Tuần này, một phần ba các công ty thuộc S&P 500 sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua, bao gồm các gã khổng lồ công nghệ Apple, Microsoft, Amazon.com và Alphabet, cũng là bốn công ty lớn nhất của Mỹ theo giá trị thị trường.
Khởi đầu tuần, Tesla hôm thứ Hai công bố báo cáo cho thấy doanh thu trong quý II của hãng tăng vọt 98%, đạt 11,96 tỷ USD và vượt kỳ vọng của phố Wall.. Bất chấp đại dịch và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, Tesla đạt kỷ lục về doanh số bán hàng nhờ mở bán các mẫu xe rẻ hơn như sedan Model 3 và Model Y. Cổ phiếu Tesla tăng 2,2% trong phiên.
Theo dữ liệu của Refinitiv, phần lớn các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo cho đến nay đều vượt kỳ vọng về doanh thu, đẩy mức tăng trưởng dự kiến vốn đã rất lớn cho quý II lên mức lớn hơn.
Mùa báo cáo lạc quan đã bù đắp những lo ngại gần đây về của biến thể Delta đang khiến làn sóng dịch bệnh thứ tư lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu.
Mặt khác, cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed sẽ bắt đầu vào thứ Ba và mọi con mắt trên thị trường đang đổ dồn vào việc liệu ngân hàng trung ương có phát đi tín hiệu lo ngại mới nào về lạm phát khi kết thúc cuộc họp vào thứ Tư hay không.
Trước đó, sau cuộc họp tháng 6, Fed cho biết sẽ bắt đầu tăng lãi suất hai lần vào năm 2023, sớm hơn dự kiến.
Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ giảm sâu sau khi Bắc Kinh vào tuần trước công bố các quy định mới về vấn đề dạy thêm, liên quan đến các nền tảng giáo dục trực tuyến, đây là quy định mới nhất trong một loạt các cuộc đàn áp đối với lĩnh vực công nghệ làm chao đảo thị trường tài chính thời gian gần đây. Alibaba giảm 7,2% và Baidu giảm 6% trong phiên đêm qua.
Kết thúc phiên 26/7, chỉ số Dow Jones tăng 8,76 điểm (+0,24%), lên 35.144,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,51 điểm (+0,24%), lên 4.422,3 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,72 điểm (+0,03%), lên 14.840,71 điểm.
Chứng khoán châu Âu hầu hết giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai sau đợt tăng giá mạnh, khi nhà đầu tư quay lại với mối lo ngại về tình hình gia tăng các trường hợp Covid-19 trên toàn cầu và lạm phát cao.
Kết thúc phiên 26/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,15 điểm (-0,03%), xuống 7.025,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 50,31 điểm (-0,32%), xuống 15.618,98 điểm. Chỉ số CAC 40 tại tăng 9,78 điểm (+0,15%), lên 6.578,60 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ sự lạc quan về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, mặc dù đà tăng bị chặn lại một phần do lo ngại dịch bệnh Covid-19 trong nước có thể làm suy yếu thêm sự phục hồi kinh tế.
Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo ồ ạt khi nhà đầu tư lo ngại về tác động của các quy định của chính phủ đối với lĩnh vực giáo dục.
Chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất trong 14 tháng do tình trạng bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vẫn tiếp diễn, sau khi Bắc Kinh tung ra một đợt thắt chặt quy định đối với các công ty giáo dục.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, ảnh hưởng từ việc các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức bán ra cổ phiếu trong nước và chuyển hướng dòng tiền đến Phố Wall.
Kết thúc phiên 26/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 285,29 điểm (+1,04%), lên 27.833,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 82,96 điểm (-2,34%), xuống 3.467,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.129,66 điểm (-4,13%), xuống 26.192,32 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 29,47 điểm (--0,91%), xuống 3.224,95 điểm.
Giá vàng tiếp tục giảm sang phiên đầu tuần mới, đánh mất mốc 1.800 USD/ounce trong bối cảnh thị trường thận trọng nghe ngóng thông tin trước thềm cuộc họp của Fed diễn ra trong tuần này.
Thị trường đang chờ đợi tín hiệu Fed phát đi có liên quan đến việc liệu thu hẹp quy mô mua trái phiếu hay không. Cuộc họp của Fed tuần này được coi là sự kiện quan trọng đối với thị trường vàng khi kim loại quý đang nỗ lực tìm động lực tăng giá mới.
Kết thúc phiên 26/7, giá vàng giao ngay giảm 4,70 USD (-0,26%), xuống 1.797,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 2,60 USD (-0,14%), xuống 1.799,20 USD/ounce.
Giá dầu quay đầu giảm trong phiên ngày thứ Hai do thị trường bày tỏ lo ngại về nhu cầu nhiên liệu trên toàn cầu trước sự lan rộng của các biến thể Covid-19, bên cạnh những thay đổi đối với quy tắc nhập khẩu ở Trung Quốc làm lu mờ kỳ vọng về nguồn cung thắt chặt trong suốt thời gian còn lại của năm.
Các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng vào cuối tuần qua, trong đó một số quốc gia báo cáo mức tăng kỷ lục đồng thời mở rộng các biện pháp phong toả khiến nhu cầu trên thị trường dầu chậm lại. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp Covid-19.
Ngoài ra, Bắc Kinh trấn áp việc lạm dụng hạn ngạch nhập khẩu, kết hợp với tác động của giá dầu thô cao có thể khiến tăng trưởng nhập khẩu dầu của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ vào năm 2021, mặc dù tỷ lệ lọc dầu dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.
Kết thúc phiên 26/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,44 USD (-0,6%), xuống 71,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,35 USD (-0,4%), xuống 74,75 USD/thùng.