển sang cuộc chiến với ứng viên Tòa án Tối cao Amy Coney Barrett, người được ông Trump đề cử thay thế cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg.
Bà Pelosi sẽ có cuộc đàm phán tiếp theo với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong ngày thứ Ba với những nỗ lực cuối cùng để hồi sinh các cuộc đàm phán bị chia rẽ trước đó giữ hai phe Dân chủ và Cộng hoà.
Hỗ trợ bổ sung từ chính phủ cho các doanh nghiệp và người dân thất nghiệp do đại dịch được coi là trọng tâm để hỗ trợ giai đoạn tiếp theo trong quá trình phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dự luật được đề xuất từ Đảng Dân chủ đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa do lo sợ ngân sách chính phủ sẽ tiếp tục thâm hụt lớn.
Về dữ liệu kinh tế, báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ tăng 3,5% trong tháng 8, lên 82,9 tỷ USD, tồn kho bán buôn của Mỹ tăng 0,5%, trong khi tồn kho bán lẻ của Mỹ tăng 0,8%.
Mặt khác, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã phục hồi, tăng lên mức 101,8 trong tháng 9 từ mức 86,3 vào tháng 8. Đây là mức điểm tốt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và cũng là mức tăng điểm lớn nhất trong 17 năm qua, Conference Board cho biết.
Đóng cửa phiên ngày thứ Ba, cả ba chỉ số chính trên phố Wall đảo chiều giảm điểm sau khi tăng mạnh vào đầu phiên.
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số Dow Jones giảm 131,4 điểm (-0,48%), xuống 27.452,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,13 điểm (-0,48%) xuống 3.335,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 32,28 điểm (-0,29%), xuống 11.085,25 điểm.
Chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch ảm đạm do lo ngại về sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu. Mặt khác, các nhà đầu tư chủ yếu chờ đợi màn tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ.
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,43 điểm (-0,51%), xuống 5.897,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 45,05 điểm (-0,35%), xuống 12.825,82 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 11,20 điểm (-0,23%) xuống 4.832,07 điểm.
Các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á hầu hết tăng điểm trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, với trọng tâm đáng chú ý là thương vụ NTT muốn kiểm soát toàn bộ hoạt động mảng không dây tại NTT Docomo.
Chứng khoán Trung Quốc cũng nhích nhẹ nhờ sự ổn định của nhóm cổ phiếu công nghệ, được thúc đẩy bởi hy vọng kinh tế trong nước phục hồi bền vững.
Thị trường phản ứng vừa phải với dự báo của các nhà kinh tế cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 51,2 điểm trong tháng 9 từ mức 51 điểm của tháng 8.
Nhấn mạnh sự phục hồi sớm của Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ ở mức 2% trong năm nay, trong khi phần còn lại của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm 3,5%.
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 27,48 điểm (+0,12%), lên 23.539,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,82 điểm (+0,21%), lên 3.224,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 200,52 điểm (-0,85%), xuống 23.275,53 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 19,81 điểm (+0,86%), lên 2.327,89 điểm.
Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Thị trường kim loại quý đang được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của chỉ số đồng USD sau khoảng thời gian tăng mạnh gần đây. Mặt khác, nhu cầu trú ẩn an toàn đang quay trở lại trước biến động khó lường của thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 29/9, giá vàng giao ngay tăng 16,10 USD (+0,86%), lên 1.897,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 15,00 USD (+0,81%), lên 1.872,80 USD/ounce.
Giá dầu giảm do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu giảm khi số trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng, khiến kỳ vọng các nhà lập pháp Mỹ và Nhà Trắng đạt được thỏa thuận về gói kích thích mới để vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới dâng cao.
Kết thúc phiên 29/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,31 USD (-3,33%), xuống 39,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,40 USD (-3,41%), xuống 41,03 USD/thùng.