Giới đầu tư liên tục nhận quà đầu năm mới

Giới đầu tư liên tục nhận quà đầu năm mới

(ĐTCK) Chuỗi đà tăng ấn tượng của chứng khoán toàn cầu tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch thứ 3 của năm mới. Sự khởi đầu của năm nay giống như năm ngoái khi nhà đầu tư liên tiếp có quà trong những phiên đầu năm.

Theo báo cáo bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP) vừa được công bố trong ngày thứ Năm, trong tháng 12/2017, các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực tư nhân Mỹ tuyển thêm 250.000 việc làm, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2017.

Dữ liệu công bố trước đó cũng cho thấy, khu vực sản xuất của Mỹ cũng rất tích cực, càng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào đà tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2017 và 2018.

Nhận các thông tin kinh tế khả quan, phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm trong ngày thứ Năm, trong đó chỉ số Dow Jones đã vượt ngưỡng 25.000 điểm, còn S&P 500 và Nasdaq lên mức cao kỷ lục mới, dù đà tăng khiêm tốn hơn nhiều phiên trước đo do sự hạ nhiệt của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Thứ Sáu, các nhà đầu tư hướng sự tập trung vào báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ với dự đoán khu vực này sẽ có thêm 190.000 việc làm trong tháng 12/2017.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Dow Jones tăng 152,45 điểm (+0,61%), lên 25.075,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,79 điểm (+0,43%), lên 2.724,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 12,38 điểm (+0,18%), lên 7.077,92 điểm.

Tương tự, dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy, nền kinh tế đồng tiên chung châu Âu đang trên đà tăng trưởng tốt. Cụ thể, dữ liệu PMI dịch vụ vừa công bố cho thấy khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng trưởng mạnh nhất trong 7 năm qua.

Dữ liệu kinh tế khả quan này giúp chứng khoán châu Âu tăng vọt trong phiên thứ Năm, bất chấp đồng euro tăng mạnh lên mức cao nhất 3 năm.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 24,77 điểm (+0,32%), lên 7.695,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 189,68 điểm (+1,46%), lên 13.167,89 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 82,41 điểm (+1,55%), lên 5.413,69 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản sau kỳ nghỉ tết dài ngày đã trở lại giao dịch trong phiên thứ Năm (4/1). Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, dường như muốn bù đắp cho 2 phiên nghỉ so với các thị trường khác, chứng khoán Nhật Bản đã có phiên tăng vọt hơn 3%, lên mức cao nhất 26 năm với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu năng lượng và chứng khoán. Ngoài ra, số liệu sản xuất của Nhật Bản tháng trước tăng mạnh cũng góp phần giúp chứng khoán thăng hoa.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tăng với chỉ số Hang Seng tăng phiên thứ 8 liên tiếp, còn chỉ số Shanghai Composite tăng phiên thứ 5 liên tiếp nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc trong tháng 12/2017.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 741,39 điểm (+3,26%), lên 23.506,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 175,53 điểm (+0,57%), lên 30,736,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,60 điểm (+0,49%), lên 3.385,71 điểm.

Sau phiên điều chỉnh trước đó và tiếp đà giảm khi mở cửa phiên thứ Năm, giá vàng đã đảo chiều bứt mạnh trở lại trong phiên Mỹ khi đồng USD nhanh chóng quay đầu đi xuống sau phiên hồi phục trước đó.

Kết thúc phiên 4/1, giá vàng giao ngay tăng 9,5 USD/ounce (+0,72%), lên 1.322,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 tăng 3,1 USD/ounce (+0,23%), lên 1.321,6 USD/ounce.

Dù chịu áp lực chốt lời, song nhờ đồng USD giảm mạnh, nên giá dầu thô tiếp tục giữ được đà tăng trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 4/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,27 USD (+0,44%), lên 61,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,13 USD (+0,19%), lên 67,97 USD/thùng.

Tin bài liên quan